Quyền lợi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ngày càng được đảm bảo và mở rộng
Chiếc “thẻ hộ mệnh” không thể thiếu của người bệnh
BHYT là chính sách an sinh xã hội ưu việt do Nhà nước tổ chức thực hiện không vì mục đích lợi nhuận, nhằm huy động sự đóng góp của cộng đồng, chia sẻ rủi ro bệnh tật và giảm bớt gánh nặng tài chính của mỗi người dân khi ốm đau, bệnh tật, tai nạn... Sau nhiều năm, quyền lợi khám chữa bệnh BHYT ngày càng được đảm bảo và mở rộng.
Chính sách BHYT được Đảng và Nhà nước ta tổ chức thực hiện từ năm 1992; Năm 2008, Luật BHYT số 25/2008/QH12 đã được Quốc hội khóa XII thông qua. Cùng với sự phát triển và ngày càng hoàn thiện của chính sách BHYT, tỷ lệ người dân tham gia BHYT tăng dần qua các năm.
Nếu như các năm 2009, 2015 độ bao phủ BHYT lần lượt đạt 57% và 74,7% dân số, thì đến hết tháng 5/2022, độ bao phủ đã đạt khoảng 88% dân số, tương ứng trên 86,2 triệu người tham gia, từng bước hiện thực hóa mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân.
Việc người dân tham gia BHYT được xem là một hình thức tiết kiệm "đóng góp khi lành để dành khi ốm" |
Song hành với đó, việc đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh cho người có thẻ BHYT đã đạt được nhiều kết quả tiến bộ. Hằng năm, có hơn 100 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT được đảm bảo quyền lợi. Quỹ BHYT đã góp phần thay thế hiệu quả cơ chế tài chính về y tế, chính sách BHYT đã bảo đảm nguyên tắc chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia.
Việc người dân tham gia BHYT được xem là một hình thức tiết kiệm "đóng góp khi lành để dành khi ốm", nhằm giảm bớt gánh nặng về kinh tế khi không may bị ốm đau, bệnh tật, kể cả những bệnh hiểm nghèo, chi phí lớn. Tham gia BHYT, mọi người dân đều được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản mà không phụ thuộc vào khả năng chi trả của mình.
Ngoài việc chi trả chi phí khám chữa bệnh thông thường, Quỹ BHYT còn chi trả cho nhiều người mắc các bệnh hiểm nghèo, bệnh mạn tính như: Hemophilia (bệnh rối loạn đông máu di truyền), ung thư, tim mạch, suy thận... Vì vậy, từ nhiều năm nay, thẻ BHYT đã được phần lớn người dân coi như "phao cứu sinh", là "thẻ hộ mệnh" không thể thiếu của mỗi người.
Quyền lợi hưởng BHYT của người tham gia ngày càng được mở rộng
Tại thành phố Hà Nội, thời gian qua đối tượng tham gia bảo hiểm y tế được mở rộng và tăng với tốc độ rất nhanh. Nếu như năm 1995, có hơn 552 nghìn người được cấp thẻ bảo hiểm y tế, bằng 13,9% dân số, thì tính đến tháng 6/2022 số người tham gia bảo hiểm y tế tăng lên gần 7,5 triệu người, tăng 6,9 triệu người, so với năm 1995.
Trong năm nay, cơ quan này nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu bao phủ bảo hiểm y tế được giao là 92,5%, giúp người dân có điều kiện để chăm sóc sức khỏe, giảm chi phí khám, chữa bệnh.
Số lượt người được khám, chữa bệnh theo chế độ bảo hiểm y tế tăng nhanh qua từng năm. Nếu như năm 1995, tại Hà Nội có 1,6 triệu lượt người khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, thì đến hết ngày 31/12/2021, đã có hơn 8,6 triệu lượt khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Hàng nghìn bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo như ung thư, tim mạch, bệnh mạn tính có chi phí điều trị lớn đều đã được bảo hiểm xã hội Thành phố thực hiện thanh toán đầy đủ đúng quy định, góp phần quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân.
Quyền lợi hưởng BHYT của người tham gia ngày càng được mở rộng ở cả phạm vi và mức hưởng BHYT |
Bà Dương Thị Minh Châu, Trưởng phòng Chế độ BHXH thành phố Hà Nội cho biết: Quyền lợi hưởng BHYT của người tham gia ngày càng được mở rộng ở cả phạm vi và mức hưởng BHYT. Chất lượng khám chữa bệnh BHYT cũng ngày càng cải thiện, người dân được tiếp cận nhiều dịch vụ y tế hiện đại, thuốc mới, hiệu quả cao, giúp nhiều người vượt qua ốm đau bệnh tật.
Theo đó, danh mục thuốc được Quỹ BHYT thanh toán đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người có thẻ BHYT với hơn 1.000 hoạt chất hóa dược, sinh phẩm và trên hàng trăm thuốc đông y, thuốc từ dược liệu. Trong đó, có nhiều thuốc điều trị ung thư, thuốc điều trị bệnh hiếm, thuốc điều trị bệnh máu không đông, thuốc tim mạch đa dạng… người bệnh được chỉ định sử dụng dài ngày, có thuốc dùng suốt đời cho quá trình điều trị bệnh.
Mặc dù các thuốc điều trị cho các bệnh hiểm nghèo đều là các thuốc đắt tiền, có giá lên đến hàng chục triệu đồng cho một liều sử dụng nhưng vẫn được Quỹ BHYT thanh toán. Danh mục thuốc BHYT hiện nay đã cơ bản đáp ứng nhu cầu điều trị đối với các bệnh hiểm nghèo.
Ngoài các chi phí về thuốc, người tham gia BHYT còn được Quỹ BHYT chi trả các chi phí dịch vụ kỹ thuật (với hơn 9.000 dịch vụ), vật tư y tế. Trong đó có các phẫu thuật, thủ thuật cao, chi phí lớn như: phẫu thuật bằng robot, phẫu thuật thay khớp, thay đĩa đệm cột sống, đặt máy tạo nhịp tim… Đáng chú ý, một số loại vật tư y tế được quỹ BHYT thanh toán có giá trị lên đến hàng trăm triệu đồng.
Riêng đối với chi phí ngày giường điều trị nội trú, Quỹ BHYT sẽ thanh toán căn cứ vào hạng bệnh viện và loại giường điều trị đã sử dụng. Mức chi phí bình quân ngày giường điều trị Quỹ BHYT đang thanh toán trung bình một đợt điều trị khoảng 6 ngày, với số tiền giường trung bình một đợt điều trị nội trú khoảng 1,2 - 1,3 triệu/lượt.
Đối với các trường hợp phải chăm sóc đặc biệt sẽ được Quỹ BHYT thanh toán lên tới hàng chục triệu đồng/một đợt điều trị, thậm chí có trường hợp số tiền giường được thanh toán lên đến hằng trăm triệu đồng.
Có thể thấy, tham gia BHYT, mọi người dân đều được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản mà không phụ thuộc vào khả năng chi trả của mình. Vì thế, hơn lúc nào hết, người dân cần nhận thức rõ được lợi ích khi tham gia BHYT, giúp hạn chế rủi ro về tài chính cho bản thân, gia đình, đồng thời chia sẻ bớt khó khăn cho cộng đồng nếu một ai đó không may mắc bệnh.