Quy định rõ nghĩa vụ của người dân vào quản lý, giám sát thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường
Công nhân vệ sinh môi trường dọn vệ sinh khu vực quận Hoàn Kiếm
Bài liên quan
Giải quyết những khó khăn trong lĩnh vực quản lý chất lượng môi trường không khí
Giải quyết bất cập trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt
PGS.TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên, môi trường và phát triển cộng đồng đánh giá: Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường lần này được kỳ vọng khắc phục sự chồng chéo, xung đột, thiếu thống nhất và phân tán trong các quy định về bảo vệ môi trường của các luật có liên quan; Tạo nền tảng pháp lý để hình thành và phát triển các mô hình tăng trưởng bền vững, phù hợp với quy luật của kinh tế thị trường; áp dụng đầy đủ nguyên tắc “người gây ô nhiễm môi trường phải trả tiền”, “người hưởng lợi từ giá trị của môi trường phải chi trả”. Dự thảo Luật đã chủ động phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm, đi đôi với tăng cường cải thiện, phục hồi, nâng cao chất lượng môi trường; Đẩy mạnh cải cách hành chính cũng như tăng cường công bố, công khai thông tin về môi trường…
“Tôi cho rằng, dự Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi cơ bản đáp ứng với yêu cầu mới, nhiệm vụ mới của ngành, lĩnh vực trong công tác quản lý, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, để Luật đi vào cuộc sống hiệu quả, tôi nghĩ cần tiếp tục nghiên cứu, thảo luận và cụ thể hóa một số nội dung, nhất là về sự tham gia của người dân vào quản lý, giám sát thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường”, bà An chia sẻ.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đắc Hy - Trung tâm Sinh thái và Môi trường quan tâm đến quy định về đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường. Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đắc Hy, dự thảo Luật cần quy định điều tra đánh giá tác động đến môi trường có sự biến đổi, linh hoạt theo tình hình thực tế của vòng đời dự án, không nên quy định cứng nhắc vì những diễn biến môi trường luôn thay đổi theo thời gian.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đắc Hy cũng đề nghị cần quy định theo hướng thu hẹp đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường chỉ bao gồm những dự án đầu tư sử dụng diện tích đất, mặt nước lớn và có ảnh hưởng xấu đến môi trường, cảnh quan thiên nhiên quan trọng, hệ sinh thái, đa dạng sinh học và những dự án có phát sinh chất thải lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, dự thảo Luật cần đổi mới về phương thức, công cụ quản lý môi trường; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong đăng ký thủ tục cấp phép; nên tích hợp nhiều nội dung cấp phép riêng lẻ vào giấy phép môi trường.
Về quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn môi trường, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đắc Hy đề nghị dự thảo cần quy định về quy chuẩn kỹ thuật môi trường theo hướng ngày càng nghiêm ngặt hơn để bảo vệ tốt hơn sức khỏe con người. Bởi đây cũng là xu hướng của thế giới; đặc biệt là cần tiêu chuẩn hóa cao hơn quy chuẩn kỹ thuật chất thải; quản lý chất thải.
Chị Mai Thanh Vân (phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho rằng, thời gian gần đây, tại Hà Nội cũng như một số thành phố khác, tình trạng ô nhiễm khói bụi, chất lượng môi trường không khí được các tổ chức trong và ngoài nước cảnh báo liên tục. Trên thực tế, những năm qua vấn đề bảo vệ môi trường không khí vẫn chưa được chúng ta coi trọng so với các chỉ tiêu khác như xả thải, ô nhiễm đất, nước… Do đó, ngoài những quy định cụ thể các tiêu chí về bảo vệ môi trường, dự án Luật này cần điều chỉnh đến các đối tượng, tác nhân gây ô nhiễm môi trường để từ đó có cơ sở áp dụng các chế tài về xử phạt, quy trách nhiệm rõ ràng hơn.
Trước đó, ngày 26/5, tại Kỳ họp thứ 9, trình bày báo cáo thẩm tra về Dự án luật trên, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết, dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đã sửa đổi, bổ sung toàn diện các quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong hoạt động bảo vệ môi trường; trách nhiệm quản lý nhà nước (QLNN) về bảo vệ môi trường…
Ủy ban KH,CN&MT nhận thấy, nội dung, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật đã khá cụ thể. Tuy nhiên, cần thiết kế cho bao quát và đầy đủ nội hàm của công tác bảo vệ môi trường. Đồng thời, dự thảo Luật cần phát huy và kế thừa cách xây dựng nguyên tắc bảo vệ môi trường ngắn gọn, súc tích, bảo đảm tính quy phạm và giữ lại những nguyên tắc còn nguyên giá trị của Luật bảo vệ môi trường 2014; cân nhắc điều chỉnh một số nguyên tắc vừa được bổ sung, như “Các đối tượng được hưởng lợi từ môi trường có nghĩa vụ đóng góp tài chính cho bảo vệ môi trường” cho phù hợp hơn.
Đánh giá cao những đổi mới về phương thức, công cụ quản lý môi trường trong dự thảo Luật; tán thành việc tích hợp nhiều nội dung cấp phép riêng lẻ vào giấy phép môi trường (GPMT), song Ủy ban KH,CN&MT đề nghị cần quy định cụ thể trình tự, thủ tục cấp, cấp đổi, điều chỉnh, đình chỉ hiệu lực một phần, tước quyền sử dụng, thu hồi hoặc cấp lại GPMT; việc thẩm định cấp GPMT, thời điểm cấp GPMT nhằm bảo đảm tính thống nhất với pháp luật về đầu tư, xây dựng; xem xét việc bổ sung quy định thời hạn tối thiểu của GPMT.
Tuy còn có một số vấn đề cần phải tiếp tục nghiên cứu, làm rõ và hoàn thiện, nhất là về tính thống nhất với hệ thống pháp luật và tính khả thi của các chính sách, nhưng Ủy ban KH,CN&MT nhận thấy Hồ sơ dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) của Chính phủ trình Quốc hội đã được chuẩn bị công phu, đầy đủ và đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.