Quản lý bữa ăn bán trú cho học sinh: Tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm sai phạm
Kiểm soát chặt chẽ, toàn diện quy trình tổ chức bữa ăn bán trú là yêu cầu của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đối với các nhà trường trong năm học 2019-2020. Ảnh: Minh Đức
Tăng cường kiểm tra, giám sát, huy động sự vào cuộc của phụ huynh học sinh, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm tại trường học là mục tiêu của ngành Giáo dục và Đào tạo trong năm học 2019-2020.
Bài liên quan
Sản phẩm kém chất lượng lăm le “đổ bệnh” xuống con trẻ với sự giúp sức của… người lớn
Hơn 1700 người dân trong khu vực ảnh hưởng vụ cháy Công ty Rạng Đông được khám sức khỏe miễn phí
Bộ Y tế quy định việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm
Thúc đẩy liên kết chuỗi và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp
Tận dụng hiệu quả cơ hội xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc
Hoạt động giáo dục tại trường Tiểu học Hạ Đình vẫn diễn ra bình thường
Vẫn thấp thỏm lo âu
Những năm gần đây, với sự phát triển của mô hình dạy học 2 buổi/ngày, số lượng học sinh cấp tiểu học và phổ thông trên địa bàn Hà Nội ăn bán trú tại trường ngày càng tăng. Năm học 2019-2020, toàn thành phố có hơn 700.000 học sinh tiểu học, trong đó có khoảng 90% đăng ký ăn bán trú tại trường. Tỷ lệ này ở cấp trung học cơ sở là hơn 20% trong tổng số hơn 450.000 học sinh. Ngoài ra còn có gần 550.000 trẻ mầm non được chăm sóc, nuôi dưỡng hằng ngày tại hơn 1.100 trường và nhóm lớp. Như vậy, mỗi ngày toàn thành phố có tới hơn 1 triệu học sinh ăn bán trú tại trường với số lượng 1-4 bữa, tùy theo độ tuổi.
Theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, về cơ bản các nhà trường đã thực hiện nghiêm túc những quy định về việc bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm như: Có thủ tục pháp lý rõ ràng, hợp đồng đầy đủ với đơn vị cung ứng; có cơ sở vật chất tốt, trình độ và kỹ năng thực hành vệ sinh của người trực tiếp chế biến thức ăn được kiểm soát chặt chẽ… Nơi chế biến thức ăn của các nhà trường đã được thiết kế theo nguyên tắc một chiều, có đủ dụng cụ chế biến, chia suất; có khu rửa tay và nhà vệ sinh cách biệt… Hầu hết các nhà trường đã tuân thủ nghiêm túc chế độ kiểm thực 3 bước và lưu mẫu thức ăn hằng ngày theo quy định.
Tuy nhiên, kết quả kiểm tra thực tế tại nhiều trường học vào cuối tháng 4-2019 của đoàn kiểm tra liên ngành thành phố Hà Nội cho thấy, một số nơi còn sơ suất trong việc thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm như: Để lẫn thực phẩm sống với thực phẩm chín; khay ăn, bát ăn chưa được rửa sạch; việc lưu mẫu thực phẩm chưa đúng quy định; nhân viên chế biến thực phẩm chưa thường xuyên sử dụng găng tay; thiếu thiết bị phòng, chống côn trùng… Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến, nguyên nhân cơ bản của thực trạng trên là do công tác quản lý, giám sát của các trường chưa thường xuyên và thiếu chặt chẽ.
Còn theo bà Nguyễn Thu Hồng, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Chu Văn An (quận Hoàng Mai), việc để mất an toàn thực phẩm tại trường học còn do cơ quan chức năng chưa nghiêm khắc với các trường hợp sai phạm. Để hạn chế tối đa nguy cơ học sinh bị ngộ độc khi ăn, uống tại trường, cơ quan chức năng cần có chế tài xử phạt mạnh với đơn vị cung ứng thực phẩm và với nhà trường có sai phạm, đồng thời tăng cường công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm tại các trường học.
Tăng cường giám sát các khâu của quy trình tổ chức bữa ăn bán trú để bảo đảm an toàn sức khỏe cho học sinh. Ảnh: Minh Đức |
Quyết tâm không để xảy ra ngộ độc thực phẩm
Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác an toàn, vệ sinh thực phẩm, quyết tâm không để xảy ra ngộ độc thực phẩm trong trường học là một trong những mục tiêu trọng tâm được nêu rõ tại Kế hoạch số 184/KH-UBND ngày 21-8-2019 về công tác y tế trường học năm học 2019-2020, do Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý ký ban hành. Với số lượng học sinh ăn bán trú ngày càng lớn, các đơn vị, trường học trên địa bàn thành phố đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để hạn chế tối đa các nguy cơ gây mất an toàn bữa ăn cho học sinh.
Theo đó, tại quận Tây Hồ, trong năm học 2019-2020, ngành Giáo dục và Đào tạo quận đã tập trung tăng cường giám sát nguồn gốc thực phẩm. Ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận cho biết, toàn bộ đơn vị cung ứng thực phẩm cho các trường học trên địa bàn quận đều được UBND quận thẩm định kỹ về hồ sơ pháp lý, năng lực đáp ứng và chất lượng dịch vụ. Khác so với các năm học trước, năm nay, UBND quận và các nhà trường thường xuyên kiểm tra thực tế tại đơn vị cấp 2, tức là truy tận gốc nơi cung ứng thực phẩm, từ đó kịp thời ngăn chặn nguy cơ không bảo đảm an toàn thực phẩm.
Rút kinh nghiệm từ sơ suất trong kiểm soát chất lượng bánh, khiến nhiều trẻ có biểu hiện ngộ độc như tại Trường Mầm non Xuân Nộn (huyện Đông Anh) vào cuối năm 2018, bà Dương Thị Sáu, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đông Anh cho biết: Truy tận gốc nguồn thực phẩm và tăng cường giám sát toàn diện các khâu của quy trình tổ chức bữa ăn cho học sinh tại trường là yêu cầu bắt buộc đối với các nhà trường trong năm học 2019-2020. Việc rà soát tất cả doanh nghiệp cung ứng thực phẩm cho các bếp ăn tập thể trên địa bàn đã được triển khai và sẽ thực hiện thường xuyên. Nếu phát hiện nơi nào cung ứng thực phẩm không bảo đảm, Phòng yêu cầu nhà trường cắt hợp đồng cung ứng và kiến nghị cơ quan chức năng xử phạt nghiêm khắc, dứt khoát không để tái phạm.
Với 1.100 học sinh ăn bán trú, trong đó có hơn 80 học sinh ở nội trú, ăn ba bữa/ngày tại trường, Trường Phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu (quận Hai Bà Trưng) xác định nhiệm vụ quan trọng số 1 với tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên là bảo đảm an toàn sức khỏe cho học sinh. Theo bà Trần Thị Phương Lan, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu, nhà trường luôn tuân thủ nghiêm túc quy trình kiểm thực 3 bước, từ khâu giao nhận thực phẩm, chế biến đến việc kiểm tra định lượng, chất lượng thực phẩm chín và lưu mẫu thức ăn hằng ngày. Do đặc thù của trường có chăm sóc cả học sinh khiếm thị, nên việc xây dựng thực đơn đủ dinh dưỡng, bảo đảm sức khỏe được lưu tâm hơn.
Một giải pháp khác cũng đang được nhân rộng tại nhiều trường học trên địa bàn Thủ đô là huy động sự tham gia của phụ huynh học sinh trong việc giám sát quy trình tổ chức bữa ăn bán trú. Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho rằng, cách thức này không chỉ thêm kênh giám sát, mà còn góp phần làm tăng tính minh bạch trong việc thực hiện nhiệm vụ chăm sóc học sinh của mỗi nhà trường. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội khuyến khích sự đồng hành của phụ huynh học sinh trong việc phối hợp cùng nhà trường thực hiện nhiệm vụ kiểm soát bữa ăn bán trú. Tuy nhiên, các nhà trường cần lưu ý đề phòng người giả mạo là phụ huynh học sinh để trà trộn vào trường học thực hiện hành vi không tốt.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến:
“Ngoài việc yêu cầu tăng cường giám sát, kiên quyết không để đơn vị cung cấp thực phẩm, chế biến suất ăn không bảo đảm an toàn tại các nhà trường, năm học 2019-2020, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu các trường học lưu ý hơn trong khâu vệ sinh dụng cụ nấu và khay, bát ăn... của học sinh. Những đơn vị có sai phạm, lơ là trong việc tuân thủ các quy định an toàn, vệ sinh thực phẩm, để xảy ra hiện tượng học sinh bị ngộ độc thực phẩm sẽ bị xử lý nghiêm khắc”.