“Sập bẫy” lừa đảo công nghệ cao, người dân chuyển 29 tỉ đồng
Thượng tá Nguyễn Quang Hội - Phó Trưởng Công an quận đã trao giấy khen của Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tuyên truyền phóng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. |
Sáng 19/7, Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã tổ chức Hội nghị sơ kết đánh giá tình hình, kết quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các phòng nghiệp vụ Công an TP Hà Nội; đại diện lãnh đạo UBND, Công an quận Hoàn Kiếm; đại diện các chi nhánh ngân hàng cùng cán bộ UBND, cán bộ tổ dân phố, khu dân cư 18 phường trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Đại tá Hà Mạnh Hùng - Trưởng Công an quận Hoàn Kiếm cho biết: Trong thời gian qua, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại nhiều địa phương nói chung và quận Hoàn Kiếm nói riêng, gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và đời sống Nhân dân.
Các đại biểu dự hội nghị |
Đáng chú ý là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng diễn biến phức tạp, có xu hướng phát triển mạnh, tăng cả về số lượng, mức độ nguy hiểm và hậu quả thiệt hại với nhiều phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi, xảo quyệt bằng việc sử dụng công nghệ thông tin, viễn thông làm công cụ, phương tiện phạm tội.
Tính từ 15/12/2023 đến ngày 14/6/2024, Công an quận Hoàn Kiếm đã tiếp nhận 83 đơn trình báo tố giác tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản sử dụng công nghệ cao (giảm 61 vụ = 42,36% so với cùng kỳ năm trước). Tổng số tiền bị chiếm đoạt là 29,224 tỷ đồng.
Trong đó, số người bị hại có hộ khẩu thường trú trên địa bàn quận Hoàn Kiếm là 45 đơn chiếm 54% (số tiền bị chiếm đoạt 15,780 tỷ đồng). Số người bị hại ngoài địa bàn quận, nhưng thực hiện giao dịch, chuyển tiền trên địa bàn quận là 38 đơn chiếm 46% (số tiền bị chiếm đoạt 13,443 tỷ đồng).
Cơ quan Công an cũng đã xác định có 8 thủ đoạn chính mà đối tượng lừa đảo thực hiện là: Tuyển việc làm online, làm nhiệm vụ để hưởng hoa hồng cao; Giả danh nhân viên ngân hàng hướng dẫn mở thẻ tín dụng, vay tiền online; Chiếm đoạt tiền thông qua việc mua bán hàng trên mạng xã hội: 24 đơn, gây thiệt hại 3,165 tỷ đồng; Giả danh cơ quan tư pháp (giả danh Công an, VKS, Tòa án); Tạo app dịch vụ công giả mạo, hướng dẫn cập nhật thông tin vào các đường link có mã độc; Hack tài khoản zalo, facebook người quen, nhờ chuyển tiền, vay tiền; Kêu gọi góp vốn, đầu tư chứng khoán, tiền ảo: 12 đơn, gây thiệt hại 12,347 tỷ đồng; Thông báo được tặng quà, yêu cầu chuyển tiền.
Đại tá Hà Mạnh Hùng - Trưởng Công an quận Hoàn Kiếm phát biểu khai mạc hội nghị |
“Trước tình hình trên, Công an quận Hoàn Kiếm tổ chức Hội nghị sơ kết nhằm đánh giá kết quả trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn quận Hoàn Kiếm trong năm qua, đồng thời chỉ ra các phương thức, thủ đoạn, cách phòng tránh và nêu ra các mặt tồn tại, hạn chế, khó khăn vướng mắc trong công tác này. Qua đó tăng cường các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn quận Hoàn Kiếm trong thời gian tới.
Trong hội nghị này, tôi rất mong các đồng chí đại diện các đơn vị, đại diện các chi nhánh ngân hàng, các ý kiến của cán bộ cơ sở và người dân trên địa bàn quận tham gia ý kiến tham luận, chia sẻ các thông tin thiết thực để nâng cao hiệu quả phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này, đảm bảo an toàn tài sản cho người dân” - Đại tá Hà Mạnh Hùng, Trưởng Công an quận Hoàn Kiếm nhấn mạnh.
Đông đảo cán bộ tổ dân phố, khu dân cư 18 phường trên địa bàn quận Hoàn Kiếm dự hội nghị |
Thực tế cũng cho thấy, tội phạm công nghệ cao hoạt động với thủ đoạn ngày càng tinh vi, diễn biến phức tạp. Mặc dù cơ quan Công an đã triển khai nhiều biện pháp, giải pháp tuyên truyền, phòng ngừa; phối hợp với các đơn vị chức năng có liên quan, đặc biệt là các ngân hàng đóng trên địa bàn để làm tốt công tác nhận diện, phát hiện, ngăn chặn các vụ lừa đảo. Tuy nhiên, người dân vẫn chưa thực sự nâng cao ý thức cảnh giác, bảo vệ tài sản của chính mình.
Với mục tiêu ngăn chặn tối đa các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản công nghệ cao, Công an quận Hoàn Kiếm đã chỉ đạo Đội Cảnh sát điều tra phối hợp với Công an các phường thường xuyên cập nhật các thủ đoạn của tội phạm, tuyên truyền bằng nhiều hình thức đến người dân; xây dựng các chuyên đề, kế hoạch và xây dựng các mô hình tại 18 phường, yêu cầu đặt ra là mỗi chiến sĩ Công an là một tuyên truyền viên, trong đó nâng cao vai trò của lực lượng Cảnh sát khu vực.
Ghi nhận tại phường Lý Thái Tổ, Chỉ huy đơn vị cho biết, cứ 10 người lại có 6-7 người nhận được các cuộc gọi lừa đảo của tội phạm công nghệ cao và với những chiêu thức, thủ đoạn tinh vi, biến đổi liên tục nên người dân khó có thể nắm bắt hết được.
Do vậy, Công an phường đã chủ động tổ chức các buổi tuyên truyền công khai tại các khu dân cư, cơ quan, doanh nghiệp đóng trên địa bàn với nguyên tắc “2 không”: “Không nghe các cuộc điện thoại từ người lạ; Không làm theo bất cứ hướng dẫn nào thông qua điện thoại”.
Ngoài ra, mỗi Cảnh sát khu vực lại phụ trách nhóm Zalo tổ dân phố do mình theo dõi, quản lý, do vậy, vào mỗi buổi sáng sẽ gửi tin nhắn cảnh báo đến các nhóm. Công việc này được xem như cơm ăn, nước uống hàng ngày của mỗi cán bộ chiến sĩ Công an phường Lý Thái Tổ. Trong trường hợp người dân nhận được các cuộc gọi lạ, việc đầu tiên là sẽ gọi điện thoại cho Cảnh sát khu vực để xác minh. Dù điện thoại của Cảnh sát khu vực luôn “nóng”, nhưng qua đó cũng đã góp phần ngăn chặn kịp thời các vụ lừa đảo công nghệ cao.
Tài liệu tuyên truyền phòng chống tội phạm lừa đảo công nghệ cao được Công an quận Hoàn Kiếm phát đến từng đại biểu |
Hay mới đây, Công an phường Cửa Đông đã phối hợp với ngân hàng BIDV chi nhánh Thành Đô - Phòng giao dịch Lý Nam Đế, tại 34D Lý Nam Đế, phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, ngăn chặn vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới hình thức giả danh Công an, gọi điện đe dọa cụ bà 80 tuổi đang sinh sống trên địa bàn phường.
Do thường xuyên được Công an phường Cửa Đông tập huấn cách nhận diện nạn nhân của các vụ lừa đảo công nghệ cao, cùng sự tận tụy của nhân viên ngân hàng nên vụ việc nhanh chóng được giải quyết, bảo toàn số tiền hơn 400 triệu đồng cho người dân.
Chị Nguyễn Cẩm Vân, nhân viên ngân hàng BIDV chi nhánh Thành Đô - Phòng giao dịch Lý Nam Đế (phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm), chia sẻ câu chuyện ngăn cụ bà 80 tuổi định chuyển tiền cho các đối tượng lừa đảo giả danh cán bộ công an |
Cũng tại hội nghị, đại diện các chi nhánh ngân hàng đóng chân trên địa bàn quận đã chia sẻ những câu chuyện về việc phối hợp với Công an quận Hoàn Kiếm, Công an các phường kịp thời ngăn chặn các vụ việc người dân bị đối tượng lừa đảo giả danh cơ quan Công an, Viện kiểm sát… để thao túng tâm lý, buộc người dân tự động đi chuyển hàng tỷ đồng cho các đối tượng lừa đảo mà không dám hé lộ với bất cứ ai.
Đặc biệt là câu chuyện của chính nạn nhân trẻ tuổi bị lừa hàng tỷ đồng khi tham gia đầu tư qua mạng, chỉ đến khi không còn chỗ vay mượn, phải cầu cứu gia đình và cơ quan công an thì mới biết mình bị lừa đảo. Sau khi tiếp nhận trình báo, Công an quận Hoàn Kiếm đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Công an TP Hà Nội và Bộ Công an triệt phá, bắt giữ nhiều đối tượng trong ổ nhóm lừa đảo.
Thông qua những chia sẻ, các câu chuyện thực tế đã xảy ra, các cán bộ chiến sỹ Công an quận, Công an các phường và các cán bộ tổ dân phố, khu dân cư nhận diện được các phương thức, thủ đoạn và cách phòng tránh đối với loại tội phạm lừa đảo công nghệ cao, từ đó sẽ là một tuyên truyền viên để thường xuyên tuyên truyền cho cho gia đình, bạn bè và mọi người xung quanh cách phòng tránh tội phạm.
Đại diện các chi nhánh ngân hàng đóng chân trên địa bàn quận dự và chia sẻ các biện pháp tuyên truyền phòng ngừa tội phạm lừa đảo công nghệ cao |
Phát biểu bế mạc hội nghị, Thượng tá Nguyễn Quang Hội - Phó Trưởng Công an quận Hoàn Kiếm yêu cầu trong thời gian tới các cán bộ, chiến sỹ Công an quận, Công an 18 phường trên địa bàn tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp tăng cường công tác tuyên truyền phòng ngừa tội phạm nói chung và tội phạm lừa đảo bằng công nghệ cao nói riêng; đề xuất cung cấp các thông tin đến các cơ quan báo, đài để kịp thời tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn tội phạm…
Lãnh đạo Công an quận Hoàn Kiếm cũng đề nghị các chi nhánh ngân hàng trên địa thường xuyên cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo của tội phạm cho các khách hàng đến giao dịch chuyển tiền, rút tiền. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn khách hàng có biểu hiện bị đối tượng lừa đảo lợi dụng thao túng tâm lý để chiếm đoạt tiền.
Các đơn vị nhanh chóng phong tỏa tài khoản khi có yêu cầu của khách hàng hoặc cơ quan Công an theo quy định; giúp đỡ Công an quận Hoàn Kiếm khi có Công văn đề nghị để phối hợp xác minh, sao kê tài khoản.
“Đối với các đồng chí là lãnh đạo UBND các phường và các bác là Bí thư chi bộ, Tổ trưởng các tổ dân phố… thông qua các buổi giao ban, cuộc họp, sinh hoạt tại cơ quan, địa bàn cơ sở tăng cường công tác tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên, người dân trên địa bàn nâng cao cảnh giác không để tội phạm lừa đảo lợi dụng chiếm đoạt tài sản”, đại diện lãnh đạo Công an quận Hoàn Kiếm nhấn mạnh.