Sửa Luật Đất đai để hạn chế đầu cơ, găm giữ đất
Sửa Luật Đất đai phải bảo đảm tốt hơn quyền lợi của người dân |
Nhanh chóng sửa đổi Luật Đất đai là yêu cầu bức thiết từ thực tiễn. Ảnh minh họa |
Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) vừa có báo cáo về những nội dung đổi mới trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Theo đó, so với Luật Đất đai hiện hành, dự thảo sửa đổi, bổ sung 152 điều; bổ sung mới 37 điều và bãi bỏ 8 điều.
Khắc phục tình trạng tham nhũng, khiếu kiện
Theo Bộ TN&MT, sau gần 8 năm tổ chức thi hành Luật Đất đai, công tác quản lý và sử dụng đất còn một số tồn tại, hạn chế như quy hoạch sử dụng đất chưa đảm bảo tính đồng bộ, tổng thể, hệ thống, chất lượng chưa cao, thiếu tầm nhìn dài hạn, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững, thực hiện chưa nghiêm...
Bộ TN&MT nhìn nhận nguyên nhân là do đất đai có tính lịch sử, phức tạp; Việc thi hành pháp luật về đất đai ở một số nơi còn chưa nghiêm; Chính sách, pháp luật còn có những bất cập, một số nội dung của pháp luật có liên quan chưa thống nhất, đồng bộ với Luật Đất đai; Việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý chưa được thực hiện tốt...
Chính vì vậy, theo Bộ TN&MT cần hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý và sử dụng đất đầy đủ, thống nhất đồng bộ với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tạo hành lang pháp lý cho quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất tài nguyên, nguồn lực đất đai.
Thực tế, trong quá trình tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TW và thi hành Luật Đất đai cũng đã chỉ ra những khó khăn, vướng mắc. Từ đó, phải tăng cường quản lý đất đai về diện tích, chất lượng, giá trị kinh tế,... hoàn hiện các chế định thúc đẩy các giao dịch về quyền sử dụng đất, thương mại hóa quyền sử dụng đất, phát triển thị trường bất động sản minh bạch, lành mạnh.
Thiết lập hệ thống quản lý đất đai hiện đại, minh bạch, hiệu quả, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai; Phát huy dân chủ, tăng cường giám sát, khắc phục tình trạng tham nhũng, tiêu cực, khiếu kiện về đất đai, đầu cơ và sử dụng đất đai lãng phí. Luật Đất đai sửa đổi giải quyết tốt những bất cập, vướng mắc trong quản lý và sử dụng đất do lịch sử để lại và từ yêu cầu mới của thực tiễn.
Bộ TN&MT cho rằng, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định cụ thể hơn quyền và trách nhiệm của Nhà nước với vai trò là đại diện chủ sở hữu, thống nhất quản lý đối với đất đai và quyền, nghĩa vụ của công dân đối với đất đai bảo đảm tuân thủ chặt chẽ các quy định của Hiến pháp về sở hữu đất đai và quyền con người.
Ngoài ra, Luật Đất đai sửa đổi tiếp tục thực hiện công khai minh bạch trong thu hồi đất; giải quyết hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư.
Về cơ chế, chính sách tài chính về đất đai, giá đất thì tăng cường các công cụ kinh tế trong quản lý, điều tiết các quan hệ đất đai phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Hoàn thiện các quy định để thúc đẩy phát triển lành mạnh thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất.
Một điểm mới nữa đó là quản lý, sử dụng đất đai mục đích để khơi dậy tiềm năng, phát huy cao nhất nguồn lực tài nguyên đất đai, phù hợp với xu thế phát triển.
Dự thảo Luật cũng đã sửa đổi, bổ sung một số quy định để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với các pháp luật liên quan; luật hóa một số quy định tại các văn bản dưới luật đã ổn định; sửa đổi, bổ sung các nội dung để giải quyết những vướng mắc bật cập của thực tiễn, đảm bảo đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật...
Đất đai đã giao phải được sử dụng hiệu quả
Chia sẻ với báo chí về Luật Đất đai sửa đổi, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đặc biệt nhấn mạnh các điểm mới về định giá đất và tài chính đất. Theo đó, việc định giá đất phải duy trì nguyên tắc sát với giá thị trường, Nhà nước muốn giao đất thì chủ yếu thông qua đấu giá, đấu thầu và mọi giao dịch, chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải được đăng ký. Từ đó, cơ quan quản lý nhà nước sẽ tiến tới thu thập các dữ liệu thông tin giá đất, sử dụng một phương pháp tính phù hợp để tính được giá đất giao dịch phổ biến trong điều kiện bình thường. Giá đất này sẽ sát với giá thị trường.
“Theo đó, phải làm hai việc, một là thay đổi cách định giá đất. Hai là mọi giao dịch, buôn bán đất phải thông qua sàn giao dịch hoặc văn phòng đăng ký đất đai, kể cả Nhà nước giao đất phải chủ yếu thông qua đấu giá, đấu thầu. Căn cứ vào đó Nhà nước thu thập các dữ liệu thông tin giá đất thị trường. Nếu có được cái đó thì trên bản đồ sẽ có giá đất từng khu vực, thửa đất. Lúc đó từng người dân cũng có thể tính toán giá đất của mình dựa trên bản đồ địa chính và công thức tính giá đất. Với trường hợp giao dịch đất mà không đăng ký công khai thì không được thừa nhận quyền sử dụng đất”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ TN&MT, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi lần này cũng thay đổi quản lý đất đai từ mệnh lệnh hành chính bằng công cụ kinh tế. “Chúng tôi sẽ bỏ khung giá đất, dùng bảng giá bám sát với giá thị trường. Bảng giá này có thể xây dựng năm năm/lần hoặc một năm/lần, cùng với hệ số biến động đất để có thể tính toán được giá đất tăng theo từng thời điểm”, ông Hà nhấn mạnh.
Cùng với đó, dự thảo kiên trì nguyên tắc đất đai đã giao phải được sử dụng hiệu quả, đảm bảo theo tiến độ dự án. Nếu đất đai không được sử dụng hiệu quả sẽ bị tính thêm khoản tiền do sử dụng chậm. Làm sao để người đầu cơ không thể ôm được đất đó phải nhả ra, trả lại cho Nhà nước hoặc chuyển nhượng cho đối tượng khác để sử dụng hiệu quả hơn.