Quảng Ninh: Triển khai giám sát Quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo
Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH, tính đến tháng 9/2020, trên địa bàn tỉnh còn 42 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và cơ sở có tham gia hoạt động GDNN (7 trường cao đẳng; 1 trường trung cấp; 13 trung tâm GDNN - GDTX; 2 trường đại học và 19 đơn vị gồm các đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp có tham gia hoạt động GDNN). Bình quân hằng năm, các cơ sở đào tạo nghề nghiệp tuyển sinh, đào tạo nghề mới gần 34.000 người. Trong giai đoạn 2015 - 2019, các cơ sở đào tạo nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tuyển sinh đào tạo nghề nghiệp mới cho 169.998 người đạt 99,99%.
Công tác giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên sau đào tạo được các cơ sở dạy nghề quan tâm thực hiện trong những năm qua. Số học sinh được giải quyết việc làm sau khi tốt nghiệp trong giai đoạn 2015-2019 là 116.117 người đạt 79,70% tổng số học sinh tốt nghiệp.
Đồng chí Nguyễn Văn Hồi, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại buổi giám sát |
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Hồi, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân (HĐND) tỉnh ghi nhận những cố gắng của Sở LĐ-TB&XH trong công tác tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của HĐND tỉnh về Quy hoạch phát triển mạng lưới GD-ĐT của tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Với chức năng cơ quan quản lý nhà nước Sở đã phối hợp với các địa phương, sở, ngành ban hành các văn bản hướng dẫn giúp cho cơ sở triển khai thực hiện nghị quyết hiệu quả.
Tại buổi làm việc Sở LĐ-TB&XH cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại về một số chỉ tiêu, nhiệm vụ không hoàn thành theo kế hoạch, quy hoạch; quy mô tuyển sinh trình độ Trung cấp, Cao đẳng chưa đạt mục tiêu đề ra. Việc triển khai đào tạo nghề chất lượng cao như phát triển nghề trọng điểm, trường nghề chất lượng cao và thí điểm đào tạo nghề cấp độ quốc tế, khu vực ASEAN theo chương trình chuyển giao từ nước ngoài... còn chậm. Chất lượng, hiệu quả đào tạo của nhiều cơ sở GDNN mặc dù đã được cải thiện, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.
Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh từng bước được đầu tư, cơ bản đáp ứng được yêu cầu của giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay. Quy mô trường lớp, số lượng học viên, chất lượng đội ngũ giáo viên nhân viên được quan tâm sắp xếp nhờ đó tỷ lệ lao động qua đào tạo đã được nâng lên.
Về công tác tuyển sinh và đào tạo hằng năm các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên thu hút trên 10-20% học sinh tốt nghiệp THCS trên địa bàn vào học bổ túc THPT gắn với học nghề; phối hợp liên kết với trường cao đẳng trong và ngoài tỉnh mở các lớp đào tạo trung cấp, sơ cấp, các lớp đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho người lao động trên địa bàn theo nhu cầu của học viên. 100% các trung tâm đã đăng ký hoạt hoạt động giáo dục nghề nghiệp, trong đó số trung tâm hoạt động hiệu quả chiếm 50%.
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tuy nhiên Sở chưa tham mưu xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 23 của HĐND tỉnh về Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Một số chỉ tiêu theo quy hoạch chưa thực hiện được; chất lượng đội ngũ giáo viên chưa đạt chuẩn; cơ sở vật chất đã được quan tâm đầu tư nhưng nhiều cơ sở còn cũ, lạc hậu, chưa phát triển hiệu quả sau đầu tư. Ngoài ra, chất lượng hoạt động của các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp còn nhiều bất cập.
Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH báo cáo tại buổi giám sát. |
Nhấn mạnh nhiệm vụ trong thời gian tới, đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị Sở LĐ-TB&XH cần tập trung, rà soát đánh giá lại việc triển khai Nghị quyết 217 và chỉ tiêu NQ 23 của HĐND tỉnh; kiện toàn nâng cấp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; Đặc biệt đổi mới nội dung chương trình đào tạo gắn kết được các doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo.
Cùng với đó, Sở LĐ-TB&XH cần phối hợp với các sở, ngành chức năng tham mưu nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên trong các trung tâm dạy nghề; tiếp tục tham mưu cho tỉnh đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu đào tạo nghề trong giai đoạn mới.
Đặc biệt Sở cần chú trọng, quan tâm thực hiện các giải pháp thúc đẩy xã hội hoá cho giáo dục nghề nghiệp giai đoạn tới; Tăng cường công tác thanh, tra kiểm tra giám sát về đào tạo nghề, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo.