Sửa đổi Luật Thanh niên cần đáp ứng yêu cầu phát triển, bắt nhịp thời đại
Đồng chí Nguyễn Khánh Bình - Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội lắng nghe các cán bộ đoàn đóng góp ý kiến sửa đổi Luật thanh niên
Tới dự Hội nghị có các đồng chí: Lê Thị Lan Hương, Chánh văn phòng UB quốc gia về thanh niên Việt Nam; Nguyễn Quang Minh, Trưởng ban Dân chủ & Pháp luật, Uỷ Ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hà Nội; Hồ Minh Tâm, Trưởng phòng Đoàn thể và các hội quần chúng, Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội; Ngô Đức Thành - Phó Trưởng phòng Tổ chức phi chính phủ & Công tác thanh niên, Sở Nội vụ Hà Nội, Vũ Minh Huyền – Phó Trưởng phòng Xây dựng chính quyền, Sở Nội vụ Hà Nội; Nguyễn Khánh Bình, UVBCH Trung ương Đoàn, Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội thành phố Hà Nội;Hoàng Thu Hồng, UVBTV, Trưởng Ban Đoàn kết thanh niên & Địa bàn dân cư Thành đoàn Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam thành phố Hà Nội; Vũ Hùng Quân - Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức - Kiểm tra Thành đoàn Hà Nội.
Đồng chí Hoàng Thu Hồng, UVBTV- Trưởng Ban Đoàn kết thanh niên & Địa bàn dân cư Thành đoàn Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam thành phố Hà Nội cho biết “Luật Thanh niên được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 29/11/2005 tại kỳ họp lần thứ 8 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2006. Tuy nhiên, từ thực tiễn hơn 10 năm thi hành Luật Thanh niên cho thấy, một số quy định của Luật Thanh niên đã bộc lộ những bất cập cần phải được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp để tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về thanh niên và thực hiện quyền, nghĩa vụ của thanh niên; phù hợp với yêu cầu thực tiễn phát triển thanh niên, công tác thanh niên và sự phát triển của đất nước hiện nay”.
Thực hiện Công văn số 1384-CV/TWĐTN-VP, ngày 4/9/2018 và Thông báo số 85-TB/TWĐTN-VPUBTN, ngày 18/9/2018 về việc triển khai các hoạt động tham gia xây dựng Luật thanh niên sửa đổi, Ban Thường vụ Thành đoàn Hà Nội đã tổ chức lấy ý kiến góp ý đối với việc sửa đổi Luật Thanh niên đối với các cơ sở đoàn trực thuộc.
Một số ý kiến đề xuất thay đổi Chương I từ 8 điều lên thành 10 điều, cụ thể như sau: Nên tách riêng điều 2 ở Luật Thanh niên 2005 thành 2 điều riêng biệt để có thể làm rõ được nội dung của Luật, cụ thể như sau: Điều 2: Phạm vi điều chỉnh, Điều 3: Đối tượng áp dụng; Nên bổ sung 01 Điều về việc giải thích từ ngữ như: “Công tác thanh niên”, “Thanh niên sau cai nghiện ma túy”, “Thanh niên sau cải tạo”, “Thanh niên xung phong”, “Thanh niên tình nguyện”, “Đối thoại với thanh niên”, “Tham vấn thanh niên”…; Điều 3 Luật Thanh niên 2005 nên sửa đổi, bổ sung làm rõ quyền và nghĩa vụ thanh niên theo hướng cụ thể hóa, đề nghị bổ sung quy định thanh niên là những đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi thụ hưởng văn hóa theo quy định; bổ sung nghĩa vụ thanh niên trong đấu tranh các quan điểm, hành vi sai trái, tiêu cực ảnh hưởng xấu đến xây dựng nền văn hóa; bổ sung trách nhiệm của Nhà nước trong việc đảm bảo chất lượng dịch vụ để thanh niên thụ hưởng, tiếp cận các giá trị văn hóa thực sự; Điều 7, khoản 2, mục a Luật Thanh niên 2005: nên tách riêng thành 02 mục để có thể làm rõ các chủ thể của các chương trình, dự án hợp tác quốc tế, cụ thể như sau: Xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án hợp tác quốc tế của cơ quan quản lý nhà nước về thanh niên, Xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án hợp tác quốc tế của các tổ chức thanh niên.
Các cán bộ Đoàn lắng nghe các tham luận góp ý sửa đổi Luật thanh niên |
Ngoài ra, nhiều đoàn viên góp ý đề xuất đổi tên Chương II thành Trách nhiệm của Thanh niên trong xây dựng và bảo vệ tổ quốc, đề xuất Chương II từ 8 điều lên thành 10 điều, cụ thể như sau: Điều 9 đổi tên thành “Trách nhiệm của thanh niên trong học tập”; Điều 10 đổi tên thành “Trách nhiệm của thanh niên trong lao động”; Điều 11 đổi tên thành “Trách nhiệm của thanh niên trong bảo vệ Tổ quốc”; Điều 12 kiến nghị tách riêng thành 2 điều: “Trách nhiệm của thanh niên trong hoạt động khoa học, công nghệ”- “Trách nhiệm của thanh niên trong bảo vệ tài nguyên môi trường”; Điều 14 tách riêng nội dung thành: “Trách nhiệm của thanh niên trong bảo vệ sức khỏe”; Điều 13 đổi tên và kết hợp nội dung của Điều 14 thành “Trách nhiệm của thanh niên trong hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao”; Điều 15 đổi tên thành “Trách nhiệm của thanh niên trong hôn nhân và gia đình”; Điều 16 đổi tên thành “Trách nhiệm của thanh niên trong quản lý nhà nước và xã hội”; Bổ sung 1 điều về “Trách nhiệm của thanh niên trong giám sát và phản biện chính sách, pháp luật liên quan đến thanh niên”
Nội dung chương III, các đoàn viên đề xuất bổ sung thêm từ “nhà trường”, trong nội dung tên Chương III: Trách nhiệm nhà nước, gia đình, nhà trường và xã hội đối với thanh niên….
Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Tuấn – Phó Bí thư Huyện đoàn Sóc Sơn nêu tham luận đóng góp ý kiến “Luật Thanh niên phải tập trung giải quyết các vấn đề của thanh niên ở thời điểm hiện tại, đồng thời chỉ ra định hướng phát triển thanh niên về các mặt quan trọng như giáo dục, sức khỏe, phúc lợi, việc làm... Cụ thể, các chính sách về giáo dục không chỉ cung cấp kiến thức, kỹ năng chung chung, mà cần hướng tới sự phát triển cá nhân, tạo dựng sự tự tin, tư duy và hành động tích cực trong mỗi thanh niên. Trong đó cần đặc biệt chú trọng đến việc phát triển kỹ năng sống, kỹ năng thực hành xã hội cho thanh niên. Các chính sách về sức khỏe, phúc lợi, bên cạnh việc đặt ra các chỉ tiêu thể chất, tinh thần, còn cần tạo ra những điều kiện, môi trường cần thiết để xây dựng ý thức tự chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho mỗi bạn trẻ”.
Trong bối cảnh nền kinh tế đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thanh niên Việt Nam sẽ là tầng lớp có khả năng tạo ra giá trị gia tăng lớn cho xã hội. Chính vì thế, phát huy và khai thác hiệu quả nguồn lực quý báu này là chìa khóa để phát triển đất nước. Sửa đổi Luật Thanh niên cần bảo đảm yêu cầu hệ thống chính sách, pháp luật, mang tính đồng bộ, thống nhất, đáp ứng yêu cầu phát triển, bắt nhịp thời đại.
“Thứ ba, cần bổ sung thêm chính sách, chế độ đãi ngộ xứng đáng với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, sáng tạo và thanh niên công tác vùng biên giới, hải đảo, vùng sâu vùng xa, bởi đây là lực lượng và nguồn động lực rất lớn đối với phát triển kinh tế đất nước. Thứ tư, cần bổ sung thêm quyền được tham gia hội nhập quốc tế, Nhà nước khuyến khích và có cơ chế tạo điều kiện cho thanh niên được tiếp cận những thành tựu khoa học công nghệ. Trong lao động và việc làm, các cấp bộ ngành không chỉ tạo điều kiện cho thanh niên có việc làm còn phải định hướng cơ cấu việc làm của thanh niên sao cho phù hợp với định hướng phát triển chung của đất nước. Thứ năm, bổ sung thêm trách nhiệm của Nhà nước trong việc tạo điều kiện, tạo lập môi trường cởi mở để thanh niên tham gia góp ý xây dựng chính quyền. Trong đó cần quy định rõ quyền, trách nhiệm, chế tài của người đứng đầu trong việc tổ chức đối thoại, lắng nghe ý kiến của thanh niên trong góp ý xây dựng chính quyền”, đồng chí Nguyễn Văn Tuấn nhấn mạnh.
Tiếp tục các tham luận đóng góp ý kiến sửa đổi Luật thanh niên, đồng chí Nguyễn Quỳnh Trang – Phó Bí thư Quận đoàn Hoàng Mai nêu ra luận điểm “Luật Thanh niên cần sửa đổi, bổ sung quy định về độ tuổi thanh niên: Căn cứ từ sự phân tích về phát triển thể chất, tâm lý, sinh lý, sự phát triển về mặt xã hội, ý thức tự lập, tự chủ của thanh niên và có tham khảo về quy định độ tuổi thanh niên của một số nước trong khu vực và trên thế giới, Điều 1 Luật Thanh niên năm 2005 quy định:“Thanh niên quy định trong Luật này là công dân Việt Nam từ đủ mười sáu tuổi đến ba mươi tuổi”. Năm 2016, tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII, Luật Trẻ em đã được Quốc hội thông qua, theo đó tại Điều 1 quy định: “Trẻ em là người dưới 16 tuổi” (được hiểu là 15 tuổi 365 ngày) (Trước đó, Điều 1 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 quy định: “Trẻ em là công dân Việt Nam dưới 16 tuổi”). Như vậy, có thể thấy rằng giữa độ tuổi trẻ em và độ tuổi thanh niên không có sự nối tiếp nhau và khoảng cách giữa trẻ em và thanh niên trong hai luật trên là một tuổi. Việc quy định không thống nhất, không rõ ràng về độ tuổi trẻ em và độ tuổi thanh niên như trên đã gây ra không ít khó khăn, bất cập trong công tác quản lý nhà nước về thanh niên cũng như trong lĩnh vực quản lý nhà nước về trẻ em”.
Lắng nghe các góp ý của các cán bộ đoàn viên, thanh niên, đồng chí Nguyễn Khánh Bình - Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn Hà Nội đánh giá "Trong thời gian vừa qua, việc góp ý sửa đổi Luật thanh niên đã được các cơ sở Đoàn quan tâm, tổ chức phổ biến, tuyên truyền, lấy ý kiến góp ý sâu rộng trong đội ngữ đoàn viên, thanh niên. Sang năm 2019, Bộ Nội vụ sẽ trình Quốc hội ban hành Luật sửa đổi Luật thanh niên, các cơ sở Đoàn tiếp tục quan tâm, tổ chức thêm các diễn đàn để chúng ta có thêm những góp ý sửa đổi Luật thanh niên".