Phú Yên phát hiện một bệnh nhân nhiễm vi rút Zika
(TTTĐ) Ngày 3/8, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) xác nhận, tại Phú Yên đã ghi nhận một trường hợp nhiễm vi rút Zika. Đó là bệnh nhân D.Đ.T. (27 tuổi ở thôn Tân Hội, xã Sơn Hội, huyện Sơn Hòa).
Được biết, ngày 27/6, bệnh nhân T. xuất hiện sốt kèm theo các triệu chứng đau cơ, đau khớp. Đến ngày 30/6, bệnh nhân xuất hiện thêm ban đỏ dạng chấm toàn thân. Ngay sau đó, bệnh nhân đến điều trị tại Bệnh viện (BV) Đa khoa huyện Sơn Hòa.
Tại đây, các bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân bị sốt xuất huyết nên đã lấy mẫu máu gửi Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh xét nghiệm. Tuy nhiên, kết quả cho thấy, bệnh nhân âm tính với sốt xuất huyết. Đến ngày 7/7, bệnh nhân khỏi bệnh và xuất viện về nhà. Dù vậy, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh vẫn gửi mẫu huyết thanh của bệnh nhân đến Viện Pasteur Nha Trang để tiến hành xét nghiệm. Đến ngày 28/7, Viện Pasteur Nha Trang kết luận mẫu máu của bệnh nhân dương tính với vi rút Zika.
Ngay khi nhận được kết luận của Viện Pasteur Nha Trang, Sở Y tế tỉnh đã tiến hành giám sát, khoanh vùng tại nhà bệnh nhân và các hộ dân xung quanh nhằm hạn chế thấp nhất việc lây lan ra cộng đồng. Y tế địa phương cũng đã tiến hành tổng vệ sinh, diệt bọ gậy và phun hóa chất tại 154 hộ dân trong vòng bán kính 250m xung quanh nhà bệnh nhân.
Ngoài ra, Sở Y tế còn chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố và các cơ sở y tế có giường bệnh tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh do vi rút Zika. Sở Y tế Phú Yên cũng tiếp tục triển khai công tác điều tra, giám sát để phát hiện các trường hợp nghi ngờ bệnh do vi rút Zika nhằm ngăn chặn kịp thời.
Thường xuyên làm sạch hoặc đậy kín các vật dụng chứa nước để loại bỏ môi trường sống của muỗi là biện pháp phòng ngừa bệnh do virus Zika
Trước đó, vào tháng 4/2016, Việt Nam đã phát hiện 2 trường hợp dương tính với vi rút Zika đầu tiên tại tỉnh Khánh Hòa và TP Hồ Chí Minh. Trước tình trên, Bộ Y tế sẽ liên tục thông tin kịp thời để các địa phương có thể triển khai các biện pháp cần thiết. Hiện chủng vi rút Zika ở Châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng không có nguy cơ lây lan lớn cũng như không gây ra chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh. Vì vậy, người dân không nên quá hoang mang, lo lắng.
PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo, người dân chủ động trong việc phòng chống Zika, sốt xuất huyết. Cụ thể là thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách lật úp các dụng cụ chứa nước không cần thiết; thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.
Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá... Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất diệt muỗi để phòng, chống dịch. Người nhập cảnh về từ các quốc gia có lưu hành vi rút Zika chủ động tự theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày, nếu có biểu hiện sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà.
Phương Thu