Quảng Nam: Sợ nhà trôi ra biển, người dân tự bỏ hơn 300 triệu đồng làm kè
Người dân bỏ tiền túi để làm kè rọ đá, ngăn nhà cửa và đất đai bị trôi ra biển (Ảnh: V.Q) |
Ngày 19/8, lãnh đạo phường Cẩm An, TP Hội An (tỉnh Quảng Nam), cho biết đã vận động hộ ông Nguyễn Văn Phụng (ngụ tổ 4, khối Thịnh Mỹ) dừng việc làm kè rọ đá tại bờ biển Cẩm An do khu vực này đang có dự án kè bảo vệ bờ biển của UBND tỉnh.
Theo UBND phường Cẩm An, nhóm khoảng 5 hộ dân tại khu vực tổ 4, khối Thịnh Mỹ là các trường hợp thuộc diện bị sạt lở nhà và đất đai vào tháng 2/2023. Các trường hợp này đã được thông báo di dời đi nơi khác để đảm bảo tính mạng người dân. Tuy nhiên, đến nay các trường hợp này vẫn tiếp tục sinh sống tại khu vực có nguy cơ tiếp tục sạt lở.
"Trước đây, các trường hợp này đã có quyết định di dời và nhận đất tái định cư tại nơi ở mới. Sau đó, đơn vị liên quan có quyết định điều chỉnh và cho phép các trường hợp này được tạm ở lại chỗ cũ để sản xuất hoa màu, trồng rừng. Đến nay, các trường hợp này vẫn tiếp tục định cư tại khu vực nằm sát bờ biển Cẩm An", UBND phường Cẩm An thông tin.
Kè rọ đá dài hơn 30m do người dân tự làm để ngăn biển xâm thực (Ảnh: V.Q) |
Ghi nhận tại bờ biển Cẩm An, đoạn qua địa bàn tổ 4, khối Thịnh Mỹ, cho thấy các hộ dân có nhà cửa từng bị sạt lở và trôi ra biển một phần đã làm đoạn kè nhằm ngăn sạt lở tái diễn.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Phụng cho biết kể từ sau đợt sạt lở nặng nề xảy ra vào hồi tháng 2/2023, phía gia đình quyết định tự bỏ tiền hơn 300 triệu đồng để làm kè rọ đá với chiều dài hơn 30m để ngăn biển xâm thực.
"Khu vực này có 5 ngôi nhà đang có nguy cơ tiếp tục bị trôi ra biển nếu chúng tôi không làm kè bảo vệ. Chúng tôi nghe nói bờ biển này có dự án làm kè để ngăn sạt lở, nhưng đến nay vẫn chưa thấy triển khai. Còn khu vực ngoài biển, trước đây người dân có thấy đơn vị thi công kè ngầm. Tuy nhiên, sau quá trình thi công đến gần khu vực này, diện tích đất nằm sát bờ biển của người dân lại bị xâm thực nghiêm trọng", ông Phụng nói.
Nhà dân bị sóng đánh trôi một phần ra biển vào tháng 2/2023 (Ảnh: V.Q) |
Cũng theo ông Phụng, chúng tôi mong muốn cấp trên vào cuộc hỗ trợ bà con vượt qua cảnh khốn khổ do bờ biển liên tiếp bị sạt lở, đe doạ cuộc sống và công việc làm ăn của hơn 12 nhân khẩu tại đây.
"Người dân rất muốn được tái định cư đến nơi ở mới để con em, người thân được an cư, học tập tại môi trường ổn định, không bị thiên tai đe doạ như hiện nay. Khu vực này hiện chỉ có vài người trụ lại để kinh doanh, còn các nhân khẩu khác đã đi thuê nhà để tạm trú hơn nửa năm nay", hộ ông Phụng cho biết.
Trong một diễn biến khác, những người dân tại khối Thịnh Mỹ, phường Cẩm An cũng đã làm đơn kiến nghị gửi UBND tỉnh, về việc đánh giá tác động môi trường khi đơn vị liên quan thực hiện dự án Kè chống xói lở khẩn cấp bờ biển Cửa Đại, đoạn từ UBND phường Cẩm An đến khu vực An Bàng.
Qua tìm hiểu của phóng viên, ngoài hộ ông Phụng có kinh phí tự làm kè, thì các hộ dân lân cận có diện tích bị sạt lở chỉ đang đổ đất và cát tạm tại bờ biển, chờ dự án thi công kè đi qua để mong sạt lở không còn tái diễn.
Nhiều đoạn, người dân đổ đất và cát tại các điểm bị sạt lở do thiếu kinh phí (Ảnh: V.Q) |
Trước đó (ngày 7/8/2023), UBND tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt điều chỉnh, bổ sung kế hoạch lựa chọn nhà thầu dự án Kè chống xói lở khẩn cấp bờ biển Cửa Đại đoạn từ UBND phường Cẩm An đến khu vực An Bàng. Tổng giá trị các gói thầu sau phê duyệt điều chỉnh là gần 193 tỷ đồng.
UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam (chủ đầu tư), chịu trách nhiệm tổ chức lựa chọn nhà thầu theo kế hoạch lựa chọn nhà thầu được duyệt, đảm bảo tuân thủ các quy định hiện hành.
Ngoài dự án nói trên, gần khu vực này còn có dự án đầu tư xây dựng công trình chống xói lở và bảo vệ bền vững bờ biển Hội An (dài khoảng 3,39km, phạm vi xây dựng từ cầu tàu đi Cù Lao Chàm dọc về hướng Bắc đến khách sạn Victoria). Dự án có tổng mức đầu tư xây dựng là 42 triệu Euro, tương đương 982,2 tỷ đồng (nguồn vốn vay ODA, viện trợ không hoàn lại và nguồn ngân sách tỉnh.) Trong đó, chi phí xây dựng khoảng 867 tỷ đồng. Dự án sẽ xây dựng tuyến đê ngầm giảm sóng với tổng chiều dài khoảng 2.090m; Làm mỏ hàn dài khoảng 1.490m; Đổ cát tạo bãi; Làm bãi biển; Đổ cát nuôi bãi ở cuối dự án phía Bắc đang triển khai theo khuyến cáo của AFD. |