Quan tâm chế độ chính sách cho nhân viên y tế cơ sở về truyền thông, giáo dục sức khỏe
Thiếu trang thiết bị và kinh phí
Trong công tác truyền thông - giáo dục sức khỏe, mặc dù có nhiều biến động về cơ cấu tổ chức và mạng lưới kể từ sau khi sáp nhập Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe (T4G) vào Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) nhưng ngành Y tế các tỉnh, thành đã cố gắng duy trì và xây dựng mạng lưới truyền thông - giáo dục sức khỏe từ tỉnh xuống tận huyện, xã, đảm bảo duy trì hoạt động này không bị gián đoạn.
Mặc dù vậy, do biến động cán bộ cả về số lượng và chất lượng, đa số là kiêm nhiệm nên năng lực thực hiện công tác này còn rất hạn chế, ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả và chất lượng công việc.
Các cán bộ, nhân viên y tế cơ sở truyên truyền phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết tới từng hộ dân |
Trong thời gian dài từ khi sáp nhập đến nay, việc chỉ đạo tuyến, định hướng công tác truyền thông - giáo dục sức khỏe hàng năm từ Trung ương và từ tỉnh còn rất chậm và hạn chế do COVID-19, sắp xếp ổn định tổ chức nhân sự dẫn đến bị động, chậm hoặc không kịp thời trong thực hiện công tác này.
Trên thực tế, đối với công tác truyền thông - giáo dục sức khỏe hiện đang thiếu cả kinh phí, phương tiện, lẫn nhân lực kiêm nhiệm.
Trong đó, chế độ chính sách cho cán bộ làm công tác truyền thông - giáo dục sức khỏe chưa khuyến khích được cán bộ tận tâm với công việc; Thiếu trang thiết bị và kinh phí. Tại một số tỉnh, thành phố, công tác này vẫn chưa được quan tâm đầu tư đúng mức...
Chia sẻ với những khó khăn của đội ngũ làm công tác truyền thông - giáo dục sức khỏe, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cho biết: "Văn phòng Bộ Y tế cần tham mưu cho lãnh đạo Bộ kiện toàn toàn diện mạng lưới truyền thông - giáo dục sức khỏe từ Trung ương đến tỉnh, huyện và tuyến xã. Ở Trung ương, cần giao nhiệm vụ cụ thể công tác chỉ đạo tuyến về nội dung này cho một đầu mối.
Văn phòng Bộ là đầu mối, phối hợp với Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe Trung ương, các vụ, cục, đơn vị liên quan định hướng chiến lược, kế hoạch thông tin, truyền thông y tế và nâng cao năng lực truyền thông y tế trong công tác quản lý Nhà nước, triển khai kỹ năng hoạt động truyền thông các lĩnh vực y tế cho đội ngũ cán bộ làm truyền thông y tế...".
Thứ trưởng cũng yêu cầu Văn phòng Bộ làm đầu mối vận hành, xây dựng quy chế hoạt động của mạng lưới truyền thông ngành Y tế từ Trung ương đến địa phương (hơn 1.500 đầu mối) nhằm định hướng, nắm bắt, cung cấp và xử lý thông tin y tế chính xác, kịp thời và hiệu quả; Tiếp tục hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện tốt Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của đơn vị trong ngành Y tế (Quyết định số 56/QĐ-BYT ngày 10/1/2023 của Bộ Y tế).
Hướng dẫn, hỗ trợ, đào tạo, tập huấn cho đội ngũ tuyến cơ sở hàng năm
Liên quan đến vấn đề chính sách của đội ngũ làm công tác truyền thông - giáo dục sức khỏe, Thứ trưởng giao Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế tổng hợp, tham mưu lãnh đạo Bộ nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh chế độ chính sách đối với cán bộ y tế trong đó có cán bộ làm công tác truyền thông - giáo dục sức khỏe để đội ngũ này yên tâm công tác...
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương |
Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương giao Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe Trung ương chỉ đạo, theo dõi, giám sát hỗ trợ và đánh giá công tác này một cách chủ động, thường xuyên.
"Các cục/vụ liên qua và hệ thống các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur cần hợp tác chặt chẽ để xây dựng và triển khai mô hình chỉ đạo tuyến trong công tác này…; Hướng dẫn, hỗ trợ, đào tạo, tập huấn nghiệp vụ truyền thông - giáo dục sức khỏe cho đội ngũ cán bộ làm công tác này ở tuyến cơ sở hàng năm", Thứ trưởng nhấn mạnh.
Đối với Sở Y tế tỉnh, CDC các tỉnh, thành phố, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị cần chú trọng và ưu tiên đầu tư phát triển khoa truyền thông - giáo dục sức khỏe của CDC; Đặc biệt về chế độ chính sách cho cán bộ, kinh phí và trang thiết bị cũng như phối kết hợp với các đơn vị trong và ngoài ngành để đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ của địa phương.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng yêu cầu các địa phương chú trọng nâng cao năng lực, bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ làm công tác này ở tuyến xã, huyện… Hàng năm, các đơn vị quan tâm đề xuất, có kế hoạch chủ động xây dựng kế hoạch, đề xuất ngân sách cho công tác truyền thông - giáo dục sức khỏe về phòng, chống dịch bệnh, truyền thông về các lĩnh vực y tế tại địa phương.