Quảng Nam: Vận hành an toàn hồ chứa trước siêu bão Noru
Quảng Nam: Chủ nhà hàng nơm nớp lo sạt lở bờ biển Cửa Đại khi bão đổ bộ Quảng Nam cho học sinh nghỉ học để phòng tránh bão Noru vào ngày 27/9 |
Tỉnh Quảng Nam yêu cầu vận hành hồ chứa bảo đảm an toàn |
Hồ thủy điện không vượt cao trình mực nước đón lũ thấp nhất
Theo đó, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Quảng Nam yêu cầu Công ty Thủy điện Sông Bung, Công ty Cổ phần Thủy điện A Vương, Công ty Cổ phần Thủy điện Đak Mi, Công ty Thủy điện Sông Tranh chủ động tính toán, tổ chức vận hành đảm bảo mực nước hồ thủy điện Sông Bung 2, Sông Bung 4, A Vương, Đak Mi 4, Sông Tranh 2 không vượt cao trình mực nước đón lũ thấp nhất.
Đồng thời, chuyển chế độ vận hành theo quy định tại Quy trình 1865 (Quyết định số 1865/QĐ-TTg ngày 23/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn).
Các chủ hồ thủy điện xây dựng kịch bản vận hành, điều tiết hồ gửi về Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Quảng Nam trước 6h ngày 27/9/2022.
Hiện tại mực nước hồ Phú Ninh đang ở cao trình 22,14m/32m (mực nước dâng bình thường). Trên địa bàn toàn tỉnh có 73 hồ chứa thủy lợi, đã tích nước đạt 40 - 50 % dung tích hữu ích thiết kế, dung tích tại các hồ chứa thủy điện còn thấp, tích đạt từ 20-30%. Sở Công Thương Quảng Nam đã tổ chức kiểm tra an toàn hồ chứa trước mùa mưa bão.
Ngoài ra, Đài Khí tượng thủy văn Quảng Nam vừa phát đi bản tin cảnh báo lũ, lũ quét sạt lở đất và ngập úng trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, mực nước các sông Vu Gia, Thu Bồn và Tam Kỳ biến đổi chậm.
Quảng Nam kiên quyết không để người ở lại trêu tàu thuyền, lồng bè và hoàn thành trước 12h ngày 27/9 (Nguồn: Thông tin PCTT) |
Theo Đài Khí tượng thủy văn Quảng Nam, từ đêm 27/9 đến ngày 29/9 các sông trên địa bàn tỉnh có khả năng xuất hiện một đợt lũ với đỉnh lũ các sông cụ thể như sau: Trên sông Vu Gia ở mức BĐ1-BĐ2; trên sông Thu Bồn ở mức BĐ1- BĐ2, hạ lưu ở mức BĐ2; trên sông Tam Kỳ ở mức BĐ1.
Nguy cơ cao xảy ra lũ quét ở các sông suối nhỏ, sạt lở đất ở sườn dốc, ven sông, suối vùng núi các huyện: Nam Trà My, Bắc Trà My, Nam Giang, Phước Sơn, Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Tiên Phước, Hiệp Đức, Nông Sơn và một số xã vùng núi huyện Đại Lộc, Núi Thành, Phú Ninh.
Nguy cơ cao xảy ra ngập úng những vùng trũng thấp, ven sông suối; ngập úng cục bộ tại thành phố Tam Kỳ, Hội An, thị xã Điện Bàn, thị trấn Nam Phước, thị trấn Hà Lam và thị trấn Núi Thành.
Cắt tỉa cây phòng chống bão |
Triển khai kế hoạch dự trữ gạo tại 6 huyện miền núi
Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 4, tỉnh Quảng Nam đã khẩn trương triển khai nhiều biện pháp phòng, tránh bão, trong đó chỉ đạo 6 địa phương miền núi tổ chức dự trữ gạo, lương thực để ứng phó trong tình huống bị cô lập.
Theo báo cáo nhanh từ 6 huyện miền núi cao gồm: Phước Sơn, Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang, Nam Trà My và Bắc Trà My. Đến nay công tác dự trữ gạo, lương thực thực phẩm tại các địa phương này đang được khẩn trương triển khai, cơ bản đáp ứng khi có tình huống bị cô lập xảy ra.
Cụ thể, huyện Phước Sơn cấp 450 triệu đồng cho 4 xã vùng cao mua dự trữ, hiện đang chuyển về các thôn; huyện Nam Giang đã giao các xã chủ động thực hiện mua dự trữ tại xã; huyện Đông Giang đã giao kinh phí 150 triệu đồng để phòng Kinh tế, phòng Nông nghiệp mua dự trữ các mặt hàng thiết yếu. Đồng thời, đề nghị các hộ kinh doanh (tiểu thương) dự trữ.
Cùng với đó, huyện Nam Trà My đã dự trữ 10 tấn; ngoài ra đã cấp cách đây 1 tuần cho các xã tổng 40 tấn gạo; 22 đơn vị trường học đang có mỗi trường từ 3-4 tấn gạo; huyện Bắc Trà My do không có kho dự trữ ở các xã nên đã đề nghị các cơ sở kinh doanh (tiểu thương) dự trữ; huyện Tây Giang đã dự trữ 40 tấn, trong dân 180 tấn, tổng dự trữ là 220 tấn.
Lực lượng xung kích huyện Nam Trà My ra quân phòng chống bão số 4 (Nguồn quangnam.gov) |
Kiên quyết sơ tán người dân ở những nơi nguy hiểm
Cũng trong chiều ngày 26/9, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng ký ban hành Công văn 1262 yêu cầu tập trung lãnh đạo triển khai công tác ứng phó với bão số 4.
Để triển khai kịp thời, hiệu quả công tác ứng phó với bão số 4, hạn chế thiệt hại do bão và mưa lũ gây ra, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu Ban cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo UBND, Ban Chỉ huy PCTT, Tìm kiếm cứu nạn các cấp và các sở, ban ngành liên quan tập trung triển khai nghiêm túc các nội dung Công điện số 855 (ngày 25/9/2022) của Thủ tướng Chính phủ với tinh thần khẩn trương, quyết liệt nhất theo phương châm “4 tại chỗ”.
Theo dõi, dự báo, cảnh báo chặt chẽ, chính xác tình hình, diễn biến của bão, mưa lũ để kịp thời chỉ đạo, điều hành. Có phương án tăng cường lực lượng đến địa bàn xung yếu, đảm bảo an toàn tính mạng của nhân dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản và khắc phục nhanh nhất hậu quả do mưa bão gây ra.
Các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương tạm hoãn các cuộc họp không cần thiết để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai ứng phó với bão. Phân công lãnh đạo trực tiếp xuống các địa bàn trọng điểm chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra công tác ứng phó tại cơ sở.
Kiên quyết sơ tán người dân những nơi nguy hiểm, có nguy cơ ảnh hưởng của sóng lớn, ngập sâu, sạt lở, lũ quét…Đảm bảo lương thực, các nhu cầu thiết yếu tại nơi sơ tán tập trung. Tổ chức chằng chống bảo đảm an toàn nhà cửa, trụ sở, kho tàng, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, kiểm soát, bảo đảm an toàn giao thông trước và trong khi bão đổ bộ vào đất liền.