Sau những vụ sạt lở kinh hoàng, Quảng Nam vẫn cho phép xây dựng thủy điện tại Nam Trà My
Thi công mặt bằng Nhà máy Thủy điện Đắk Di 2 (Ảnh: namtiengroup.com) |
Trước đó, ngày 15/10, tại buổi họp báo thông tin về định hướng phát triển tỉnh Quảng Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã có phát biểu: Quảng Nam khẳng định sẽ không phát triển thêm thuỷ điện, đồng thời nghiên cứu phục hồi rừng tự nhiên do xây dựng đập thuỷ điện.
Đó là một phát biểu gây chút ý dư luận, bởi trước đó vài ngày, liên tiếp hai vụ sạt lở liên quan đến thuỷ điện Rào Trăng 3 tại Thừa Thiên - Huế vùi lấp 30 người đã gióng lên hồi chuông cảnh báo mạnh mẽ về hệ lụy từ việc phát triển ồ ạt thuỷ điện, nhất là thuỷ điện vừa và nhỏ.
Đúng một tháng sau (ngày 15/11), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quảng Bửu tiếp tục khẳng định với báo chí: “Chúng tôi sẽ không đánh đổi môi trường để xây dựng thêm thủy điện”.
Phát ngôn này của ông Bửu có thể ít nhiều “ghi điểm” trong dư luận và người dân Quảng Nam, vì được đưa ra sau một loạt vụ sạt lở nghiêm trọng tại hai huyện Nam Trà My và Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam) mà đến nay vẫn còn hơn 10 người bị mất tích.
Lực lượng chức năng tìm kiếm nạn nhân trong vụ sạt lở kinh hoàng tại xà Trà Leng, huyện Nam Trà My |
Trái lại, 5 ngày sau đó (ngày 20/11), UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Quyết định số 3272 cho phép Công ty Cổ phần Tư vấn và Phát triển điện Cửu Long (Công ty Cửu Long) thuê 31.524m2 đất để xây dựng Nhà máy thủy điện Đắk Di 2 tại xã Trà Don và xã Trà Nam, huyện Nam Trà My (đợt 2).
Trước đó, vào tháng 6/2020, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã ký Quyết định số 1702 cho phép Công ty Cửu Long thuê 73.804m2 đất để làm thủy điện (đợt 1). Như vậy, tổng diện tích đất mà tỉnh Quảng Nam đã đồng ý cho Công ty Cửu Long thuê để làm thủy điện Đắk Di 2 là 105.328m2.
Điều đáng nói, Dự án Nhà máy thuỷ điện Đắk Di 2 nằm trên 2 xã Trà Nam và Trà Don, gần với xã Trà Vân. Xã Trà Vân, nơi đã xảy ra vụ sạt lở núi làm 8 người chết, 12 người bị thương vào trưa 28/10.
Hai xã này còn nằm trong danh sách 15 điểm có nguy cơ cao về sạt lở, theo nghiên cứu mới công bố hồi đầu tháng 11/2020 của Viện Khoa học thủy lợi miền Trung và Tây Nguyên. Hơn nữa, đây là những vùng được các chuyên gia khuyến cáo là gặp bất lợi về tổ hợp địa hình địa chất, không thích hợp để làm thuỷ điện.
Chiếu theo những phát ngôn trước đó, rõ ràng lãnh đạo tỉnh này đang “nói một đàng, làm một nẻo”. Điều này dễ gây bức xúc trong dư luận khi mà những vụ sạt lở đất kinh hoàng vừa diễn ra gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản.
Đồng thời đi ngược với chủ trương chung của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc là “không đánh đổi môi trường để đổi lấy kinh tế, gây ảnh hưởng cho người dân”.
Được biết, Thủy điện Đắk Di 2 có công suất lắp máy 20 MW, sản lượng điện hằng năm đạt hơn 50 triệu KWh, tổng vốn đầu tư hơn 252 tỷ đồng do CTCP Tư vấn và Phát triển điện Cửu Long làm chủ đầu tư có địa chỉ tại thôn 1, xã Trà Mai, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam.
Ngoài dự án này, CTCP Tư vấn và Phát triển điện Cửu Long còn là chủ đầu tư Dự án thủy điện Đắk Di 1 nằm ở hai xã Trà Nam và Trà Dơn cùng huyện Nam Trà My, có công suất lắp máy 16 MW, với sản lượng điện cung ứng hằng năm đạt 71 triệu KWh, tổng vốn đầu tư hơn 331 tỷ đồng.