Phụ nữ Thủ đô chia sẻ kinh nghiệm thực hiện quy tắc ứng xử tại di tích lịch sử
Ngày 16/5, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội tổ chức tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm triển khai mô hình danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử kiểu mẫu trong thực hiện quy tắc ứng xử nơi công cộng.
Chia sẻ tại tọa đàm, bà Phạm Thị Thanh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội, sau 5 năm triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố gắn với xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đã và đang mang đến những thay đổi rõ nét. Thông điệp về văn hóa ứng xử được lan tỏa mọi lúc, mọi nơi, góp phần đẩy lùi những hành vi ứng xử thiếu văn hóa; Đồng thời, khích lệ sự ra đời của ngày càng nhiều những việc làm vì đời sống văn hóa cộng đồng, trong đó có việc ươm mầm, nhân rộng các mô hình điểm từ thành phố tới cơ sở.
Bà Phạm Thị Thanh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội phát biểu tại tọa đàm |
Tuy nhiên, bà Phạm Thị Thanh Hương nhận định, vẫn còn xảy ra tình trạng di tích bị xâm hại bởi những hành vi thiếu ý thức của một bộ phận người dân, khách tham quan như việc viết, vẽ, khắc bậy lên di tích, văng tục chửi bậy, xả rác bãi tại các điểm tham quan, du lịch…
Nhận thức được vai trò, trách nhiệm của phụ nữ và tổ chức Hội trong việc tham gia thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, Hội LHPN Hà Nội đã triển khai mô hình điểm "Chợ văn minh - an toàn - hiệu quả", mô hình điểm Danh lam thắng cảnh/Di tích lịch sử kiểu mẫu và mô hình điểm Tổ dân phố/thôn văn hóa kiểu mẫu.
Mô hình danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử kiểu mẫu được triển khai thí điểm trong thời gian từ tháng 12/2022 đến tháng 6/2023 tại 5 di tích của 2 huyện, gồm: Khu di tích đền - chùa Bà Tấm, Đền Gióng, Làng gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm); Đền Sóc, Tượng đài Thánh Gióng (huyện Sóc Sơn).
Bên cạnh đó, nhiều đơn vị, cơ sở Hội trực thuộc đã chủ động nghiên cứu, triển khai, ra mắt mô hình tại địa bàn như: Đền Cổ Loa (huyện Đông Anh); Đền Nội Bình Đà (huyện Thanh Oai); Chùa Hưng Long, chùa Linh Quang (huyện Thanh Trì); Chùa Hưng Phúc (huyện Hoài Đức); Đền thờ Tô Hiến Thành, chùa Đôi Hồi (huyện Đan Phượng).
Tính đến thời điểm này, các quận, huyện, thị xã đã triển khai 12 mô hình danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử kiểu mẫu với nhiều công trình, phần việc thiết thực như: Lắp đặt hệ thống bảng biểu quy tắc ứng xử; Ra mắt công trình vườn hồng với 300 cây hồng cổ; Trồng hàng cây dọc đường vào khu di tích; Trồng cây vun trồng tương lai với 400 cây hoa giấy; Bổ sung ghế đá, thùng đựng rác tại các điểm danh lam, di tích…
Từ tháng 7/2023, Hội sẽ nhân rộng mô hình đến 35 điểm di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh.
Quang cảnh tọa đàm |
Tại tọa đàm, các đại biểu đến từ Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Hà Đông và đại diện Ban quản lý Khu di tích lịch sử Đền thờ Nguyên Phi Ỷ Lan... đã chia sẻ kinh nghiệm thực tế của các địa phương đã và đang trực tiếp triển khai mô hình.
Đại diện UBND huyện Gia Lâm cho rằng, cần tuyên truyền sâu rộng hơn nữa để việc thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng gắn với thực hiện nếp sống văn minh trong quản lý di tích và lễ hội, trở thành thói quen, thành nếp sống của mỗi người dân, du khách khi đến di tích, lễ hội. Bảng quy tắc ứng xử nơi công cộng, nội quy, quy định dành cho Nhân dân, du khách đến tham quan đều được đặt ở nơi dễ nhìn, dễ thấy giúp thực hiện tốt, góp phần giữ gìn văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh tại di tích...
Đồng thời, các đại biểu cũng đề xuất các giải pháp như: Tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh tại di tích, danh lam thắng cảnh thực hiện tốt quy tắc ứng xử nơi công cộng; Tổ chức ra quân vệ sinh môi trường, thu gom rác thải sau lễ hội; Tăng cường bảo đảm an ninh, trật tự tại lễ hội, di tích; Tổ chức thêm nhiều hoạt động trải nghiệm để người dân, du khách tham quan hiểu hơn về di tích…
Hà Nội là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng di tích có trên địa bàn với 5.922 di tích; Trong đó có 1 di sản văn hóa thế giới, 21 cụm di tích quốc gia đặc biệt, 1.160 di tích quốc gia, 1.456 di tích cấp thành phố. |