Quảng Ninh: Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong tình hình mới
Quang cảnh Hội nghị gặp mặt, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tại Quảng Ninh. |
Trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh Covid-19, đại diện nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh ghi nhận, đánh giá cao công tác phòng chống dịch của các cấp chính quyền. Bên cạnh các biện pháp giữ vững địa bàn an toàn, Quảng Ninh đã có nhiều giải pháp hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp duy trì ổn định sản xuất kinh doanh phù hợp tình hình mới, tạo việc làm cho người lao động.
Tại hội nghị, các doanh nghiệp đã thẳng thắn chia sẻ với lãnh đạo tỉnh những khó khăn đang gặp phải về vốn đầu tư, về chính sách hỗ trợ thuế, hỗ trợ giải phóng mặt bằng các dự án, bảo đảm việc làm và thu nhập cho người lao động, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch, nhu cầu trong các ngành đều giảm, việc suy giảm tiêu dùng của người dân và xã hội, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Việc thực hiện giãn cách xã hội để ngăn chặn dịch bệnh làm hạn chế tối đa việc đi lại giao thương giữa các nước, các tỉnh, thành phố, địa phương, cước vận tải đường biển và đường bộ đều tăng, cho nên giá bán sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp giảm mạnh, dẫn đến sụt giảm về doanh thu. Dòng tiền vào bị thiếu hụt nghiêm trọng dẫn đến khó có thể trang trải các khoản chi phí để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, như các khoản chi phí cho người lao động.
Từ đầu năm đến nay, tỉnh có hơn 1.800 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, thu hút nguồn vốn hơn 282 nghìn tỷ đồng; đóng góp của các doanh nghiệp vào ngân sách xấp xỉ 14 nghìn tỷ đồng, góp phần giúp Quảng Ninh đạt mức tăng trưởng 8,02%.
Ông Nguyễn Tường Văn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khẳng định: "Chúng tôi rất mong muốn cộng đồng các doanh nghiệp nghiên cứu, xúc tiến những ngành nghề kinh doanh mới. Quảng Ninh là một trong những địa phương có thế mạnh về nông, thủy sản thì việc tận dụng phát triển thương mại điện tử trong lĩnh vực này cũng là một trong những hướng đi mới, để tiếp tục phát triển sản xuất trong bối cảnh mới, tình hình mới khi dịch bệnh còn tiếp tục kéo dài. Quảng Ninh cam kết hỗ trợ doanh nghiệp nhanh nhất, quyết liệt, hiệu quả nhất, đồng thời thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 linh hoạt, hiệu quả".
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Tường Văn khẳng định có các biện pháp linh hoạt và hiệu quả để đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời gian tới. |
Từ các điểm cầu trực tuyến trên toàn tỉnh, các doanh nghiệp gửi nhiều kiến nghị và mong muốn tiếp tục được hỗ trợ về vốn vay, thuế, phí; mở rộng đối tượng nhận trợ cấp do dịch bệnh; tăng cường hoạt động tư vấn pháp lý về đất đai; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận thông tin...
Đặc biệt, đối với tỉnh Quảng Ninh, nơi có nguồn thu, tăng trưởng từ khu vực dịch vụ, du lịch chiếm tỷ trọng lớn đã chịu tác động rất nặng nề (chiếm 45,9% trong cơ cấu kinh tế năm 2019). Nhiều đơn vị kinh doanh du lịch (lưu trú, nhà hàng, vận tải..) vay vốn ngân hàng để đầu tư và tái cơ cấu kinh doanh, đặc biệt là những doanh nghiệp kinh doanh tàu du lịch do phải tạm dừng hoạt động dẫn đến có nguy cơ đối diện với khả năng không còn vốn để phục hồi sản xuất, không có khả năng trả nợ vay cả vốn và lãi vay; đóng thuế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn, chi phí tiền lương và các chi phí phát sinh khác.
Ông Phạm Văn Thể, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh phản ánh, các doanh nghiệp trong tỉnh đang gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp đã tính đến chuyện bán tàu, bán ô-tô, nhà xưởng vì đứng trước nguy cơ phá sản. Do vậy, cần có các chính sách hỗ trợ nhiều hơn của chính quyền địa phương giúp doanh nghiệp vượt khó trong mùa dịch.
Bà Nguyễn Thị Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh chia sẻ, các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch hiện gặp rất nhiều khó khăn do dịch Covid-19, tất cả các tàu du lịch phải dừng hoạt động do không có khách. Vì vậy, Hiệp hội Du lịch đề nghị tỉnh và các ngành chức năng nghiên cứu có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về vốn vay, về thuế để duy trì hoạt động và bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động.
Đại diện các sở ban ngành của Quảng Ninh đã trao đổi, giải đáp nhiều kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, trong đó chú trọng các giải pháp có thể thực hiện ngay như mở rộng cơ chế hỗ trợ cho người lao động, khoanh giãn nợ cho các doanh nghiệp; tạo luồng xanh trong lưu thông hàng hóa, giải phóng mặt bằng; ưu tiên tiêm chủng diện rộng cho công nhân, người lao động để sớm đạt miễn dịch cộng đồng, tạo điều kiện thực hiện mục tiêu kép...
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký trao đổi, giải đáp các yêu cầu của doanh nghiệp. |
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký khẳng định sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị với những giải pháp quyết liệt, chủ động, tỉnh vẫn giữ được địa bàn an toàn. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục triển khai các cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp phòng chống dịch, vượt quá khó khăn, sẵn sàng phục hồi sản xuất, kinh doanh khi có điều kiện, cơ hội.
Các sở, ngành, địa phương chủ động tháo gỡ dứt điểm các khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp sản xuất- kinh doanh nhất là ngành than, công nghiệp chế biến, chế tạo, dệt may, xây dựng. Tận dụng từng cơ hội kiểm soát được dịch bệnh đưa ngành du lịch, dịch vụ hoạt động trở lại, nâng cao trách nhiệm phối hợp của các sở, ngành, địa phương trong giải quyết thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn vướng mắc nảy sinh trong quá trình triển khai dự án của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhất là các dự án của các thành phần kinh tế còn đang tồn đọng...