Saudi Arabia “mất điểm” nghiêm trọng
Thái tử Mohammed bin Salman tham dự Hội nghị Sáng kiến Đầu tư Tương lai (FII) năm 2017
Ngày 20/10, chỉ ba ngày trước khi Hội nghị Sáng kiến Đầu tư Tương lai (FII) chính thức khai mạc, Saudi Arabia đã tìm cách xoa dịu dư luận bằng cách thừa nhận nhà báo Jamal Khashoggi đã thiệt mạng sau một cuộc “ẩu đả” trong khuôn viên lãnh sự quán ở Istanbul. Tuy nhiên, động thái này cũng không giúp Saudi Arabia gỡ gạc lại những tổn thất to lớn mà Hội nghị lần này phải hứng chịu từ làn sóng giận dữ của dư luận quốc tế, theo AFP.
Đại diện hàng loạt tổ chức thương mại và doanh nghiệp hàng đầu thế giới như Uber, JP Morgan, Ford… đã bày tỏ quan ngại sâu sắc trước vụ việc nhà báo Khashoggi và tuyên bố rút lui với lý do “không còn phù hợp” để tham dự. Trong khi đó, các hãng thông tấn lớn như CNN, Financial Times, New York Times, CNBC và Bloomberg đều đã từ chối tham dự Hội nghị trên. Phía Ban tổ chức FII cũng tuyên bố Hội nghị dự kiến có sự tham gia của 120 diễn giả và đại biểu, thay vì 150 đại biểu như đã công bố.
Diễn ra từ ngày 23 - 25/10 tại thủ đô Riyadh, Hội nghị Sáng kiến Đầu tư Tương lai (FII) được đánh giá là sự kiện lớn của Saudi Arabia. Đây là cơ hội để thu hút đầu tư quan trọng cho dự án Tầm nhìn 2030, “đứa con tinh thần” của Thái tử Mohammed bin Salman, trong bối cảnh Saudi Arabia nỗ lực đa dạng hóa nền kinh tế vốn phụ thuộc vào dầu mỏ.
Nhà báo Jamal Khashoggi |
Việc một hội nghị uy tín như FII bị tẩy chay được đánh giá là sẽ gây rắc rối cho các nhà hoạch định chính sách tại Riyadh. “Chưa nói đến cải cách, dòng vốn FDI vào Saudi Arabia đã ở mức thấp và vụ bê bối Khashoggi sẽ càng khiến tương lai mịt mờ hơn”, đại diện hãng nghiên cứu Capital Economics cho biết. Theo các chuyên gia phân tích, các công ty hàng đầu thế giới như Goldman Sachs, JP Morgan… không muốn tên tuổi của hãng gắn với sự không ổn định, không chắc chắn.
Ngoài ảnh hưởng trực tiếp tới hội nghị đầu tư quan trọng trên, Riyadh cũng phải hứng chịu những phản ứng tiêu cực từ chính quyền các nước phương Tây. Ngoại trưởng Đức Heiko Maas hôm 20/10 cho biết, Đức đang đánh giá lại việc bán vũ khí cho Saudi Arabia sau khi chính quyền nước này thừa nhận nhà báo Jamal Khashoggi đã chết bên trong lãnh sự quán Saudi Arabia tại Istanbul. Tuyên bố này đã cho thấy sự cứng rắn của Đức đối với Saudi Arabia, một trong những khách hàng mua vũ khí lớn nhất.
Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông chưa thỏa mãn với cách giải quyết của Saudi Arabia liên quan đến cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi. Không quên khẳng định Saudi Arabia là “một đồng minh tuyệt vời”, Tổng thống Trump vẫn tuyên bố Mỹ chắc chắn sẽ có phản ứng, bởi “những gì xảy ra là không thể chấp nhận được”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt tay với Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman trong cuộc gặp diễn ra tại Washington hồi đầu năm nay (Ảnh: AFP) |
Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) yêu cầu tiếp tục tiến hành một cuộc điều tra minh bạch, toàn diện và đáng tin cậy về cái chết của nhà báo Khashoggi, đảm bảo trách nhiệm giải trình đầy đủ của những người liên quan. New Zealand thông báo sẽ không cử đại diện tham dự hội nghị, còn Canada mô tả lời giải thích của Saudi Arabia là “không nhất quán và không đáng tin cậy”…
Đối với cá nhân Thái tử Saudi Arabia, vụ việc trên như một cuộc “khủng hoảng truyền thông” mà Thái tử Mohammed bin Salman phải đối mặt, theo nhận định của tổ chức Eurasia Group. Liên quan tới vụ việc này, Phó giám đốc Cơ quan tình báo Ahmad al-Assiri và ông Saud al-Qahtani, phụ tá cao cấp cho Thái tử Mohammed bin Salman đã bị sa thải.
Theo các phương tiện truyền thông, Thái tử Mohammed bin Salman được ca ngợi với những cải cách mới nhất, trong đó có việc cho phép phụ nữ lái xe và tham dự các sự kiện thể thao nhưng đằng sau đó, vị Thái tử quyền lực này cũng bị cáo buộc đã cho bắt giữ và phạt tù những nhà hoạt động vì quyền phụ nữ.
Dự án cải cách "Tầm nhìn 2030" của Thái tử Mohammed bin Salman cho phép nữ giới Saudi Arabia quyền được lái xe và tham gia các sự kiện thể thao, giải trí |
Trên cương vị là Bộ trưởng Quốc phòng, Thái tử cũng đang theo đuổi cuộc chiến tại Yemen kéo dài ba năm nay. Đây được gọi là thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất thế kỷ 21, có nguy cơ khiến 8 triệu người lâm vào nạn đói, theo thống kê của Liên hợp quốc. Người thừa kế của Saudi Arabia cũng vấp phải nhiều tai tiếng sau vụ việc bắt giữ các hoàng thân Saudi. Tháng 11/2017, 200 người đã bị bắt giữ tại khách sạn Ritz-Carlton, thủ đô Riyadh, trong một động thái được cho là nhằm củng cố quyền lực của Thái tử.
Vụ việc nhà báo Khashoggi (người không ngần ngại chỉ trích Thái tử và các chính sách ngoại giao của Saudi Arabia) “mất tích” đang là mối đe dọa khiến những nỗ lực cải thiện hình ảnh mà Thái tử gây dựng bấy lâu nay có nguy cơ “đổ bể”.