Sinh viên Bách khoa “làm chủ” công nghệ 3D
Nhóm sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội - chủ nhân của dự án giành giải cao nhất khối sinh viên cuộc thi SV - STARTUP 2019
Bài liên quan
Bằng đại học mới sẽ không còn phân biệt loại hình đào tạo
Thầy 9X và bí quyết “dạy Văn không ru ngủ”
Việt Nam - Vương quốc Anh: Đẩy mạnh hợp tác giáo dục
Hà Nội chưa thu học phí qua thẻ trong tháng 12
Ý tưởng từ nhu cầu thực tiễn
Nhóm dự án gồm 5 thành viên: Nguyễn Thành Quyết, Nguyễn Khánh Tùng, Ngô Văn Kiên, Bùi Đức Toàn, Hán Thị Thu Thảo đến từ chuyên ngành Cơ điện tử và Máy chính xác của Đại học Bách khoa.
Chia sẻ về dự án, Nguyễn Thành Quyết – trưởng nhóm tự hào: “Trong quá trình học tập, chúng mình nhận thấy rất nhiều tiềm năng của công nghệ 3D có thể ứng dụng vào đời sống và giúp ích cho xã hội. Được sự tư vấn của các thầy cô trường Đại học Bách Khoa Hà Nội và được Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đặt vấn đề về thị trường xương nhân tạo tại Việt Nam, nhóm đã đưa vào nghiên cứu công nghệ để có thể sử dụng được vật liệu y sinh ứng dụng vào y tế”.
Nói rõ hơn, Quyết cho biết, từ thực tế cuộc sống, anh và các bạn nhận thấy, nước ta hiện nay, tỉ lệ tai nạn giao thông và tai nạn lao động liên quan đến chấn thương sọ não chiếm tỉ lệ lớn. Trong số những vụ tai nạn đó, có rất nhiều trường hợp bệnh nhân gặp phải tình trạng vỡ, mất đi một phần của hộp sọ. Ngoài ra còn những trường hợp bệnh nhân làm phẫu thuật liên quan đến sọ não có thể gặp những tình trạng khuyết hổng xương vòm sọ.
“Ở Việt Nam và trên thế giới đã có những biện pháp vá hộp sọ bằng những mảnh vá tự thân hay nhân tạo nhưng những biện pháp đó vẫn tồn tại những hạn chế. Đối với miếng vá tự thân, nhược điểm của phương pháp này là giá thành cao, kỹ thuật điều trị phức tạp và dễ xảy ra nguy cơ hoại tử, tiêu biến, gây nguy hiểm cho não. Đối với các miếng vá nhân tạo, các nhà khoa học đã sử dụng giải pháp tạo miếng vá bằng titan có độ bền cao nhưng vẫn tồn tại những nhược điểm như giá thành cao, nặng nề và dễ hấp thụ nhiệt độ”, Quyết chia sẻ.
Từ đó, anh và các bạn của mình muốn ứng dụng công nghệ 3D để thiết kế, chế tạo vật liệu y sinh thay thế phần khuyết xương phục vụ y tế và chế tạo giáo cụ trực quan phục vụ giáo dục.
Là thành viên nữ duy nhất của dự án, Hán Thị Thu Thảo – sinh viên chuyên ngành Máy chính xác K60 chia sẻ: “Dự án được chúng mình bắt đầu thực hiện là từ tháng 4/2017 tính đến nay được 2,5 năm. Trong quá trình nghiên cứu, nhóm đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc nghiên cứu, thử nghiệm. Vì sản phẩm sẽ sử dụng trực tiếp trên cơ thể người nên phải đảm bảo cơ tính, an toàn, thẩm mỹ,.. Thật may mắn vì chúng mình đã nhận được sự tư vấn, giúp đỡ của các thầy cô (thầy PGS.TS.Nguyễn Văn Vinh và cô TS.Nguyễn Thị Kim Cúc) để qua nhiều lần thử nghiệm mới có thể làm ra sản phẩm. Bên cạnh đó, đôi lúc, giữa các thành viên trong nhóm xảy ra bất đồng qua điểm, có những lúc còn muốn từ bỏ. Tuy nhiên, sau đó, các thành viên đều ngồi lại cùng nhau để giải quyết và đưa dự án đi đến giờ phút này”.
Nhóm sinh viên thực hiện dự án và các thầy cô hướng dẫn |
Tiết kiệm chi phí, tiên phong làm chủ công nghệ
Lợi thế cạnh tranh chính của sản phẩm là việc đi tiên phong trong lĩnh vực thiết kế, gia công chế tạo nhựa PEEK và PMMA y sinh ở Việt Nam.
Quyết cho biết: “Hiện nay, ở nước ta, công nghệ để chế tạo các mảnh vá hộp sọ hay các khớp xương nối tay chưa có, chủ yếu vẫn là nhập ngoại. Nếu chỉ đơn thuần sử dụng các phương pháp gia công hiện có để chế tạo một mảnh vá xương hộp sọ thì quá phức tạp và chi phí cao. Để làm ra thành phẩm một chi tiết theo quá trình này mất khoảng 55.000.000 đồng chưa kể chi phí phẫu thuật. Còn với công nghệ in 3D sử dụng nhựa PEEK giúp tiết kiệm được các bước phay và các bước về khuôn giúp chi phí giảm tới hơn 30.000.000 đồng và còn mang đến nhiều những ưu điểm khác”.
Tính đến hiện tại, dự án đã chế tạo thành công sản phẩm và đã được cấy ghép cho 10 bệnh nhân, bệnh nhân lâu nhất là 2 năm hiện nay có thể sinh hoạt như người thường.
Nhóm 5 bạn trẻ là những người đi tiên phong trong việc sử dụng vật liệu y sinh chế tạo các mảnh vá xương thay thế cho cơ thể người.
Không chỉ vậy, trong quá trình nghiên cứu sản phẩm để làm mẫu cho y học, nhóm đã sử dụng công nghệ in 3D nhựa thường có thể tận dụng để phục vụ in giáo cụ trực quan, các mô hình dạy học STEAM.
Đối tượng khách hàng của dự án được mở rộng đến những học sinh, giáo viên cần có những công cụ dạy và học tốt hơn, dự án sẽ mang lại những giải pháp mới và hữu ích, mang lại những giá trị trực tiếp cho khách hàng. Việc ứng dụng các giải pháp công nghệ trong những nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống cũng góp phần thúc đẩy sự phát triển của công nghệ, tạo tiền đề để phát triển nhiều công nghệ hữu ích và cần thiết khác.
Chia sẻ về định hướng trong tương lai của dự án, Thành Quyết cho biết: “Dự án đang trong thời gian thử nghiệm để có thể đưa ra thị trường. Chúng mình sẽ tiếp tục nghiên cứu, phát triển để có được giải pháp tốt nhất, sản phẩm hoàn thiện nhất tới tay người bệnh. Mục tiêu, trong 5 năm tới dự án sẽ thâm nhập vào thị trường, trước mắt sẽ ứng dụng tại Đại học Y Hà Nội giúp nhiều bệnh nhân có thể sử dụng hơn. Sau đó, chúng mình muốn đưa sản phẩm sử dụng tại các bệnh viện lớn tại Hà Nội như Bệnh viện Việt - Đức, Bệnh viện Chợ Rẫy,…Xa hơn là cung cấp cho thị trường xương nhân tạo toàn miền Bắc”.
Cuộc thi SV- STARTUP được tổ chức với quy mô trên toàn quốc. Năm nay, có hơn 200 Đại học, Học viện, các trường Đại học, Cao đẳng sự phạm; Trung cấp sư phạm, Trung học phổ thông tham gia cuộc thi, tiếp cận được trên 200.000 HSSV.
Sau khi phát động từ tháng 6 đến tháng 9/2019, cuộc thi đã nhận được gần 300 bài dự thi chất lượng, đa dạng, tập trung vào các lĩnh vực: công nghệ, giáo dục, y tế, xã hội… Trong đó, có 68 dự án xuất sắc nhất được lọt vào cuộc thi chung kết vòng Đối đầu. Ban giám khảo đã tiếp tục chọn ra 15 đội vào vòng Phản biện để thuyết trình trực tiếp về dự án của mình.
Kết quả chung cuộc, Ban tổ chức đã trao 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải ba và 4 giải khuyến khích cho các dự án khối sinh viên, trao 1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 1 giải Ba, 2 giải khuyến khích cho các dự án khối học sinh phổ thông. Ban tổ chức cũng trao giải cho 2 gian trưng bày dự án ấn tượng nhất.
Ở khối sinh viên, giải Nhất (100 triệu đồng) thuộc về dự án "Ứng dụng công nghệ 3D chế tạo sản phẩm y tế và giáo dục" - Đại học Bách khoa Hà Nội. Khối học sinh phổ thông, giải Nhất (50 triệu đồng) thuộc về dự án "Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Nano Resveratrol" - THCS & THPT Quốc tế Thăng Long, THPT Phan Đình Phùng, THPT Việt Đức - Hà Nội.