Phòng tránh ngộ độc rượu dịp Tết Nguyên đán
Các vụ ngộ độc rượu tăng mạnh dịp trước và sau Tết
Theo Bộ Y tế, hàng năm, số vụ ngộ độc rượu tăng đột biến trong ngày tết. Bên cạnh đó còn có rất nhiều người mắc các bệnh mãn tính liên quan đến rượu, bia. Đến thời điểm gần Tết Nguyên đán, các bệnh nhân bị ngộ độc rượu càng tăng.
Nhiều bệnh nhân ngộ độc rượu pha từ cồn công nghiệp methanol, thậm chí là lạm dụng rượu, bia đạt chuẩn cũng gây ngộ độc hoặc tổn thương gan. Không có loại rượu nào được xem là an toàn với người uống. Trước và sau Tết Nguyên đán, số lượng bệnh nhân ngộ độc rượu nhập viện năm nào cũng đông.
Cấp cứu cho một bệnh nhân ngộ độc rượu tại Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai |
Nguyên nhân của ngộ độc rượu là do lạm dụng rượu, uống rượu vượt quá mức chấp nhận của cơ thể, do sử dụng rượu không đảm bảo an toàn thực phẩm như: uống phải rượu pha cồn công nghiệp methanol hoặc ethylene glycol; do uống rượu ngâm với thảo mộc (như lá, rễ, hạt cây) hoặc ngâm với động vật (như mật, phủ tạng…).
Ngoài ra, rượu, bia là một chất gây tác động tâm thần, sử dụng thường xuyên rượu, bia có thể gây ra các rối loạn tâm thần như rối loạn lo âu, trầm cảm, hoang tưởng… làm gia tăng các ý tưởng tự sát. Người nghiện rượu dễ bị kích động, thần trí không ổn định và trở nên bạo lực.
Hiện nay, trên thị trường, còn có nhiều loại rượu không đảm bảo an toàn thực phẩm như rượu pha cồn công nghiệp methanol, rượu ngâm với các loại lá, rễ cây hoặc ngâm với nội tạng động vật (mật, phủ tạng)… vẫn được bán trôi nổi trên thị trường, trong các quán ăn, nhà hàng không được kiểm chứng của các cơ quan chức năng.
Đặc biệt là việc sử dụng rượu chứa cồn công nghiệp methanol - loại cồn y tế chỉ dùng để sát trùng, chứ không thể uống. Đây là nguyên nhân gây ra các trường hợp ngộ độc rượu. Methanol là một loại chất cồn được dùng trong sản xuất rượu.
Hàm lượng methanol có trong rượu uống về nguyên tắc phải thấp hơn 0,1%. Tuy nhiên, vì lợi nhuận nên một số loại rượu bán trôi nổi trên thị trường có hàm lượng methanol rất cao, dễ gây ngộ độc và tử vong.
Những dấu hiệu ngộ độc rượu
Tại Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai, trong thời gian trước và sau Tết, số lượng bệnh nhân ngộ độc rượu vẫn tăng như mọi năm và cũng có những bệnh nhân ngộ độc rượu, kể cả rượu thông thường có tình trạng rất nặng.
Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai, có những trường hợp nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, không thở được, các bác sĩ đã phải đặt ống thở máy và sử dụng các biện pháp hồi sức… Hay một trường hợp khác, uống nhiều rượu bỏ bữa không ăn, sau đó không ăn dẫn đến hạ đường huyết, suy hô hấp… tất cả những trường hợp này đều dẫn đến tổn thương não rất nặng nề. Cá biệt có những trường hợp gia đình xin về vì não tổn thương nhiều không thể hồi phục được hoặc có những trường hợp di chứng sau đó như hôn mê kéo dài.
Cũng theo bác sĩ Nguyên, ngoài những trường hợp ngộ độc rượu thông thường thì còn có những trường hợp ngộ độc rượu chứa cồn công nghiệp methanol, rất nguy hiểm. Cồn công nghiệp methanol là hóa chất không được sử dụng trực tiếp cho con người.
“Đây là hóa chất rất độc. Nếu không may uống phải rượu có chứa cồn công nghiệp methanol thì lúc đầu người uống cũng có những dấu hiệu như rượu thông thường. Cụ thể, người uống vẫn cảm thấy say, tuy nhiên sau đó, chúng sẽ chuyển hóa thành những chất độc hơn như: axitformic (gây tổn thương mắt, tổn thương não…)”, bác sĩ Nguyên cho biết.
Đặc biệt, những trường hợp ngộ độc cồn công nghiệp methanol có tỷ lệ tử vong rất cao. Nếu được điều trị tích cực tại những trung tâm lớn thì tỷ lệ tử vọng vẫn ở mức 30% còn ở những vùng sâu, vùng xa tỷ lệ tử vong có thể lên đến 50%. Phần lớn các trường hợp ngộ độc cồn công nghiệp methanol đều có di chứng mù mắt hoặc mờ mắt, thị lực kém.
Do vậy, các bác sĩ khuyến cáo người dân cần hết sức tỉnh táo khi lựa chọn loại đồ uống có cồn, cần lựa chọn loại đồ uống có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Nếu sau khi uống rượu có các triệu chứng bất thường như đau đầu, khó thở, cần nhập viện ngay để được thăm khám và điều trị, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Ảnh minh hoạ |
Để phòng ngừa ngộ độc rượu, bia trong dịp Tết, không uống rượu có pha cồn công nghiệp có hàm lượng Methanol > 0,1% vì có thể gây ngộ độc rượu. Không uống rượu nồng độ từ 30 độ trở lên vượt quá 30ml/người/ngày. Không uống rượu ngâm các loại với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân...
Khi bị ngộ độc rượu, nạn nhân cảm thấy chóng mặt, lú lẫn, yếu cơ, nhức đầu, buồn nôn, nôn và đau bụng. Người thân cần biết xử lý đúng cách khi nạn nhân có biểu hiện ngộ độc để tránh tai biến đáng tiếc và đưa đến cơ sở khám chữa bệnh gần nhất.