Người trẻ và "cơn nghiện" từ mạng xã hội
Thói quen “cày phim” thâu đêm của người trẻ Chàng trai gen Z nỗ lực đưa âm nhạc cổ điển đến gần hơn với giới trẻ |
"Cơn nghiện" khó cưỡng
Mạng xã hội được biết đến là không gian để mọi người có thể cập nhật thông tin, tin tức từ bạn bè, gia đình, các vấn đề xã hội, kết nối với những người ở xa, giải trí hay đơn giản là “giết thời gian”. Dù vậy, đang ngày càng có nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ có dấu hiệu của chứng nghiện mạng xã hội, khiến người trẻ có thể mất đi sự tự do khi bị ràng buộc với chiếc smartphone mỗi ngày. Vấn đề này thật sự xảy ra khi chúng ta dành quá nhiều thời gian cho mạng xã hội, khiến nó thành một “căn bệnh” gây ảnh hưởng đến bạn cả về thể chất lẫn tinh thần.
Theo thống kê từ Google, tính đến tháng 6 năm 2023, có 79% người dùng internet tại Việt Nam sử dụng mạng xã hội. Thời lượng trung bình một người dành ra trong một ngày để sử dụng mạng xã hội là 2h52p và gần 45% người dùng ở độ tuổi 18 - 34 kiểm tra mạng xã hội của mình ngay khi thức dậy cũng như trước khi ngủ.
Cuộc sống của người trẻ đang ngày một gắn chặt hơn với mạng xã hội |
Nghiện mạng xã hội là một khái niệm dùng để chỉ tình trạng khi người dùng dành quá nhiều thời gian cho các mạng kết nối trực tuyến. Rất khó để xác định xem một người có mắc phải chứng nghiện mạng xã hội hay không. Tuy nhiên, nếu một người dành hàng giờ liền để kiểm tra mạng xã hội thì nhiều khả năng người đó đã mắc “chứng bệnh” thời công nghệ này.
Kết thúc công việc và về nhà lúc 18 giờ nhưng đến gần 21 giờ mới bắt đầu ăn uống, tắm rửa, dọn dẹp. Đó là chuyện lặp đi lặp lại mỗi ngày của Lan Anh (25 tuổi, sống tại quận Hoàng Mai, Hà Nội). Suốt nhiều giờ liền trong ngày, Lan Anh chỉ ngồi một chỗ lướt mạng xã hội.
Các trang mạng xã hội Lan Anh thường dành nhiều thời gian nhất là Facebook và TikTok. Cô gái trẻ tiết lộ không thể sống thoải mái nếu thiếu những ứng dụng này: "Cả ngày dài mình phải làm việc, chỉ có buổi tối được rảnh để lướt mạng thỏa thích, không bị ai quản lý".
"Thỏa thích" với Lan Anh, nghĩa là không cần bận tâm đến những việc diễn ra xung quanh. Có đêm, cô vội vàng ăn uống rồi bấm điện thoại đến khuya. Mạng xã hội có sức hút mãnh liệt với cô đến mức cô thức đến 2 - 3 giờ sáng chỉ để đọc hết các bình luận trong bài đăng của những người lạ hoặc để theo dõi những sự vụ nóng đang được cư dân mạng quan tâm và tham gia bàn luận, thể hiện quan điểm cá nhân.
Lan Anh dành gần hết thời gian trong ngày bên chiếc điện thoại và mạng xã hội |
Bên cạnh việc sử dụng mạng xã hội một cách có chủ đích như tìm kiếm thông tin, liên lạc với mọi người, hiện nay nhiều người trẻ đang bị rơi vào "chiếc bẫy" dùng mạng xã hội một cách thụ động. Nhiều bạn trẻ có thói quen kiểm tra điện thoại và lướt mạng xã hội dù không cần thiết, sau đó dễ dàng bị cuốn theo những cú chạm, quên mất thời gian. Đó là chưa kể, các ứng dụng mạng xã hội không ngừng thay đổi, tiếp cận người dùng qua nhiều dạng thức mới lạ, càng lôi cuốn họ xem không ngừng.
Hậu quả khó lường
Đức Minh (24 tuổi, nhân viên marketing) chia sẻ rằng khi ngồi làm việc, anh thường tranh thủ lướt mạng đọc tin tức và tìm kiểm ý tưởng cho công việc. Ngồi cafe với mọi người, Minh cũng mở mạng xã hội ra lướt xem có gì “nóng hổi” không. Đêm nằm trên giường để ngủ, Minh thức tới gần sáng vì mải mê xem các video ngắn.
"Cứ lướt mãi, mình cảm thấy không thể dừng được cho đến khi tiếng chuông báo thức của mình reo. Nhiều hôm, mình lên kế hoạch đọc sách một tiếng rồi tập thể dục nửa giờ nhưng vừa cầm điện thoại lên mở ứng dụng, mình lại quên hết mọi thứ cần làm”, Đức Minh nói
Không thể tự kiểm soát bản thân, chàng trai trẻ quyết định gỡ cài đặt các ứng dụng mạng xã hội trên điện thoại. Nhưng không chịu được cảm giác bứt rứt, Minh cứ cài đặt lại rồi gỡ bỏ đã không biết bao nhiêu lần...
Tương tự, thường xuyên phải làm thêm ngoài giờ hành chính nên Vũ Phương Linh (27 tuổi, nhân viên văn phòng) rất khó để xem trọn một bộ phim truyền hình dài tập. Thay vì đó, Phương Linh xem những đoạn cắt nổi bật hoặc các video review của những bộ phim đó trên mạng.
Cứ về đến nhà, nằm trên giường vào buổi tối, việc lướt xem video như nhu cầu thiết yếu mà cô luôn thực hiện. Ban đầu là xem một tiếng, 3 tiếng, dần dần mỗi ngày cô đều xem những video đó trung bình 5 tiếng đồng hồ. Tuy nhiên, trong suốt quá trình đó, cô luôn thấy bất an, mỗi đoạn cắt video mới hiện ra lại khiến cô không kìm được, đồng thời nỗi sợ thức khuya dậy trễ và tinh thần uể oải lại khiến cô lo lắng.
Phương Linh từng phải trị liệu tâm lý để cai nghiện mạng xã hội |
“Nếu không bỏ được, mình sẽ lãng phí hết thời gian của mình trên đó”, Phương Linh tự nhủ. Cảm thấy bản thân ngày càng mất đi tính tự giác và kiên nhẫn, cô gái trẻ nhờ đến sự giúp đỡ của bác sĩ tâm lý, sau những phản hồi, cuộc trò chuyện và vài buổi trị liệu tâm lý, Phương Linh quyết tâm từ bỏ TikTok - nền tảng mạng xã hội đã gắn bó với cô suốt mấy năm qua.
Chuyên gia tâm lý Phạm Thị Thảo Nguyên cho biết, cơ chế hoạt động của các ứng dụng mạng xã hội cũng như cách người dùng sử dụng những ứng dụng đó khiến cho ngày càng có nhiều người không thể rời mắt khi bật những ứng dụng này lên.
“Ví dụ như khi chúng ta bật ứng dụng TikTok, thông tin đầu tiên thu được đến từ thị giác và thính giác. Hình ảnh bắt mắt và nhạc nền trước tiên sẽ kích thích não tạo ra khoái cảm, sau đó suy nghĩ hợp lý về nội dung của video.
Vì vậy, ngay cả khi nội dung của video này không có gì mới, người xem vẫn có thể nhận được một số phản hồi tích cực, dễ chịu nhất định. Ngay cả khi dừng chuyển động trượt để chuyển video mới vì nhiều lý do khác nhau, cài đặt phát tự động sẽ khiến người xem ngạc nhiên và xem những video 15 giây hoặc 1 phút tiếp theo.
Có nhiều cách giúp chúng ta cân bằng việc sử dụng mạng xã hội để sống một cách hạnh phúc hơn. Người dùng nên giảm thời gian sử dụng mạng xã hội và tập thể dục vào thời gian giảm đó, dành thời gian nhiều hơn cho những người xung quanh, tận dụng mọi cơ hội có thể trò chuyện trực tiếp với bạn bè và người thân thay vì sử dụng mạng xã hội để trò chuyện. Khi cảm thấy thường xuyên ở trạng thái tiêu cực, nên gặp gỡ các bác sĩ, chuyên gia tâm lý", chuyên gia tâm lý chia sẻ.