Sẵn sàng, chủ động, quyết tâm đảm bảo an toàn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022
Bộ GD&ĐT thành lập 63 đoàn thanh tra kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 Hà Nội ban hành kế hoạch tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2022 |
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 diễn ra vào ngày 7 - 8/7 và được tổ chức cơ bản ổn định như năm 2021.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội nghị |
Nhấn mạnh việc sớm thành lập Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh, Bộ trưởng mong muốn các địa phương lường trước mọi vấn đề, đưa ra các phương án dự phòng để ứng phó với các tình huống có thể xảy ra, như thiên tai, dịch bệnh… và các vấn đề khác; Lường trước các phát sinh bất thường, đặc biệt trong quá trình tổ chức thi; Bảo đảm tổ chức tốt nhất kỳ thi trên địa bàn.
Thời điểm này, dịch bệnh COVID-19 đã được kiểm soát. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, những ảnh hưởng của dịch bệnh vẫn còn hiện hữu. Bộ GD&ĐT đã ban hành hướng dẫn tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2022 cho thí sinh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đề nghị lãnh đạo các tỉnh, thành phố lưu ý, hỗ trợ tối đa cho các Sở GD&ĐT thực hiện tốt các khâu chuyên môn, giúp học sinh vững cả về kiến thức và tâm lý trước khi bước vào kỳ thi; Quan tâm hỗ trợ các thí sinh vùng sâu, vùng xa về đi lại, giao thông, lưu trú…
Cùng với đó, Bộ trưởng cũng mong muốn lãnh đạo các địa phương quan tâm, tăng cường khâu kiểm tra, giám sát để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho những khâu về đề thi, coi thi, chấm thi, các khâu khác có liên quan… để bảo đảm an toàn, bảo mật, trật tự cho kỳ thi.
Thông tin thêm về công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi, ông Lê Mỹ Phong, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT, cho biết: Tính đến 17h ngày 5/6, tổng số đăng ký dự thi trên hệ thống là 1.002.486 phiếu.
Công tác xây dựng ngân hàng câu hỏi thi, chuẩn bị ra đề thi được thực hiện theo nguyên tắc độc lập và phân định rõ trách nhiệm giữa các khâu; Bảo đảm nội dung đề thi nằm trong chương trình trung học phổ thông, chủ yếu ở lớp 12. Các nội dung kiến thức được tinh giản do tác động của dịch COVID-19 ở các năm học 2019-2020, 2020-2021 và 2021-2022 sẽ không đưa vào đề thi năm nay.
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương phát biểu tại điểm cầu Hà Nội |
Tại hội nghị, các địa phương đã báo cáo nhanh về công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi. Tại điểm cầu Hà Nội, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, toàn thành phố có 97.999 thí sinh đăng ký dự thi. Các thí sinh được bố trí thi ở 4.070 phòng thi tại 181 điểm thi.
Hà Nội đã xây dựng phương án dự phòng để chủ động ứng phó với dịch COVID-19 và các tình huống phát sinh. Các thí sinh thuộc diện F0 được xét đặc cách tốt nghiệp; Nếu có nguyện vọng dự thi, có cam kết tuân thủ các quy định phòng, chống dịch COVID-19 và được cha, mẹ, người giám hộ đồng ý sẽ được bố trí thi tại phòng thi riêng.
Thành phố Hà Nội cam kết quyết tâm tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông an toàn, công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh.
Để chuẩn bị tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 an toàn, đúng quy định, UBND thành phố Hà Nội đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thành lập Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp trung học phổ thông thành phố; Chỉ đạo Sở GD&ĐT hướng dẫn công tác tổ chức kỳ thi và thông báo địa điểm tổ chức kỳ thi để các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã xây dựng phương án bảo đảm cơ sở vật chất, an ninh, an toàn; Tập huấn quy chế thi cho toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh…
Thành phố Hà Nội đã điều động gần 13.500 cán bộ, giáo viên tham gia công tác coi thi; Gần 600 cán bộ, giáo viên làm nhiệm vụ thanh tra công tác coi thi…
Để bảo đảm khách quan trong khâu coi thi, thí sinh trong một quận, huyện, thị xã được bố trí thành một cụm thi; Cán bộ coi thi không được coi thi học sinh của trường mình; Trưởng điểm thi và phó trưởng điểm thi không cùng một đơn vị; Mỗi phòng thi có hai cán bộ coi thi ở hai trường phổ thông khác nhau.
Thành phố cũng đã xây dựng phương án dự phòng để chủ động ứng phó với dịch COVID-19 và các tình huống phát sinh. Theo đó, tại mỗi cụm thi đều bố trí 2 điểm thi dự phòng; Mỗi điểm thi có 2 phòng thi dự phòng. Với các thí sinh thuộc diện F0 được xét đặc cách tốt nghiệp, nếu có nguyện vọng dự thi; Có cam kết tuân thủ các quy định phòng, chống dịch COVID-19; Được cha, mẹ, người giám hộ đồng ý, thì sẽ được bố trí thi tại phòng thi riêng.
Thời gian tới, thành phố tiếp tục theo dõi sát tình hình dịch COVID-19 để tổ chức kỳ thi phù hợp với thực tế, có phương án bảo đảm an toàn cho thí sinh và những người tham gia tổ chức kỳ thi. Đồng thời, thành phố tăng cường công tác truyền thông; Tập huấn công tác coi thi, thanh tra kỳ thi… Hà Nội cam kết với Bộ GD&ĐT quyết tâm tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông an toàn, công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, Trưởng ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia nhận định, các địa phương đã chuẩn bị kỹ càng, chủ động, sẵn sàng tổ chức kỳ thi. Bộ GD&ĐT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố ban hành chỉ thị tổ chức kỳ thi; Thành lập ban chỉ đạo thi, ban hành kế hoạch tổ chức, phân công rõ nhiệm vụ của từng sở, ngành...
Các địa phương cần quan tâm đặc biệt đến vấn đề lựa chọn nhân sự tham gia phục vụ kỳ thi với quan điểm chọn đúng người, giao đúng việc, kiểm tra thường xuyên; Đồng thời, làm tốt công tác tập huấn quy chế thi, làm rõ trách nhiệm của từng vị trí.
Bên cạnh đó, các địa phương cần chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất bảo đảm an ninh, an toàn cho các điểm thi và địa điểm in, sao đề thi, lưu ý đến các điểm thi ở gần nhà dân; Chủ động phương án phòng, chống dịch COVID-19; Tăng cường thanh tra và cố gắng phòng ngừa, giảm vi phạm.