Hội tụ các yếu tố của tội phạm kinh tế đặc biệt nghiêm trọng
8 bị can sản xuất sữa giả, thu lợi gần 500 tỷ đồng
Ngày 11/4 vừa qua, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã thi hành các quyết định khởi tố 8 bị can, lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với các bị can trong vụ án sản xuất, kinh doanh sữa giả gồm: Hoàng Mạnh Hà (SN 1979), cổ đông góp vốn, Giám đốc, người đại diện theo pháp luật của Công ty Rance Pharma (từ tháng 8/2021 - 8/2024), đồng thời là cổ đông góp vốn Công ty Hacofood.
Bị can Vũ Mạnh Cường (SN 1979), cổ đông góp vốn, giám đốc, người đại diện theo pháp luật của Công ty Hacofood (từ tháng 4/2022 - 10/2024), đồng thời là cổ đông góp vốn Công ty Rance Pharma; Đặng Trung Kiên (SN 1988), cổ đông góp vốn, Phó Giám đốc Công ty Rance Pharma và Công ty Hacofood. 3 người trên bị khởi tố về các tội: "Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm" và "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng".
Hồ Sỹ Ý (SN 1988), cổ đông góp vốn Công ty Rance Pharma và Công ty Hacofood, người điều hành nhà máy sản xuất, bị khởi tố về tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm". Nguyễn Thành Luân (SN 1987), cổ đông góp vốn Công ty Rance Pharma và Công ty Hacofood, Giám đốc, người đại diện theo pháp luật của Công ty Rance Pharma từ tháng 8/2024; Nguyễn Văn Tú (SN 1981), cổ đông góp vốn Công ty Rance Pharma và Công ty Hacofood, Giám đốc, người đại diện theo pháp luật của Công ty Hacofood từ tháng 10/2024. Nguyễn Thu Thủy (SN 1970), Kế toán trưởng của hai Công ty Rance Pharma và Công ty Hacofood. Luân, Tú, Thủy bị khởi tố về tội "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng".
![]() |
Cảnh sát thu giữ hàng nghìn hộp sữa bột giả để phục vụ điều tra |
Ngoài ra, Nguyễn Thị Mai Hương, nhân viên kế toán kiêm thủ quỹ của Công ty Rance Pharma và Công ty Hacofood, bị khởi tố về cùng tội danh "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng", bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú. Sau khi được Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao phê chuẩn, ngày 11/4, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã thi hành các quyết định và lệnh tố tụng theo đúng quy định của pháp luật.
Theo cơ quan điều tra, trong quá trình khám xét tại 19 địa điểm bao gồm nhà máy sản xuất và văn phòng làm việc của các bị can, đã thu giữ 84 loại sản phẩm sữa bột khác nhau, tổng số 26.740 lon thuộc 90 lô sản xuất, cùng nhiều tài liệu và vật chứng phục vụ công tác điều tra.
Bước đầu cơ quan điều tra xác định, từ năm 2021, nhận thấy nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung, đặc biệt là sữa bột trên thị trường trong nước tăng cao, các bị can đã thành lập công ty để tổ chức sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sữa bột giả.
Đến nay, nhóm này đã sản xuất tới 573 nhãn hiệu sữa bột các loại, hướng đến đối tượng tiêu dùng là người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ mang thai.
Dù công bố thành phần sản phẩm có chứa chiết xuất tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột mắc ca, bột óc chó... nhưng thực tế sản phẩm không chứa các thành phần này mà chỉ sử dụng một số nguyên liệu thông thường cùng phụ gia.
Kết quả giám định cho thấy một số sản phẩm sữa bột có chỉ tiêu chất lượng đạt dưới 70% so với mức công bố, đủ căn cứ để xác định là hàng giả. Trong vòng 4 năm (từ 2021 đến nay), các bị can đã thông qua nhiều công ty để tiêu thụ sữa bột giả ra thị trường, thu lợi bất chính gần 500 tỷ đồng.
Đừng “đánh cược” tương lai bằng sự chủ quan
Trao đổi với PV báo Tuổi trẻ Thủ đô về vụ việc trên, luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch TAT Law Firm phân tích: Vụ án này hội tụ đầy đủ các yếu tố của tội phạm kinh tế đặc biệt nghiêm trọng (hành vi có tổ chức, kéo dài nhiều năm, hướng vào nhóm người tiêu dùng yếu thế (trẻ nhỏ, người bệnh) và đạt doanh thu bất chính gần 500 tỷ đồng. Quan trọng hơn, không chỉ sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm, các đối tượng còn vi phạm quy định về kế toán, hợp thức hóa dòng tiền, che giấu sai phạm, khiến thiệt hại lan rộng cả trong hệ thống tài chính - thuế.
Về pháp lý, hành vi này có thể bị truy tố theo Điều 193 Bộ luật Hình sự, với mức án cao nhất là chung thân. Đồng thời, nếu có căn cứ, còn có thể xử lý thêm về các tội trốn thuế, vi phạm kế toán, rửa tiền.
Câu nói “sai một ly, đi một đời” trong trường hợp này không chỉ mang ý nghĩa đạo lý, mà còn hoàn toàn đúng về mặt pháp lý. Một hành vi tưởng như chỉ là “lách luật”, “tạm thời để vượt khó” nếu không dừng lại đúng lúc, sẽ dẫn đến trách nhiệm hình sự nghiêm khắc, tịch thu tài sản, mất uy tín, mất tương lai. Đó là bài học không chỉ cho cá nhân phạm tội, mà cho cả những ai đang coi thường chuẩn mực pháp luật trong kinh doanh.
![]() |
Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch Công ty Luật TAT |
Cũng theo luật sư Trương Anh Tú, có 3 loại rủi ro phổ biến mà doanh nghiệp thường bỏ qua, đó là: Rủi ro hình sự về chất lượng hàng hóa. Khi sản phẩm không đúng như công bố, quảng cáo sai sự thật hoặc không đạt tiêu chuẩn đã đăng ký, doanh nghiệp có thể bị quy kết sản xuất, kinh doanh hàng giả - kể cả khi không cố ý. Rủi ro liên đới trong phân phối: Đại lý, nhà thuốc, siêu thị, chuỗi cung ứng nếu không kiểm soát nguồn gốc - chất lượng, hoàn toàn có thể trở thành người bị hại hoặc người có trách nhiệm liên quan trong quá trình tố tụng hình sự. Rủi ro về kế toán - tài chính: Sử dụng báo cáo sai lệch, không minh bạch hóa dòng tiền, “lách” thuế hay chi phí ảo có thể dẫn đến vi phạm pháp luật kế toán - thuế, kéo theo hậu quả hình sự.
Với kinh nghiệm nhiều năm đồng hành cùng doanh nghiệp, luật sư Trương Anh Tú cho rằng, phần lớn CEO vẫn xem pháp luật như một “cái khóa” để xử lý khi có tranh chấp, chứ chưa coi là “bản đồ an toàn” cho vận hành và tăng trưởng.
Ở các nước phát triển, một CEO tốt phải là người hiểu rõ ranh giới pháp lý, biết mình đang đứng ở đâu trong chuỗi rủi ro và có đội ngũ luật sư tư vấn thường trực - như cách họ có kế toán trưởng hay kiểm toán viên nội bộ. Ở TAT Law Firm, không chỉ hỗ trợ doanh nhân khi có sự cố pháp lý, mà còn thiết kế hệ thống kiểm soát rủi ro hình sự - tài chính từ bên trong, giúp doanh nghiệp “miễn dịch” với pháp luật từ đầu.
“Các doanh nghiệp nên chủ động rà soát lại toàn bộ quy trình công bố - quảng cáo - phân phối sản phẩm, đặc biệt các sản phẩm liên quan sức khỏe cộng đồng. Thiết lập bộ phận kiểm soát tuân thủ nội bộ, phối hợp chặt với kế toán và bộ phận pháp chế; tham vấn luật sư theo định kỳ, không chỉ khi “có biến”.
Chúng tôi từng hỗ trợ nhiều doanh nghiệp thiết lập cơ chế phòng ngừa hiệu quả, không chỉ giảm thiểu rủi ro pháp lý, mà còn tăng năng lực quản trị và uy tín thị trường. Những mô hình như thế nên được nhân rộng, nhất là trong bối cảnh pháp luật đang ngày càng siết chặt trách nhiệm hình sự đối với tổ chức kinh tế”, Chủ tịch TAT Law Firm chia sẻ.
Luật sư Trương Anh Tú khuyến cáo các doanh nhân đừng “đánh cược” tương lai bằng sự chủ quan. Pháp luật không chờ đến lúc doanh nghiệp phá sản hay vướng vòng lao lý mới phát huy tác dụng. Hãy chủ động kiến tạo một nền tảng quản trị pháp lý vững chắc - điều đó sẽ giúp doanh nghiệp trường tồn và nhà lãnh đạo ngủ ngon mỗi đêm.
Tin liên quan
Đọc thêm

Xử lý nghiêm người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật

Cần lập “hàng rào” an toàn cho trẻ em

Báo động tình trạng gia tăng tội phạm vị thành niên

Bổ sung quy định về chế độ, chính sách đối với sĩ quan Quân đội nghỉ hưu, chuyển ngành

Công bố thành lập Chi nhánh Văn phòng Luật sư tại tỉnh Khánh Hòa

Công ty Luật Tín Minh hỗ trợ giải quyết tranh chấp lao động

Từ ngày 1/3, người Hà Nội xin cấp Phiếu lý lịch tư pháp ở đâu?

Lừa bán pin xe máy điện để chiếm đoạt tài sản

Cẩn thận mất tiền từ các cuộc gọi không nói gì
