Quảng Nam: Di dời dân khẩn cấp ra khỏi vùng sạt lở núi sau lũ
Sạt lở núi tại xã Đại Lãnh đe dọa hàng trăm người dân sinh sống bên dưới (Ảnh: V.Q) |
Sáng ngày 16/10, bà Trương Thị Minh Phương, Chủ tịch xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) cho biết đơn vị đã tiến hành cho di dời khẩn cấp đối với 5 hộ dân bị ảnh hưởng bởi tình trạng sạt lở núi sau đợt mưa lũ vừa qua tại địa bàn thôn Tân Hà.
Đối với tình trạng sạt lở núi Gò Cấm (thôn Tịnh Đông Tây, xã Đại Lãnh) đang đe dọa hơn 33 hộ dân, với hơn 100 nhân khẩu sinh sống bên dưới hiện nay, bà Phương khẳng định đơn vị chưa thể cho lực lượng đưa xe múc, phương tiện các loại đến hiện trường để xử lý khối lượng đất đá bị sạt lở, tràn vào nhà dân do mưa lớn đang diễn ra.
Theo bà Phương, 5 hộ dân tại thôn Tân Hà là các trường hợp bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi đất đá từ trên núi tràn bất ngờ vào nhà, gây hư hại toàn bộ công trình, vật kiến trúc khiến người dân bàng hoàng. Do nhà cửa bị hư hại nặng nên chính quyền xã đã yêu cầu các hộ dân này di dời khẩn cấp đến nơi an toàn, tránh gây thiệt hại về người.
Bà Phương khẳng định chính quyền xã đã nhanh chóng vào cuộc kiểm tra thông tin ngay sau khi nhận được phản ánh của người dân về tình trạng sạt lở núi tại địa bàn.
"Đây là lần đầu tiên, núi sạt lở đe dọa nhà dân, ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống của bà con sau khi tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp. Để xử lý xong khối lượng đất đá tràn xuống núi, giúp các hộ dân ổn định cuộc sống, chính quyền xã phải đợt sau khi mưa lớn kết thúc mới triển khai. Nếu lực lượng vào cuộc xử lý, tình trạng sạt lở có thể tiếp diễn do mưa lớn", bà Phương thông tin.
Hàng ngàn m3 đất đá tràn vào nhà dân tại xã Đại Lãnh sau đợt mưa lũ (Ảnh: V.Q) |
Trước đó, vào ngày 10/10, hơn 38 hộ dân sinh sống ven triền núi Gò Cấm, thuộc thôn Tịnh Đông Tây và thôn Tân Hà, xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) vẫn chưa hết bàng hoàng khi phản ánh về tình trạng sạt lở núi khiến hàng ngàn m3 đất đá tràn vào nhà sau đợt mưa lũ vừa qua.
Theo thống kê, khu vực Gò Cấm có hơn 33 hộ dân, với hơn 100 nhân khẩu đang sinh sống và sản xuất tại dọc bãi bồi của sông Côn. Nhiều năm trước, tình trạng sạt lở núi chỉ diễn ra tại khu vực Gò Hiu, nhưng hiện nay lại bất ngờ xảy ra tại Gò Cấm khiến người dân bàng hoàng, không thể ổn định sinh hoạt. Việc sạt núi đã khiến hàng ngàn m3 đất đá vùi lấp nhiều tài sản, diện tích đất bên dưới của người dân gây cản trở sinh hoạt, sản xuất sau đợt mưa lũ kéo dài.