Sản xuất, buôn bán thuốc giả sẽ đối diện mức án cao nhất
Thu giữ 21 loại thuốc tân dược giả
Theo Công an tỉnh Thanh Hoá, qua công tác trinh sát, nắm thông tin, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh đã phát hiện trên địa bàn thành phố Thanh Hóa và một số địa phương khác có một nhóm đối tượng nghi vấn sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh với nhiều thủ đoạn hết sức tinh vi.
Tiến hành lập án đấu tranh, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Thanh Hóa đã thu thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ, đồng thời huy động lực lượng, phối hợp khám xét khẩn cấp 6 địa điểm là nơi sản xuất, nơi làm việc, nơi cất giấu hàng hoá của các đối tượng trên địa bàn Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Vĩnh Phúc, Hưng Yên, An Giang, Đồng Tháp.
![]() |
![]() |
Cơ quan điều tra thu giữ một số loại thuốc tân dược giả và dụng cụ dùng để sản xuất thuốc giả. Ảnh: Công an Thanh Hóa |
Qua khám xét, lực lượng Công an đã thu giữ 21 loại thuốc tân dược, thuốc chữa xương khớp giả. Ngoài số thuốc tân dược, thuốc chữa xương khớp giả, lực lượng Công an còn thu giữ nhiều loại nguyên vật liệu phục vụ sản xuất thuốc giả, và nhiều máy móc, thiết bị phục vụ hoạt động sản xuất với tổng khối lượng thuốc tân dược giả và nguyên liệu để làm thuốc tân dược giả là gần 10 tấn.
Theo kết quả điều tra ban đầu xác định, nhóm đối tượng do Nguyễn Tiến Đạt, (sinh năm 1991 trú tại chung cư Hapulico, quận Thanh Xuân, Hà Nội) cầm đầu đã câu kết với nhóm đối tượng của Trịnh Doãn Giáo, sinh năm 1985 trú tại quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh là đối tượng cầm đầu đường dây sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, xương khớp đã đầu tư dây chuyền, máy móc sản xuất và nghiên cứu các thành phần của thuốc tân dược…
Các đối tượng khai nhận, từ năm 2021 đến khi bị bắt đã bán ra thị trường số lượng thuốc giả rất lớn, số tiền thu lời bất chính ước tính gần 200 tỷ đồng. Căn cứ tài liệu, chứng cứ thu thập được, ngày 16/4, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hoá đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 14 đối tượng liên quan đến đường dây sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh. Hiện vụ án đang tiếp tục được điều tra, mở rộng.
![]() |
Nhóm đối tượng trong đường dây sản xuất thuốc giả cực "khủng". Ảnh: Công an Thanh Hóa |
Khung hình phạt chung thân hoặc tử hình
Trao đổi với báo chí về vụ việc trên, tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, cho rằng tất cả các hàng hóa là hàng giả đều ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng. Nếu hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh còn có thể đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của người sử dụng, gây bức xúc trong dư luận xã hội nên người thực hiện hành vi này sẽ phải chịu chế tài nghiêm khắc của pháp luật, mức cao nhất có thể là tù chung thân hoặc tử hình.
"Điều 194, Bộ Luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định, hành vi sản xuất hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh mà thu lợi bất chính từ 2 tỉ đồng trở lên thì sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình. Ngoài ra, người phạm tội còn có trách nhiệm phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, khắc phục hậu quả đã gây ra đối với nạn nhân và xã hội. Số tiền thu được từ hành vi phạm tội sẽ bị tịch thu, những tài sản do phạm tội mà có hoặc có nguồn gốc từ tội phạm cũng sẽ bị tịch thu để xử lý theo nguyên tắc xử lý vật chứng trong tố tụng hình sự", luật sư Đặng Văn Cường cho biết.
![]() |
Hai đối tượng Nguyễn Tiến Đạt và Trịnh Doãn Giáo là những kẻ cầm đầu đường dây sản xuất, buôn bán thuốc giả. Ảnh: Công an Thanh Hóa |
Cũng theo luật sư Cường, trong vụ án này, bước đầu cơ quan điều tra xác định giá trị của hàng hóa lên đến 200 tỉ đồng, thuộc trường hợp đặc biệt lớn nên các bị can bị khởi tố về tội danh này sẽ bị xem xét xử lý ở khung hình phạt cao nhất. Tuy nhiên, việc quyết định hình phạt cụ thể sẽ căn cứ vào tính chất mức độ hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội và các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Ngoài xử lý hình sự, tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh còn xử lý đối với pháp nhân thương mại, có thể bị áp dụng hình phạt là phạt tiền đến 20 tỉ đồng, tước giấy phép đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Ngoài việc xem xét hành vi phạm tội của các bị can, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ trách nhiệm của các cơ quan tổ chức có liên quan để làm rõ nguyên nhân điều kiện phạm tội, xem xét trách nhiệm pháp lý và để thực hiện các giải pháp phòng ngừa tội phạm.
Lỗ hổng trong giám sát an toàn thực phẩm
Trước đó vào ngày 11/4, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam 4 tháng đối với 8 bị can trong vụ án sản xuất, kinh doanh sữa giả. Nêu quan điểm về vụ việc, luật sư Lê Hằng - chuyên gia tư vấn doanh nghiệp tại TAT Law Firm cho biết, việc cơ quan điều tra triệt phá đường dây sản xuất gần 600 loại sữa bột giả, tiêu thụ suốt 4 năm với doanh thu gần 500 tỷ đồng, đã phơi bày những lỗ hổng đáng lo ngại trong hệ thống quản lý an toàn thực phẩm tại Việt Nam.
Theo quy định tại Nghị định 15/2018/NĐ-CP, việc quản lý an toàn thực phẩm được phân chia giữa Bộ Y tế, Bộ Công Thương và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Tuy nhiên, trong vụ việc này, cả Bộ Y tế và Bộ Công Thương đều cho rằng sản phẩm sữa bột giả không thuộc phạm vi quản lý của mình, dẫn đến tình trạng “đá bóng” trách nhiệm giữa các cơ quan. Điều này cho thấy sự thiếu rõ ràng trong phân định trách nhiệm, tạo điều kiện cho các hành vi vi phạm kéo dài mà không bị phát hiện.
Ngoài ra, Cơ chế tự công bố sản phẩm cho phép doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm mà không cần sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ từ cơ quan chức năng. Trong vụ việc này, các doanh nghiệp đã lợi dụng kẽ hở này để sản xuất và phân phối sữa bột giả với số lượng lớn mà không bị phát hiện trong suốt thời gian dài. Điều này đặt ra câu hỏi về hiệu quả của cơ chế hậu kiểm hiện tại và sự cần thiết phải tăng cường giám sát sau khi sản phẩm được đưa ra thị trường.
![]() |
Cảnh sát thu giữ hàng nghìn hộp sữa bột giả để phục vụ điều tra |
Trách nhiệm giám sát an toàn thực phẩm tại địa phương thuộc về các Sở Y tế và Sở Công thương. Tuy nhiên, trong vụ việc này, các cơ quan chức năng đã không phát hiện ra hành vi vi phạm trong suốt 4 năm. Nguyên nhân có thể do thiếu nguồn lực, nhân sự và sự phối hợp giữa các đơn vị, dẫn đến việc giám sát không hiệu quả. Điều này cho thấy sự cần thiết phải tăng cường năng lực và trách nhiệm của các cơ quan quản lý địa phương.
Để tăng cường hậu kiểm và trách nhiệm liên ngành, luật sư Lê Hằng đề xuất một số giải pháp nhằm khắc phục những lỗ hổng trong quản lý an toàn thực phẩm đó là: Thiết lập cơ chế hậu kiểm hiệu quả, thường xuyên kiểm tra, giám sát các sản phẩm sau khi được đưa ra thị trường. Xem xét lại cơ chế tự công bố sản phẩm, đặc biệt đối với các sản phẩm có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng.
Thiết lập cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương để đảm bảo hiệu quả trong việc giám sát và xử lý vi phạm. Đầu tư nguồn lực, đào tạo nhân sự và cung cấp công cụ hỗ trợ cho các cơ quan quản lý địa phương để nâng cao hiệu quả giám sát.
“Bên cạnh trách nhiệm của cơ quan quản lý, doanh nghiệp cũng cần chủ động tuân thủ pháp luật, đảm bảo chất lượng sản phẩm và minh bạch trong hoạt động kinh doanh. Việc xây dựng hệ thống quản trị pháp lý vững chắc sẽ giúp doanh nghiệp tránh rủi ro pháp lý và bảo vệ uy tín thương hiệu.
Để ngăn chặn những vụ việc tương tự, cần có sự vào cuộc quyết liệt từ cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp, nhằm xây dựng một hệ thống giám sát hiệu quả, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và đảm bảo sự phát triển bền vững của thị trường thực phẩm”, luật sư Lê Hằng kiến nghị.
Tin liên quan
Đọc thêm

Công an Hà Nội tìm bị hại vụ cướp giật điện thoại ngày 10/4

Bắt giữ đối tượng vận chuyển trái phép 4kg vàng

Cảnh sát hiệp đồng dập tắt vụ cháy tại rừng quốc gia Ba Vì

Quảng Nam: Người phụ nữ tử vong thương tâm tại tỉnh lộ 609

Tuyên truyền phòng cháy, chữa cháy tại khu dân cư

Quảng Ninh: Thượng úy công an hy sinh khi truy bắt ma túy

TP Huế: Hai tài xế lĩnh án vì chở khách nhập cảnh trái phép

Bỉm Sơn (Thanh Hoá): Khởi tố 3 đối tượng khai thác khoáng sản trái phép

Bình Dương: Sập sàn nhà xưởng ở Bắc Tân Uyên, 3 người tử vong
