Sau gần thế kỷ, vở kịch nổi tiếng “R.U.R.” đến với độc giả Việt Nam
Vở kịch nổi tiếng “R.U.R - Các robot toàn năng của Rossum” được nhà văn Karel Čapek (1890 -1938) viết năm 1920, một năm sau vở kịch lần đầu được dựng. Như vậy, đến nay gần tròn 1 thế kỷ, vở kịch R.U.R. đã được xuất bản ở Việt Nam.
Đối với nhiều thế hệ độc giả, K. Čapek là một đại diện của tư tưởng chống lại ý thức hệ áp đặt, là biểu tượng về lòng khoan dung và các giá trị dân chủ, cũng như tự do nghệ thuậtvà tự do tư tưởng. Tác phẩm của ông luôn tràn đầy màu sắc tươi tắn, sự châm biếm sâu sắc, ăm ắp những tiếng cười, nhưng trên tất cả là tính nhân văn và những giá trị nhân bản. Bởi chỉ có tình yêu mới có thể giúp nhân loại đứng vững và vượt qua những tao loạn của thời đại, những cuộc chiến phi nghĩa, và cả sự áp bức của chế độ độc tài.
Vở kịch dày 170 trang, gồm 4 màn. Theo nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, chính bắt đầu từ vở kịch này (viết 1920, dựng lần đầu 1921) cái tên “robot” chỉ những người máy nhân tạo đã được khai sinh. Theo như Karel Čapek cho biết, thoạt đầu ông định gọi những sinh vật máy đó là laboři (lao động, làm lụng), nhưng thấy nó có vẻ giả tạo, nên đã hỏi ý kiến người anh là họa sĩ và nhà văn Josef Čapek và đã được gợi ý dùng từ roboti (robot trong tiếng Anh). Từ robot phát sinh từ robota, nghĩa là “lao động nặng nhọc, lao dịch”. Khi Karel Čapek viết vở kịch của mình, ngành chế tạo robot chưa có. Cho đến nay, ngành này đang phát triển mạnh, và các robot đã bắt đầu thay thế con người trong một số lĩnh vực. Nhưng các robot hiện nay chỉ đơn thuần là những máy móc cơ học, khác với robot trong vở kịch của Karel Čapek.
Vở kịch “Các robot toàn năng” đã báo trước những bộ phim tấn giả tưởng sau này (Kẻ Hủy Diệt, Ma Trận) nói về tương lai loài người. Karel Čapek đã đẩy tới tận cùng nguy cơ này, loài người bị diệt vong trong “cuộc cách mạng robot”. Chỉ còn lại một con người tự nhiên được sống là Alquist vì các robot cầm đầu thấy anh có cánh tay như robot và hy vọng anh có thể tìm lại được công thức làm cho robot thành người. Alquist được chính quyền robot cho phép mổ các robot để nghiên cứu. Nhưng khi chứng kiến tình yêu của cặp robot Primus và Helena, cả hai tranh nhau được mổ thay cho nhau, Alquits đã thấy ở đó là Adam và Eva mới, và cuộc sống sẽ lại bắt đầu từ tự nhiên. Vở kịch kết lại bằng tiếng nói hân hoan của Alquist: “Thiên nhiên ơi, Thiên nhiên ơi, sự sống không chết. Sự sống lại bắt đầu từ tình yêu, bắt đầu từ cái nhỏ bé và trần truồng, sẽ bắt rễ từ trong hoang sơ; và những cái chúng ta đã làm ra và xây dựng nên sẽ không có ý nghĩa gì với nó, các thành phố và nhà máy sẽ vô ích, nghệ thuật của chúng ta sẽ vô bổ, những tư tưởng triết học của chúng ta sẽ vô nghĩa, và rõ ràng là sự sống không chết! Chỉ có chúng ta đã chết. Nhà cửa và máy móc sẽ đổ vỡ, các hệ thống sẽ tan vỡ, và nhất là những tên tuổi vĩ đại sẽ rơi rụng như lá cây; chỉ có mi, tình yêu ơi, mi sẽ nở hoa trên đống đổ nát, và sẽ tặng cho gió hạt giống của sự sống”.
“Đến lúc phải đọc lại Čapek rồi, vì tiếng cười vô ưu mà ông gây ra, và vì nỗi khốn khổ mù quáng của con người ở bên dưới tiếng cười ấy”– Arthur Miller từng nói.
Còn theo nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, vở kịch R.U.R. đến Việt Nam qua bản dịch từ nguyên bản tiếng Czech của Phạm Công Tú sau gần một thế kỷ nó được viết ra, vẫn còn nguyên ý nghĩa và giá trị nghệ thuật, triết học hôm nay. Và cùng với những tác phẩm khác của ông mới được dịch sang tiếng Việt gần đây, Karel Čapek đến với chúng ta trong tầm vóc của một nhà văn Czech vĩ đại và gần gũi.