Sự tích ông Công ông Táo và lễ cúng 23 tháng Chạp
Cứ đến 23 tháng Chạp, nhà nhà lại chuẩn bị mâm cơm cúng tiễn ông Công ông Táo về trời. Đây là nét văn hóa truyền thống đặc sắc của người Việt từ bao đời nay.
Cứ đến 23 tháng Chạp là nhà nhà lại làm lễ tiễn ông Công ông Táo về trời (Ảnh: VectorDep.com)
Sự tích ông Công ông Táo
Về sự tích ông Công ông Táo thì có 3 câu chuyện được truyền miệng trong dân gian. Trong đó câu chuyện dưới đây được coi là phổ biến nhất.
Theo tích của người Việt, Thị Nhi và Trọng Cao là vợ chồng, ăn ở với nhau mặn nồng nhưng mãi không có con. Dần dà Trọng Cao hay kiếm chuyện dằn vặt vợ. Một hôm, chỉ vì chuyện nhỏ mà Trọng Cao đánh Thị Nhi và đuổi đi. Nhi bỏ nhà, lang thang đến một xứ khác và gặp Phạm Lang. Sau đó, hai người phải lòng nhau và kết thành vợ chồng. Phần Trọng Cao, sau khi nguôi giận thì quá ân hận, nhưng vợ đã bỏ đi xa rồi. Trọng Cao quyết định lên đường tìm vợ.
Ngày này qua tháng nọ, hết gạo hết tiền mà Trọng Cao vẫn chưa tìm được vợ. Trọng Cao đành phải làm kẻ ăn xin dọc đường. Rồi Trọng Cao tình cờ vào xin ăn đúng nhà của Thị Nhi. Lúc này Phạm Lang đi vắng, Thị Nhi thấy người ăn xin thì sớm nhận ra đó là người chồng cũ nên nàng đã mời vào nhà và nấu cơm mời Trọng Cao. Đúng lúc đó, Phạm Lang trở về. Thị Nhi sợ chồng nghi oan, nên giấu Trọng Cao trong đống rơm ở sân.
Trọng Cao ăn xin vào đúng nhà của Thị Nhi (Ảnh: youtube)
Chẳng may, đêm ấy, Phạm Lang nổi lửa đốt đống rơm để lấy tro bón ruộng. Thấy lửa cháy, Thị Nhi nhớ ra người chồng cũ vẫn ở trong đống rơm nên lao mình vào cứu Trọng Cao. Thấy Nhi nhảy vào đống lửa, Phạm Lang thương vợ cũng nhảy theo. Cả ba đều chết trong đám lửa.
Ngọc Hoàng thấy 3 người sống có nghĩa có tình nên phong cho làm vua bếp hay còn gọi là Định phúc Táo Quân và giao: Phạm Lang là Thổ Công trông coi việc trong bếp, Trọng Cao là Thổ Địa trông coi việc trong nhà, còn Thị Nhi là Thổ Kỳ trông coi việc chợ búa. Không những định đoạt may, rủi, phúc họa của gia chủ, các vị Táo còn ngăn cản sự xâm phạm của ma quỷ vào thổ cư, giữ bình yên cho mọi người trong nhà.
Lễ cúng 23 tháng Chạp
Hàng năm, đúng vào ngày 23 tháng Chạp, Táo Quân sẽ lên chầu Ngọc Hoàng báo cáo tất cả việc làm tốt và chưa tốt của con người trong một năm để Ngọc Hoàng định đoạt công tội, thưởng phạt phân minh cho tất cả loài người.
Các bước cúng lễ trong ngày 23 tháng Chạp
- Lễ cúng gồm hai bộ quần áo và mũ cánh chuồn dành cho các Táo ông, một bộ quần áo với mũ không có cánh chuồn dành cho Táo bà.
- Mâm cơm mặn (với xôi, gà, chân giò luộc, canh măng...) hay lễ chay (với trầu cau, hoa, quả...) để tiễn Táo Quân về trời. Đặc biệt, người miền Bắc cúng ông Công ông Táo phải có cá chép thật hoặc cá vàng mã. Đây được coi là phương tiện để Táo Quân về trời.
Trong lễ cúng ông Công ông Táo của người miền Bắc phải có cá chép vàng (Ảnh: ngoisao.net)
- Khi cúng ông Công ông Táo, ngoài mâm cơm cúng trên bàn thờ chính thì còn phải cúng dưới bếp. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh (Giám đốc Trung tâm Lý học Đông phương), ông Công, ông Táo là hai vị thần khác nhau. Ông Công là vị thần cai quản đất đai trong nhà. Ông Táo (hay Táo Quân) là 3 vị đầu rau (2 nam, 1 nữ) trông coi việc bếp núc trong gia đình.
Lễ cúng 23 tháng Chạp là lễ tiễn chung ông Công, ông Táo về chầu trời, người dân thường gộp chung cúng trên bàn thờ là chưa đúng. Trong ngày này, ông Táo phải được cúng dưới bếp, còn ông Công được cúng trên bàn thờ chính trên nhà cùng với gia tiên mới đúng.
- Phải cúng ông Công ông Táo trước 12 giờ trưa 23 tháng Chạp.
Lễ cúng tiễn Táo Quân về trời thường được cúng vào tối 22 tháng Chạp âm lịch hoặc sáng sớm ngày 23. Nếu gia chủ vướng bận công việc quan trọng thì cũng phải hoàn thành việc cúng trước 12 giờ trưa 23 tháng Chạp vì người Việt ta quan niệm phải kịp giờ để ông Táo lên thiên đình. Nếu trưa, chiều 23 tháng Chạp mới cáo lễ tiễn Táo Quân thì e ông Táo sẽ không nhận được lễ vật tâm thành của gia chủ.
- Sau khi bày lễ, thắp hương và khấn vái xong, đợi hương tàn lại thắp thêm một tuần hương nữa, lễ tạ rồi hóa vàng mã và thả cá chép ra ao, hồ, sông, suối…
Lễ cúng ông Công ông Táo nên tùy hoàn cảnh gia đình, không nên quá câu lệ lễ vật (Ảnh: care1.vn)
Theo các vị xuất gia, việc cúng này cần thành tâm và tùy theo gia cảnh. Lễ vật không nên quá câu nệ, có điều kiện thì làm mâm cơm canh, còn không thì thành tâm hoa quả là được. Không nên đốt nhiều vàng mã, quần áo hoặc sắm sanh ngựa, nhà, ô tô... vì vừa lãng phí mà cũng không thể hiện được cái tâm hướng thiện của mình.
PV Tổng hợp
Theo nguồn internet