Quảng Nam: Xe điện hoạt động tại TP Hội An vẫn chưa thể đổi sang biển kinh doanh?
Xe điện của Công ty TNHH MTV Xe điện Hội An hoạt động vận chuyển hành khách tại phố cổ Hội An (Ảnh: V.Q) |
Ngày 29/6, liên quan đến việc cấp đổi biển kiểm soát xe màu trắng sang biển kiểm soát xe màu vàng theo quy định đối với các xe điện đang hoạt động tại phố cổ Hội An, Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Nam cho biết, loại hình xe điện này vẫn đang trong thời gian hoạt động thí điểm và chờ quy định mới.
Theo tìm hiểu của phóng viên Tuổi trẻ Thủ đô, tại địa bàn TP Hội An, loại hình xe điện vận chuyển hành khách tham quan phố cổ hiện đang có 2 đơn vị tham gia theo hình thức thí điểm là Công ty TNHH MTV Xe điện Hội An và Công ty Cosevco Hội An.
Công ty Cosevco Hội An đang hoạt động kinh doanh khoảng 50 xe điện tại phố cổ Hội An (Ảnh: V.Q) |
Đối với Công ty TNHH MTV Xe điện Hội An, đơn vị này được Bộ Giao thông vận tải cấp phép hoạt động vận tải hành khách tại phố cổ Hội An từ năm 2017 theo hình thức thí điểm.
Tuy nhiên, sau hơn 6 năm đi vào hoạt động, đến nay hơn 30 xe điện của Công ty TNHH MTV Xe điện Hội An vẫn chưa được cấp đổi biển kiểm soát từ màu trắng sang màu vàng theo quy định hiện hành.
Khảo sát của phóng viên cho thấy, trên nhiều tuyến phố của phố cổ Hội An, các xe điện từ 8 - 14 chỗ ngồi do 2 đơn vị nói trên quản lý, vận hành vẫn đang sử dụng biển kiểm soát xe màu trắng để vận chuyển khách tham quan phố cổ Hội An tại các điểm trung chuyển.
Trong khi đó, Thông tư 58/2020/TT-BCA đã có quy định về quy định cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành. Đây cũng chính là cơ sở pháp lý quy định về việc đổi biển kiểm soát xe sang màu vàng trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách.
Xe điện của Công ty TNHH MTV Xe điện Hội An hoạt động đón trả khách tại bãi đỗ xe 332 Lý Thường Kiệt, phường Tân An (Ảnh: V.Q) |
Lý giải về nguyên nhân chưa thể đổi biển kiểm soát sang màu vàng trong hoạt động xe điện tại phố cổ Hội An theo quy định hiện hành, ông Nguyễn Thành Nhân, Giám đốc Công ty TNHH MTV Xe điện Hội An cho biết, các phương tiện là xe điện của đơn vị đang trong thời gian hoạt động thí điểm theo quyết định của Bộ Giao thông vận tải. Do vậy, đơn vị chưa có hướng dẫn mới về việc thay đổi biển kiểm soát sang xe kinh doanh.
Cũng theo ông Nhân, Công ty TNHH MTV Xe điện Hội An sẽ liên hệ với các cơ quan có thẩm quyền để chuyển đổi sang biển vàng (xe kinh doanh) mà đơn vị đang quản lý, vận hành trong thời gian sớm nhất có thể.
Về hoạt nộp thuế và các nghĩa vụ liên quan khi chuyển đổi biển kiểm soát xe từ màu trắng sang màu vàng, ông Nhân khẳng định phía đơn vị đã tuân thủ nghĩa vụ thuế theo quy định. Hiện nay, đơn vị nộp thuế đối với 30 xe điện đang hoạt động như: Đăng kiểm đường bộ, phí đường bộ và bảo hiểm xe điện theo quy định.
Các xe điện đậu, đỗ tại khu vực Bảo tàng Hội An (Ảnh: V.Q) |
Ông Nhân cho biết thêm, hiện Công ty TNHH MTV Xe điện Hội An đang quản lý, vận hành khoảng 30 xe điện loại dưới 14 chỗ ngồi. Đây là các xe điện được cấp phép hoạt động thí điểm tại phố cổ Hội An do đơn vị tự bỏ kinh phí đầu tư.
Tại địa bàn TP Hội An, Công ty Cosevco Hội An cũng đang quản lý, vận hành kinh doanh khoảng 50 xe điện tại phố cổ theo hình thức thí điểm.
Trao đổi với phóng viên, đại diện Phòng Quản lý đô thị TP Hội An, cho biết hiện nay các xe điện tại địa bàn đang hoạt động thí điểm và chưa được chuyển sang biển kiểm soát màu vàng.
Theo vị này, do xe điện vẫn đang chạy thí điểm, nên cấp có thẩm quyền chưa có cơ sở làm thủ tục cấp biển kiểm soát kinh doanh theo quy định. Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Nam vẫn đang là đơn vị quản lý về hoạt động xe điện tại Hội An. Do đó, mọi thủ tục về cấp biển kiểm soát xe điện trước hết phải được Sở thống nhất và đồng ý.
Xe điện phố cổ Hội An vẫn chưa thể đổi sang biển màu vàng (Ảnh: V.Q) |
Theo các tài xế đang hoạt động vận tải xe điện tại TP Hội An, hạn chế của loại hình xe điện chính là phạm vi hoạt động chỉ trong một khu vực nhất định và chỉ phục vụ vận tải hành khách nhằm mục đích du lịch.
Ngoài ra, mức nhiên liệu pin trên xe điện rất hạn chế nên chỉ hoạt động được trong khoảng 100 km/lần sạc pin. Thời gian sạc pin kéo dài hơn 6 giờ đồng hồ đã làm hạn chế thời gian vận hành xe, trong khi chi phí đầu tư pin rất lớn.
Trước đó, vào tháng 5/2016, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc thí điểm hoạt động xe 4 bánh chạy bằng nặng lượng điện phục vụ khách tham quan du lịch trong phạm vi hẹp tại các tỉnh, trong đó có TP Hội An.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao UBND Quảng Nam chịu trách nhiệm quy định và tổ chức thực hiện thí điểm trên địa bàn về thời gian hoạt động trong ngày, lộ trình tuyến đường được phép hoạt động, bảo đảm an toàn giao thông và không gây ùn tắc giao thông.
Trong đó lưu ý, loại xe điện trên phải tuân thủ các quy định pháp luật về giao thông đường bộ khi tham gia giao thông. Sau 6 tháng thực hiện, tổ chức sơ kết đánh giá kết quả thực hiện để rút kinh nghiệm cho việc thực hiện tiếp theo.
Hiện nay, phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam đang định hướng phát triển thành phố năng động, sáng tạo, thành phố môi trường và hạn chế khí thải carbon, nên các dịch vụ chuyển đổi năng lượng sạch, đặc biệt là phương tiện giao thông như xe điện, taxi điện,... đang được phát triển trong hoạt động du lịch. |