Sử dụng đồ uống có đường ở mức độ nào để bảo vệ sức khỏe?
Ảnh minh hoạ
Bài liên quan
Tiếp cận những kiến thức y học mới nhất về chẩn đoán hình ảnh, nội soi tiêu hóa, phẫu thuật
Tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm tới 73%
Tập đoàn TH công bố đề án dinh dưỡng người Việt trong 10 năm tới
Táo Aomori – Món quà quý từ thiên nhiên xứ Phù Tang đã có mặt tại Việt Nam
Theo số liệu của Bộ Công thương đưa ra tại hội thảo, hiện nay, mỗi năm người Việt Nam tiêu thụ gần 5 tỷ lít nước ngọt, tỷ lệ tiêu thụ theo đầu người đã tăng gấp 7 lần trong 15 năm qua, loại đồ uống có đường được tiêu thụ phổ biến nhất là trà uống sẵn, nước ngọt có gas, đồ uống thể thao, nước tăng lực, cuối cùng là nước ép trái cây. Dự báo năm 2018, mức tiêu thụ nước ngọt tại Việt Nam sẽ đạt hơn 5 tỷ lít, đến năm 2025 sẽ lên 11 tỷ lít; Tiêu thụ và sản xuất đường tại nước ta cũng tăng đều hàng năm 30-40%.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, đồ uống có đường mang thêm năng lượng ngoài khẩu phần ăn, đồng thời có thể mang lại cảm giác sảng khoái, ngon miệng, ăn được nhiều đồ ăn hơn, đặc biệt là đồ chiên, nướng gây dư thừa năng lượng dẫn đến tích lũy mỡ, rối loạn chuyển hóa, là nguy cơ cho các bệnh không lây nhiễm như thừa cân, béo phì, tăng huyết áp, đái tháo đường và tim mạch.
Tuy nhiên, theo WHO, một chế độ ăn uống trung bình hàng ngày hiện nay có chứa 2.000 kcal, 10% tổng lượng kcal tương đương với 50 gr đường tự do hoặc 12,5 thìa cà phê đường. Trung bình một người Việt Nam hiện tiêu thụ khoảng 46,5 gr đường tự do mỗi ngày, gần bằng mức giới hạn tối đa 50 gr và cao gần gấp đôi so với mức tiêu thụ WHO khuyến cáo.
Qua điều tra về mức sống của hộ gia đình Việt Nam cho thấy gần 63% số hộ gia đình có tiêu dùng nước giải khát có đường. Kết quả điều tra toàn cầu về sức khỏe học sinh năm 2013 cũng cho thấy, tỷ lệ học sinh Việt Nam thường xuyên sử dụng đồ uống có gas trong 30 ngày của lứa 13-17 tuổi trung bình là 31,1%, trong đó trẻ em nam là 35,1%, trẻ em gái là 27,6%.
Số liệu điều tra toàn quốc yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm (STEPs) của Bộ Y tế năm 2015, cả nước có 15,6% số người dân bị thừa cân béo phì. Tỷ lệ thừa cân béo phì ở trẻ em là 5,3%. Tỷ lệ này đang gia tăng nhanh ở lứa tuổi học đường và tiền học đường, đặc biệt ở các đô thị lớn. Đồ uống có đường là loại thực phẩm cung cấp năng lượng nhanh nhưng rất nghèo dinh dưỡng.
Để an toàn cho sức khoẻ, WHO khuyến cáo, lượng đường tự do (bao gồm các loại đường đôi, đường đơn được bổ sung vào thực phẩm và đồ uống hoặc đường tự nhiên có trong mật ong, sirô, nước ép trái cây, nước trái cây cô đặc...) trong chế độ ăn của mỗi người chỉ nên chiếm không quá 10% và nên giảm xuống 5% năng lượng trong một ngày (tương đương khoảng 25gr đường tự do hoặc khoảng 6 thìa cà phê) để có lợi cho sức khỏe.
TS Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, nếu trong một ngày, một trẻ nhỏ uống 1 lon nước ngọt thì đã hấp thụ lượng đường vượt quá ngưỡng khuyến cáo rất nhiều. Một lon nước ngọt khoảng 330 ml đã chứa khoảng 36 gr đường tự do. Nước ngọt rất được trẻ em và giới trẻ yêu thích, trong khi nước ngọt khiến cơ thể dư thừa năng lượng, dẫn đến tích lũy mỡ, rối loạn chuyển hóa. Đây là nguy cơ gây các bệnh không lây nhiễm như thừa cân, béo phì, tăng huyết áp, loãng xương, đái tháo đường ngày càng gia tăng ở người trẻ.
Cũng theo TS Trương Đình Bắc, để hạn chế ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của đồ uống có đường, WHO khuyến nghị, các quốc gia cần đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, giáo dục sức khỏe nâng cao nhận thức của người dân để sử dụng đồ uống có đường ở mức vừa phải, đặc biệt tập trung cho đối tượng là trẻ em, vị thành niên, thanh niên để từ đó có kiến thức đúng và thực hành đúng trong việc tiêu thụ thực phẩm có đường.
Cùng với đó, các quốc gia cần có các quy định liên quan quảng cáo các sản phẩm này cho trẻ em, học sinh, đặc biệt trong trường học; khuyến khích các nhà sản xuất tham gia thực hiện dán nhãn thực phẩm giúp người dân dễ nhận biết các sản phẩm có lợi cho sức khoẻ để lựa chọn sử dụng phù hợp; tăng thuế nhằm tăng thu ngân sách và hạn chế lạm dụng đồ uống có đường để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.