Phòng vệ thương mại: Công cụ bảo vệ lợi ích ngành sản xuất nội địa
Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại Quy định chi tiết về các biện pháp phòng vệ thương mại |
Đó cũng là chủ đề chính được bàn thảo tại buổi hội thảo "Phòng vệ thương mại - công cụ bảo vệ lợi ích ngành sản xuất nội địa trong bối cảnh hội nhập" được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng với Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) phối hợp tổ chức hôm nay (27/10) tại Hà Nội.
Khai mạc hội thảo, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) cho hay, với 13 hiệp định thương mại tư do (FTA), đặc biệt là Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA), Việt Nam đã và đang mở cửa mạnh mẽ thị trường nội địa cho hàng hóa từ 51 nước đối tác. Điều này giúp thị trường Việt Nam trở nên sôi động và cạnh tranh hơn. Tuy nhiên, hiện tượng nhập khẩu ồ ạt gây cạnh tranh không lành mạnh của hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài cũng xuất hiện, có khả năng gây thiệt hại đáng kể và đe dọa tới lợi ích lâu dài của một số ngành sản xuất trong nước.
"Sự kiện này nhằm mục đích hỗ trợ các doanh nghiệp, các hiệp hội tìm hiểu kỹ càng hơn; Hướng dẫn các kỹ năng cơ bản để sử dụng công cụ phòng vệ thương mại ở Việt Nam trong từng ngành, lĩnh vực sản xuất hàng hóa trong nước; Đồng thời, tham gia đóng góp ý kiến ngay từ đầu với các khung khổ chính sách pháp luật mới về phòng vệ thương mại ở Việt Nam như dự thảo Đề án nâng cao năng lực phòng vệ thương mại trong bối cảnh hội nhập cũng như dự thảo Thông tư thực hiện Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA) cùng các hướng dẫn chi tiết về quy trình nộp đơn kiện và tham gia các vụ kiện phòng vệ thương mại", bà Trang nhấn mạnh.
Hội thảo Phòng vệ thương mại - Công cụ bảo vệ lợi ích ngành sản xuất nội địa trong bối cảnh hội nhập |
Vế phía Bộ Công thương, ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại khái quát bối cảnh hội nhập và các nguy cơ từ việc hàng hóa nhập khẩu ồ ạt vào Việt nam sẽ ảnh hưởng rất lớn đối với các ngành sản xuất nội địa. Đồng thời ông nhấn mạnh, công cụ phòng vệ thương mại có vai trò và ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc hỗ trợ và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho hàng hóa Việt Nam.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế, luật sư cũng như đại diện các doanh nghiệp đều thừa nhận, lâu nay doanh nghiệp và các hiệp hội chưa thực sự biết cách vận dụng hiệu quả công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ quyền lợi và lợi ích của mình.
Việc nắm bắt thông tin về phòng vệ thương mại của các doanh nghiệp còn yếu kém dẫn đến tình trạng nhiều vụ việc xảy ra gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp. Do đó, Bộ Công thương đã xây dựng Đề án Nâng cao năng lực phòng vệ thương mại trong bối cảnh hội nhập để hỗ trợ giúp các doanh nghiệp sản xuất vượt qua khó khăn, đồng thời giảm nguy cơ hàng hóa Việt Nam bị điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.
Đại biểu đóng góp ý kiến cho Đề án Nâng cao năng lực phòng vệ thương mại trong bối cảnh hội nhập của Bộ Công thương |
Đề cập tới việc cải thiện năng lực sử dụng công cụ phòng vệ thương mại trong thực tế, ông Vũ Tuấn Nghĩa, Phó Trưởng phòng Điều tra chống bán phá giá và trợ cấp, Cục Phòng vệ Thương mại chia sẻ những điều doanh nghiệp cần biết để bảo đảm lợi ích trong các vụ kiện; Những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong việc sử dụng công cụ phòng vệ thương mại; Cùng với đó, đưa ra lời khuyên với các nhóm doanh nghiệp đi kiện và nhóm bị kiện hay nhóm có lợi ích liên quan trong từng bước cơ bản của vụ kiện phòng vệ thương mại đối với hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam...