Ra mắt sách “Thầy giáo Nguyễn Tất Thành ở trường Dục Thanh”
![]() |
(TTTĐ) Nhân dịp kỉ niệm 126 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2016), Nhà xuất bản Kim Đồng ra mắt cuốn sách “Thầy giáo Nguyễn Tất Thành ở trường Dục Thanh” của nhà văn Sơn Tùng. Gần ba thập kỉ sau khi nhà văn Sơn Tùng hoàn thiện, cuốn sách mới được đến tay độc giả. Bản thảo cuốn sách do ông Bùi Sơn Định – con trai nhà văn sưu tầm từ những trang viết tay của cha.
Thầy giáo Nguyễn Tất Thành ở trường Dục Thanh tái hiện lại quãng thời gian Bác Hồ (khi đó tên là Nguyễn Tất Thành) đi từ Huế vô Nam, hành trình gian nan vượt đèo Cù Mông, Rù Rì, Đèo Cả và dừng chân dạy học ở trường Dục Thanh (tỉnh Phan Thiết) – trường học do những người yêu nước lập nên. Qua cuốn sách, độc giả sẽ cảm nhận rõ tâm tư, tình cảm của chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành khi đất nước đang trong vòng nô lệ, trước nỗi đau đáu của cha “Nước mất! Nhà tan! Đi đi con. Tất Thành! Tất Thành…”
![]() |
Đặc biệt, cuốn sách tái hiện sinh động hình ảnh thầy giáo Nguyễn Tất Thành với phương pháp dạy học truyền cảm hứng, khai mở cho các em học sinh những hiểu biết về lịch sử dân tộc, tình yêu Tổ quốc, hun đúc ý chí và rèn luyện nhiều kĩ năng trong cuộc sống.
Giáo sư, Tiến sĩ sử học, Nhà giáo ưu tú Mạch Quang Thắng chia sẻ khi đọc tác phẩm: "Bác Hồ là nhà cách mạng, là người đi nhiều nơi, làm nhiều nghề, trong đó có quãng thời gian là thầy giáo ở trường Dục Thanh (tỉnh Phan Thiết). Truyện này của nhà văn Sơn Tùng kể về quãng thời gian Bác Hồ của chúng ta (lúc đó tên là Nguyễn Tất Thành) từ Huế đi dần vô phía nam. Rồi, trong buổi trời chiều cuối thập niên đầu thế kỉ XX, anh thanh niên Nguyễn Tất Thành vượt đèo Cù Mông, Rù Rì, Đèo Cả… vô Phan Thiết, dừng chân dạy học mấy tháng.
Bác Hồ đi đây đi đó, làm việc này việc nọ, kể cả làm thầy giáo, có gì đặc biệt đâu - chắc có người nói thế. Nhưng, tôi thấy đặc biệt là ở chỗ, cuộc đời Bác Hồ là những chuỗi thời gian nối nhau của việc nuôi chí, rèn đức, luyện tài. Bác Hồ đã trải qua bao năm tháng hoạt động yêu nước, làm cách mạng để trở thành một người có đức dày, tâm lành, trí sáng, có tầm cao, có ý chí dời non lấp biển. Thời gian ở trường Dục Thanh chỉ là một chặng nhỏ của Bác Hồ mà thôi, một chặng "chia chữ" như nhà văn Sơn Tùng đã viết, để rồi mưu việc lớn hơn, như lời người Cha là Cụ Nguyễn Sinh Sắc thúc giục con mình: Nước mất đi tìm Nước… Đi đi con! Tất Thành!
Ngòi bút của nhà văn Sơn Tùng đã viết theo lối móc xích nhau trong mối liên hệ gia đình - quê hương - đất nước, trong cái liên làm việc này tất yếu dẫn đến việc kia, việc kia là kết quả tất yếu của việc này. Đọng lại là những tháng ngày dạy học của thầy giáo Nguyễn Tất Thành - thầy dạy theo phương pháp tích cực, khai mở cho các em học sinh ý chí và kĩ năng cuộc sống, làm cho các em thành những người có ích cho xã hội. Chắc nhiều bạn đọc của cuốn sách này có biết bức thư của Bác Hồ viết vào tháng 9 năm 1945 gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên ở nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong thư, Bác Hồ viết rằng, nền giáo dục của nước ta sau khi giành được độc lập là một nền giáo dục đào tạo học sinh thành những công dân có ích, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em. Bác Hồ còn nhấn mạnh rằng, ngày nay, người Việt Nam cần xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên đã để lại, làm sao cho Việt Nam theo kịp các nước khác trên thế giới. Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong chờ đợi ở các em rất nhiều. “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em.”
Nhà văn Sơn Tùng viết bằng cái tâm sáng, nhiệt thành, ngòi bút đầy xúc cảm, có sức lay động tình nhân ái. Hình như ông viết cho chính ông, để tự cảm nhận, để giãi bày trước khi ông đưa những con chữ văn chương quý giá đến với bạn đọc. Chỉ mấy chục trang viết thôi, nhưng quả thực, nhà văn Sơn Tùng đã tái hiện được quãng thời gian đáng nhớ trong cuộc đời Bác Hồ".
![]() |
Cùng với các tác phẩm Búp sen xanh, Bông sen vàng, Cuộc chia li trên bến Nhà Rồng, truyện dài Thầy giáo Nguyễn Tất Thành ở trường Dục Thanh sẽ giúp độc giả hiểu thêm về thời trẻ của Bác Hồ trước khi Người ra đi tìm đường cứu nước.
Bằng kiến văn sâu sắc, sự dày công tìm tòi, khảo cứu, và đặc biệt, bằng một tình cảm yêu kính vô bờ dành cho vị lãnh tụ vĩ đại, nhà văn Sơn Tùng đã viết nên những tác phẩm sinh động về thời trẻ của Bác Hồ, giúp độc giả hiểu rõ thêm về gia đình, nguồn cội, bối cảnh xã hội đã hun đúc nên một nhân tài kiệt xuất của dân tộc, một danh nhân văn hóa thế giới.
Nhà văn Sơn Tùng từng tâm sự, suốt hơn ba mươi năm cầm súng, cầm bút, ông đã dành nhiều thời gian và tâm huyết vào công việc ghi chép về thời niên thiếu của Bác Hồ. Ông đã tìm gặp anh chị của Bác Hồ và hỏi han được nhiều điều quý giá. Từ đó, ông lần theo đầu mối ấy đến những nơi Bác Hồ từng sống, học tập, dạy học, làm việc, gặp gỡ những người cùng thời với Bác để hỏi han với một thái độ, một trách nhiệm, một tình cảm như một người làm công tác khảo cổ học.
Sinh năm 1928 tại Diễn Châu, Nghệ An, nhà văn Sơn Tùng là tác giả của những tác phẩm về Bác Hồ được bạn đọc trong và ngoài nước yêu mến như: Búp sen xanh, Bông sen vàng, Cuộc chia li trên bến Nhà Rồng, Thầy giáo Nguyễn Tất Thành ở trường Dục Thanh, Tấm chân dung Bác Hồ, Bác về, Sáng ánh tâm đăng Hồ Chí Minh, Bác Hồ cầu hiền tài, Từ làng Sen… Giáo sư, Tiến sĩ sử học, Nhà giáo ưu tú Mạch Quang Thắng cũng cho biết thêm trong phần Lời giới thiệu của cuốn sách: "Khi sách đến tay bạn đọc vào năm 2016 này, Sơn Tùng, nhà văn, thương binh, Anh hùng Lao động thời kì đổi mới, đã gần 90 tuổi, đang bị bạo bệnh. Bản thảo cuốn sách này được nhà văn Sơn Tùng viết xong năm 1989. Đã gần 30 năm vụt qua.Đã gần 30 năm vụt qua. Tôi nghĩ rằng, nhà văn Sơn Tùng, nếu còn khỏe, có khi sẽ sửa chữa, bổ sung bản thảo, sẽ làm rõ thêm nhiều câu thoại từ đầu thế kỉ XX trong tác phẩm này. Nhưng, tôi nghĩ rằng, nếu làm như thế chưa chắc đã là hay, bởi vì ngôn ngữ cũng có tính lịch sử của nó. Mà nhà văn Sơn Tùng là người của lịch sử, chứng kiến biết bao thăng trầm của nó, những câu thoại trong tác phẩm này chính là những chứng cứ của lịch sử mà chỉ có những nhà văn tài năng như Sơn Tùng mới khảm được vào truyện kể hấp dẫn của mình rồi phổ vào thế kỉ XXI này".
![]() |
Ngoài ra, độc giả có thể tìm đọc nhiều tác phẩm viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh do Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành: Cha và con (Hồ Phương), Bác của chúng ta (Bích Thuận), Kể chuyện Bác Hồ (nhiều tác giả), Bác Hồ viết di chúc và Di chúc của Bác Hồ (Hồi kí Vũ Kỳ, Thế Kỷ ghi), Theo chân Bác (thơ Tố Hữu, tranh Văn Thơ), bộ tranh truyện Bác Hồ sống mãi…
Cẩm Tú
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Tình yêu văn hóa truyền thống qua bộ sách "Vang danh nghề cổ"

Nghệ An hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc 2025

Hấp dẫn và bổ ích chuỗi hoạt động tại Phố Sách Hà Nội

“Sách mở rộng thế giới tư duy” tôn vinh văn hóa đọc

Tình yêu Tổ quốc trong cuốn hồi ký của bà Nguyễn Thị Bình

“Đọc sách - Điều bình thường mà vĩ đại" lan tỏa văn hóa đọc

Giá trị văn hóa, lịch sử thiêng liêng về cội nguồn dân tộc

Hàng trăm loài lan hài Việt Nam xuất hiện trong sách

Ghé thăm vùng đất trẻ thơ của tác giả Yuichi Kimura
