Sóc Trăng: Tìm cơ hội bứt phá, phát triển từ thu hút đầu tư
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Văn Mẫn, cho biết đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng nhân kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Sóc Trăng; Đồng thời, tạo điều kiện cho Sóc Trăng gặp gỡ, chia sẻ, quảng bá tiềm năng, thế mạnh và cơ hội hợp tác đầu tư đến các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Hội nghị thu hút đông đảo đại biểu tham dự |
Thời gian qua, tỉnh Sóc Trăng đã khai thác hiệu quả ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh là nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu và đã xây dựng được thương hiệu quốc gia một số mặt hàng nông, thuỷ sản của tỉnh.
Trong tương lai, theo ông Mẫn, Sóc Trăng sẽ có cơ hội là cửa ngõ giao thương, kết nối vùng Đồng bằng sông Cửu Long, các nước tiểu vùng sông Mêkong qua hành lang kinh tế Đông - Tây với tuyến hàng hải quốc tế; Đồng thời, tỉnh Sóc Trăng sẽ khai thác lợi thế hành lang kinh tế ven sông Hậu kết nối khu vực kinh tế biển, để phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch, các dự án năng lượng, logistics… tạo động lực mới để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Vì vậy, tại Hội nghị này, Sóc Trăng tập trung kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực, như: Nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp và năng lượng tái tạo, thương mại, dịch vụ, du lịch, logistics và kinh tế biển…
Hội nghị thu hút đông đảo đại biểu tham dự |
Với phương châm mến khách, thấu hiểu đối tác, mong muốn đồng hành, hợp tác, phát triển bền vững, tỉnh Sóc Trăng sẽ luôn thực hiện nhất quán thông điệp “Đồng hành - Hợp tác - Phát triển”. Ông Mẫn cũng cam kết, lãnh đạo tỉnh sẽ luôn đồng hành và chia sẻ cùng nhà đầu tư trong suốt quá trình triển khai dự án, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả cao nhất.
Thông tin đến đại biểu và nhà đầu tư về kết quả thu hút đầu tư giai đoạn 2018 - 2021, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Lâu, cho biết tại Hội nghị này, tỉnh đã trao Quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư và ký biên bản ghi nhớ 25 dự án với tổng vốn 40.315 tỷ đồng.
Đến nay, 7 dự án đã đi vào hoạt động với số vốn đầu tư 2.870 tỷ đồng; 4 dự án đang triển khai xây dựng với số vốn 3.230 tỷ đồng; 2 dự án đã thực hiện thủ tục đấu giá và các dự án khác đang thực hiện các thủ tục đầu tư theo quy định.
Từ sau hội nghị, tỉnh tiếp tục đón tiếp, làm việc với hơn 500 lượt nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội hợp tác, nghiên cứu đầu tư; Qua đó, tỉnh đã thu hút được 101 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 67.500 tỷ đồng. Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các dự án đầu tư là lĩnh vực công nghiệp (với tỷ lệ 35% tổng số dự án), các nhà máy điện gió đứng thứ 2, còn lại là các dự án đầu tư trên các lĩnh vực thương mại, dịch vụ và xây dựng…
Thủ tướng tham quan các gian hàng sản phẩm đặc trưng của tỉnh Sóc Trăng |
Để tiếp tục phát huy tốt hơn nữa những kết quả đạt được, đồng thời tận dụng thời cơ thu hút đầu tư phát triển kinh tế, tỉnh Sóc Trăng định hướng thu hút đầu tư giai đoạn 2022 - 2025 theo 5 trụ cột với phương châm 4 đồng hành, gồm: Dịch vụ Logistics; Hạ tầng công nghiệp - đô thị; Nông nghiệp công nghệ cao; Du lịch và năng lượng tái tạo.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt vấn đề: “Điều gì đã tạo nên lợi thế khác biệt của Sóc Trăng? Điều gì làm chúng ta còn trăn trở để Sóc Trăng phát huy nội lực và phát huy lợi thế hơn nữa?”.
Thủ tướng mong muốn lãnh đạo các Bộ, ngành, các tỉnh, doanh nghiệp và nhà đầu tư hãy cùng trao đổi thẳng thắn và đưa ra những giải pháp hiệu quả. Theo đó, để xây dựng và phát triển môi trường đầu tư, hệ sinh thái đầu tư cần hướng tới mục tiêu 12 chữ: “Công khai, minh bạch, bình đẳng, an toàn, hiệu quả, bền vững”.
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu ký kết ghi nhớ đầu tư với các doanh nghiệp, nhà đầu tư tại Hội nghị |
Tại hội nghị, tỉnh Sóc Trăng đã trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 4 dự án với tổng mức đầu tư đăng ký hơn 12.000 tỷ đồng và ký kết ghi nhớ nghiên cứu khảo sát đầu tư với các doanh nghiệp, nhà đầu tư có tổng mức đầu tư đăng ký trên 200.000 tỷ đồng.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chia sẻ một số vấn đề trọng tâm tại hội nghị Trước tiên, tỉnh phải bám sát chủ trương, đường lối của Đảng trong Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Thứ hai là xây dựng thể chế, cơ chế minh bạch, công khai, ổn định góp phần phát triển hệ sinh thái môi trường đầu tư. Thứ ba là thực hiện các đột phá chiến lược về hạ tầng, nguồn nhân lực và thể chế. Thứ tư là phải coi trọng công tác quy hoạch, vừa có kế thừa, ổn định, nhưng phải thể hiện tư duy đổi mới, đột phá và tầm nhìn chiến lược. Thứ năm là giải quyết tốt các vấn đề chiến lược có tính toàn cầu, toàn dân như ứng phó dịch bệnh COVID-19, biến đổi khí hậu với các vấn đề tại Đồng bằng sông Cửu Long như sụt lún, sạt lở, thay đổi dòng chảy, lưu lượng nước sông Mekong… Thứ sáu là phải chọn vấn đề ưu tiên, có tác động lan tỏa lớn, bền vững để làm trước. Thứ bảy là xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Thứ tám là sự phối hợp, giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương để cùng làm với địa phương, nhưng phải chống tình trạng xin - cho. Thứ chín là sự đồng hành, ủng hộ của doanh nghiệp. Thứ mười là sự ủng hộ của người dân. Mười một là đa dạng hóa, huy động tối đa nguồn lực xã hội. Mười hai là phải đầu tư cho công tác tryền thông, không để khủng hoảng truyền thông và cuối cùng là tổ chức thực hiện trên cơ sở lựa chọn trọng tâm, trọng điểm cho đúng, trúng. |