Sau những vụ án tham nhũng đều có bóng dáng cán bộ dung túng, tiếp tay
Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã có bước tiến đột phá, tính răn đe ngày càng mạnh mẽ Sáng nay, Tổng Bí thư chủ trì Hội nghị tổng kết 10 năm phòng chống tham nhũng, tiêu cực |
Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc |
Sáng nay (30/6), Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tới các điểm cầu ở Trung ương và địa phương.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc đồng chủ trì hội nghị.
Tham dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành ở Trung ương, lãnh đạo các địa phương…
Phải đặc biệt chú trọng công tác cán bộ
Sau khi trình bày báo cáo tóm tắt tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN,TC) giai đoạn 2012-2022, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc đã nêu 7 bài học kinh nghiệm.
Bài học đầu tiên được nêu ra đó là, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ hệ trọng, khó khăn, phức tạp và lâu dài. Phải đặt sự lãnh đạo trực tiếp toàn diện, tập trung thống nhất của Đảng, mà trực tiếp thường xuyên là của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với quyết tâm chính trị rất cao. Hành động kiên quyết, kiên trì, thường xuyên, liên tục, không ngừng, không nghỉ ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực với những bước đi vững chắc, tích cực, chủ động và có trọng tâm, trọng điểm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
Bài học thứ hai được Trưởng Ban Nội chính Trung ương nhắc tới, thực tế thời gian qua cho thấy, đằng sau những vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực nhất là những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp kéo dài đều có bóng dáng cán bộ, công chức làm ngơ, dung túng, tiếp tay, bao che, đồng phạm, thậm chí là chủ mưu, cầm đầu. Do đó, phải đặc biệt chú trọng công tác cán bộ.
Gắn PCTN,TC với xây dựng, chỉnh đốn đảng và hệ thống chính trị. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nhất là, phải đánh giá lựa chọn, bố trí cán bộ trước hết là cán bộ lãnh đạo quản lý, vừa phải tăng cường quản lý giáo dục phòng chống suy thoái về tư tưởng chính trị đạo đức lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Phải biến hàng vạn con mắt cảnh giác của quần chúng thành “những ngọn đèn pha"
Bài học thứ 3 là phải kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý kịp thời đồng bộ nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực. Trong đó, phòng ngừa là chính, cơ bản, lâu dài; phát hiện xử lý là quan trọng, cấp bách. Phải xây dựng cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để không thể tham nhũng, tiêu cực. Cơ chế răn đe, trừng trị nghiêm khắc để không dám tham nhũng, tiêu cực. Xây dựng văn hóa liêm chính để không muốn tham nhũng, tiêu cực và cơ chế đảm bảo để không cần tham nhũng, tiêu cực.
Kịp thời phát hiện giải quyết từ sớm, ngăn chặn từ đầu không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn. Tiến hành đồng bộ giữa kỷ luật của đảng, kỷ luật hành chính nhà nước, kỷ luật của đoàn thể và xử lý hình sự.
Kỷ luật của Đảng phải thực hiện trước, lấy giáo dục răn đe, phòng ngừa làm chính, kết hợp trừng trị với khoan hồng; đồng thời bảo vệ, khuyến kích những người dám nghỉ, dám làm, đổi mới, sáng tạo vì sự nghiệp chung.
Bài học thứ tư là, quyền lực luôn luôn có nguy cơ bị tha hóa, tham nhũng, tiêu cực là một trong những khuyết tật bẩm sinh của quyền lực do đó phải tăng cường và nâng cao hiệu quả kiểm soát quyền lực. Cán bộ, công chức, viên chức phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện thường xuyên tự soi, tự sửa, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực thi nhiệm vụ quyền hạn của cán bộ, công chức, viên chức. Các lĩnh vực chuyên môn sâu khép kín, bí mật thì càng phải chú trọng kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, nhất là kiểm tra, giám sát từ bên ngoài.
Bài học thứ năm là, chú trọng nâng cao năng lực và hoạt động phát huy vai trò nòng cốt và phối hợp chặt chẽ đồng bộ, nhịp nhàng của các cơ quan chức năng phòng chống tham nhũng, tiêu cực, bảo đảm sự liêm chính, của đội ngũ cán bộ công chức trong các cơ quan này.
Toàn cảnh Hội nghị |
Trưởng Ban Nội chính Trung ương nhắc tới bài học thứ 6 là việc phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, nhất là phát huy vai trò trách nhiệm của cơ quan đại biểu dân cử, mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội, Nhân dân và báo chí, doanh nghiệp, doanh nhân trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
“Không có sức mạnh nào bằng sức mạnh của Nhân dân. Không có gì mà Nhân dân không biết, do đó không có gì có thể qua mắt được Nhân dân. Sự đồng lòng ủng hộ của Nhân dân là thước đo niềm tin đối với sự lãnh đạo của Đảng.
Vì vậy, phải biến hàng vạn, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành “những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp như Bác Hồ đã dạy”, Trưởng Ban Nội chính Trung ương nhấn mạnh.
Bài học thứ bảy được Trưởng Ban Nội chính Trung ương nhắc tới đó là, các giải pháp phòng chống tham nhũng tiêu cực phải phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN Việt Nam.
Phải phòng chống tham nhũng, tiêu cực cả trong khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước; tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của nước ngoài, kế thừa kinh nghiệm của các nhiệm kỳ trước, thường xuyên tổng kết đúc rút kinh nghiệm, không ngừng đổi mới tư duy, hoàn thiện lý luận về hoàn thiện hệ thống lý luận về phòng, chống tham nhũng của Việt Nam.