Quảng Nam: Bản án sơ thẩm về tranh chấp đất đai tạo dư luận trái chiều?
Bà Thiện và mẹ của bà trao đổi với PV |
Gia đình bà Lê Thị Thiện (trú tại: tổ 7, thôn Mộc Bài, xã Quế Phú, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) đang sinh sống yên ổn nhiều năm nay trên thửa đất được Nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thì bỗng một ngày có người cùng thôn sang yêu cầu bà Thiện trả lại đất cho mình, sau khi bà Thiện không đồng ý, người này đã khởi kiện bà ra tòa.
Theo nội dung đơn kêu cứu gửi cơ quan báo chí, bà Thiện cho biết hoàn cảnh của mình hết sức khó khăn, bà không có chồng, làm mẹ đơn thân và nuôi mẹ già, nên năm 1997 bà được UBND xã Quế Phú cấp cho mảnh đất để làm nhà tạm, bà đã đăng ký hồ sơ địa chính theo Nghị định 64/CP của Chính Phủ.
Đến cuối năm 1998, UBND huyện Quế Sơn đã cấp GCNQSD đất thửa 685, tờ bản đồ 24, diện tích 1.042 m2, loại đất thổ cư cho gia đình bà Thiện. Năm 2000, bà Thiện xây dựng nhà kiên cố sinh sống và sử dụng ổn định cho đến nay; nộp thuế sử dụng đất hàng năm cho Nhà nước. Về nguồn gốc đất, UBND xã Quế Phú cũng đã xác nhận là đất của bà Thiện, được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất.
Bà Thiện trao đổi với PV
Ngày 27/9/2021, tại phiên sơ thẩm, Hội đồng xét xử TAND tỉnh Quảng Nam đã tuyên ông Lê Quang Minh thắng kiện, tuyên huỷ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà UBND huyện Quế Sơn cấp cho hộ bà Thiện. Đồng thời, bản án cũng buộc bà Thiện chấm dứt hành vi cản trở ông Minh sử dụng đất và ông Minh được chia 457m2 trên tổng diện tích 1.042m2 của bà Lê Thị Thiện.
Tại phiên sơ thẩm, Hội đồng xét xử TAND tỉnh Quảng Nam đã căn cứ vào Điều 21 Luật Đất đai 1993 sửa đổi bổ sung năm 1998 quy định: “Việc quyết định giao đất đang có người sử dụng cho người khác chỉ được tiến hành sau khi có quyết định thu hồi đất đó". Hội đồng xét xử cho rằng, cơ quan có thẩm quyền chưa ra quyết định thu hồi đất của ông Minh theo quy định của pháp luật, nên việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Thiện là không hợp pháp.
Tuy nhiên, Luật sư Trương Công Nguyễn Anh Phiệt (Đoàn Luật sư Đà Nẵng) nêu quan điểm: Điều 21, Luật đất đai 1993 chỉ dành cho các trường hợp đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu cũng như việc cấp giấy chứng nhận cho những lần sau đó. Còn đối với trường hợp này, ông Minh chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu mà Toà án cấp sơ thẩm cho rằng phải thu hồi rồi mới cấp cho bà Thiện là không có căn cứ pháp luật; chính vì vậy việc áp dụng điều 21 Luật đất đai năm 1993 là không thỏa đáng.
Hơn nữa, khi khởi kiện, ông Minh phải có nghĩa vụ chứng minh theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, ông Minh chỉ ra đưa ra được một tài liệu là bản photo trắng đen cho rằng ông ấy có tham gia sử dụng đất nhưng không chứng minh được nguồn gốc đất cũng như quá trình sử dụng mà theo quy định pháp luật là Uỷ ban nhân dân cấp xã xác nhận. Trong khi đó bà Thiện lại được các cơ quan quản lý nhà nước công nhận nguồn gốc đất bằng các văn bản có giá trị pháp luật mà theo quy định pháp luật tố tụng thì không cần phải có nghĩa vụ chứng minh.
Tờ giấy ông Minh cung cấp cho Tòa để xác nhận nguồn gốc đất là của mình |
Tại phiên tòa, chứng cứ của nguyên đơn là ông Lê Quang Minh cung cấp để chứng minh việc khởi kiện là có cơ sở là một tờ giấy photocopy trắng đen. Tờ giấy này thể hiện ông Minh có tên trong Hợp tác xã hồi đó. Ông Minh cho rằng, đây chính là giấy tờ chứng minh nguồn gốc đất trước đây là của ông.
Luật sư Đỗ Duy Khang - Văn phòng Luật sư Xuân Phú, thuộc Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh cho biết: Việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất có giấy tờ về đất được xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100, Luật Đất đai 2013.
Do đó, việc xác định bà Thiện hay ông Minh là người có quyền được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đất đang tranh chấp, thì cần phải căn cứ vào việc thực tế ông Minh hay bà Thiện là người đang sử dụng đất và có một trong các loại giấy tờ đáp ứng đủ điều kiện quy định theo Luật Đất đai nêu trên không.
Đồng thời, theo quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 70 Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/05/2014, thì Cơ quan Nhà nước có trách nhiệm xác nhận nguồn gốc sử dụng đất là UBND cấp xã. Việc UBND xã Quế Phú khẳng định đất trên là đất do UBND xã quản lý, được Nhà nước cấp quyền sử dụng đất từ năm 1998 cho bà Thiện là đúng quy định pháp luật. Do đó, khi xác định ai là người có quyền sử dụng đất đối với thửa đất nêu trên cần phải căn cứ vào lời khai này của UBND xã Quế Phú.
“Để đảm bảo cho vụ án được giải quyết một cách chính xác, theo đúng quy định pháp luật, thì cần phải xác định rõ ai là người đang sử dụng đất và người đó có một trong các loại giấy tờ hợp pháp được nhà nước công nhận hay không”, Luật sư Đỗ Duy Khang nêu quan điểm.
Thừa đất đang tranh chấp của hộ mà Thiện |
Cùng quan điểm trên, Luật sư Trương Công Nguyễn Anh Phiệt (Đoàn Luật sư Đà Nẵng) cho rằng, việc ông Minh có tên trong danh sách do hợp tác xã lập trước đây không phải là một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013. Giấy này chỉ chứng minh việc ông Minh từng sản xuất trên thửa đất nhưng điều này không có nghĩa khẳng định nguồn gốc đất là của ông Minh.
Cũng theo Luật sư Phiệt, cần phải làm rõ diện tích đất này hiện ai là người đang sử dụng, quản lý hợp pháp; có giấy tờ gì hợp pháp được nhà nước công nhận để chứng minh đây là đất có nguồn gốc của mình hay không?. Nếu không làm sáng tỏ các vấn đề này thì rất có thể trái với quy định của Luật Đất đai 2013 về công nhận quyền sử dụng đất, cũng như điều kiện để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Được biết, ngay sau khi có bản án sơ thẩm, bà Lê Thị Thiện đã có đơn Kháng cáo bản án số 52/2021/DS-ST của TAND tỉnh Quảng Nam. TAND cấp cao tại Đà Nẵng đã thụ lý theo trình tự phúc thẩm.