"Sợ xấu" khi xuất hiện trên mạng xã hội
Người trẻ và "cơn nghiện" từ mạng xã hội |
Mặc định cứ mỗi lần đăng một tấm ảnh lên mạng xã hội là phải đẹp, phải xinh là suy nghĩ của rất nhiều người, đặc biệt là những người trẻ đang dùng nền tảng này. Chăm chút từ bối cảnh, trang phục, tạo dáng cho đến tốn nhiều thời gian để chỉnh sửa ảnh khiến người trẻ đang dần quên đi những giá trị thực.
Áp lực tạo dựng hình ảnh về “cuộc sống hoàn hảo” trên mạng xã hội đang ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và tinh thần của giới trẻ. Nhiều bạn trẻ cho biết, họ luôn lo sợ “bị quên lãng” và thường xóa những tấm ảnh không có nhiều lượt thích để tránh bị coi là “không hoàn hảo”.
Ngọc Ánh (22 tuổi, sinh viên năm cuối một trường đại học tại Hà Nội) là một tín đồ của mạng xã hội. Mỗi ngày, cô gái trẻ hầu hết thời gian để lên mạng để tìm kiếm thông tin, nói chuyện, tán gẫu cùng bạn bè. Ánh cũng thường xuyên đăng tải những bức ảnh của mình lên trang cá nhân. Trung bình mỗi tuần, Ánh sẽ đăng từ 3 - 5 tấm ảnh của bản thân lên mạng xã hội.
Sợ bị quên lãng hay không hoàn hảo đang trở thành áp lực khiến nhiều người trẻ "phải đẹp" khi xuất hiện trên mạng xã hội |
“Mỗi lần đi đâu đó hay muốn chụp ảnh, mình sẽ chụp vài trăm tấm, sau đó mình lọc lấy 4,5 tấm ưng ý nhất để chỉnh màu, tạo hiệu ứng và suy nghĩ cả caption (nội dung đăng tải kèm ảnh). Rất ít khi mình sẽ đăng tất cả những ảnh đó một lần mà cứ vài ngày mình mới lại đăng một tấm. Trang cá nhân cũng là nơi mình muốn bản thân được người khác để ý nên mình khá là trau chuốt mỗi khi đăng tải ảnh”, Ngọc Ánh chia sẻ.
Là một tài khoản Facebook có khá nhiều người theo dõi, mỗi tấm ảnh khi đăng tải của Trần Linh Trang (24 tuổi, nhân viên ngân hàng) luôn có từ 2.000 đến 3.000 lượt thích, thả tim trên nền tảng này.
Linh Trang cho biết, không chỉ cần chọn bối ảnh, lựa “thần thái”, để tấm ảnh của mình được nhiều người chú ý thì Trang sẽ chọn thời gian hợp lý nhất trong ngày để đăng tải ảnh của mình lên.
“Thông thường, từ 7h30 tối trở đi, mọi người sẽ sử dụng mạng xã hội nhiều hơn sau bữa ăn và một ngày làm việc. Vì vậy, mình sẽ thường đăng ảnh lên vào khoảng 8h tối. Mình sẽ đợi mọi người comment (bình luận) một lượt, khi thấy ảnh có vẻ chậm tương tác, mình bắt đầu trả lời các bình luận để bài đăng hiện lên nhiều hơn, khi đó sẽ có nhiều người thấy hơn.
Trang cá nhân của mình thể hiện bản thân mình mà. Nếu bài đăng ít like, tương tác hoặc bạn bè có góp ý ảnh chưa đẹp thì mình sẽ xóa ngay và chỉnh sửa rồi đăng lại, mình sợ bị người ta để ý và nghĩ mình không hoàn hảo lắm”, Linh Trang nói.
Áp lực buộc “phải đẹp” bằng mọi giá mỗi khi xuất hiện trên mạng xã hội đang ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của nhiều người trẻ hiện đại |
Thất vọng và thậm chí ám ảnh về những lời đùa cợt của bạn bè vào tấm ảnh của mình đăng, sau 6 tháng, từ cân nặng 62kg, Khánh Hòa (26 tuổi, nhân viên văn phòng) đã cố gắng giảm cân nặng xuống còn 47kg để có một vóc dáng đẹp, tự tin khi đăng ảnh lên mạng xã hội.
Khánh Hòa chia sẻ: “Hồi mình còn “nặng cân”, mình thực sự sợ mỗi lần xuất hiện trên mạng xã hội. Những lời đùa cợt, trêu ghẹo của bạn bè thực sự khiến mình không thoải mái, nhiều người thậm chí còn xa lánh, không tương tác với mình.
Từ khi mình giảm cân, mình tự tin hơn nhiều mỗi khi đăng ảnh lên mạng xã hội. Mình cũng rất để ý các tương tác như xem bao nhiêu người like ảnh, bao nhiêu người thả tim… Không hiểu sao, mình rất sợ mọi người không để ý đến mình trên mạng xã hội”.
Ảnh hưởng từ những giá trị ảo và áp lực phải xinh đẹp, hoàn hảo trên mạng xã hội đang khiến nó trở thành một “căn bệnh” gây ảnh hưởng đến giới trẻ cả về thể chất lẫn tinh thần. Mạng xã hội là cần là một công cụ giải trí thay vì thay đổi cách nhìn nhận và đánh giá con người.