“Tản nhiệt” áp lực mùa thi
“Cao điểm” tiếp sức mùa thi 20 năm “Tiếp sức mùa thi” lan tỏa những giá trị đẹp “Tiếp sức mùa thi” thể hiện mạnh mẽ tinh thần trách nhiệm của thanh niên |
Càng gần ngày thi, nhiều thí sinh càng thấy áp lực, căng thẳng, nhiều ý kiến cho rằng, đây là tình trạng cơ thể phản ứng khi gặp tình huống gây cản trở. Trong khi đó, lo âu là một hậu quả khi áp lực không được kiểm soát tốt và lo âu gia tăng khi cá nhân có nhiều trở ngại nhưng có ít nguồn lực để giải quyết. Như vậy, nếu áp lực mùa thi là một bài toán thì lời giải cần tìm là cách giải tỏa áp lực và lo âu.
Chế độ ăn – ngủ hợp lý
Chế độ ăn uống cũng là một trong những điều phụ huynh cần lưu tâm trong thời điểm này. Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, một chế độ ăn cần có đủ 4 nhóm thực phẩm: bột đường – chất đạm – chất béo – vitamin và khoáng chất.
Lý giải thêm về chế độ ăn này, bác sĩ cho biết: “Muốn như vậy, chúng ta cần ăn đầy đủ và đa dạng 8 nhóm thực phẩm, ít nhất 5 nhóm thực phẩm/ngày. Ví dụ như nhóm bột đường như cơm, phở, bánh mì,… Bổ sung thêm thịt, cá,.. là nhóm thứ hai. Nhóm ba bao gồm trứng, sữa, đậu phụ, đậu đỗ,… Riêng nhóm đạm nên có đủ trong ngày. Với nhóm rau xanh, chia ra làm rau củ có màu sắc và các loại rau củ khác. Đặc biệt, bố mẹ cần nấu ăn phù hợp với khẩu vị của con; chia nhỏ các bữa, bổ sung thêm các bữa phụ như bánh, hoa quả,…”.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, trong thời gian này, cha mẹ có thể bổ sung thêm cho con các loại dầu cá, sử dụng viên đa vi chất dinh dưỡng phù hợp với nhóm tuổi. Các loại sữa chua, sữa chua uống lợi khuẩn cũng được bác sĩ khuyên dùng cho các sĩ tử nâng cao miễn dịch trong thời gian chạy “nước rút” này.
Thí sinh cần phải có chế độ ăn ngủ hợp lý để đảm bảo bảo sức khoẻ cho kỳ thi đang tới gần |
Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cũng được Nguyên Phó Viện trưởng Viện dinh dưỡng Quốc gia lưu ý. “Khi đi ăn ngoài, phụ huynh nên cân nhắc quán ăn sạch sẽ. Nếu vội nên ăn những loại bánh dạng gói lá, tránh những thức ăn đường phố phơi bụi.”, bác sĩ Lâm cho hay.
Theo khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng Quốc gia thì tuyệt đối các em không được bỏ bữa sáng, điều đó rất nguy hiểm. Sau một đêm dài cơ thể bị bỏ đói, chỉ khi được nạp năng lượng thì đầu óc mới có thể minh mẫn để tập trung ôn luyện.
Sau khi ăn, các sĩ tử không nên ngồi vào bàn học luôn. Thời gian đó, các em có thể tranh thủ nghỉ ngơi, đi dạo nhẹ nhàng, hít thở sâu, theo dõi hơi thở để không nghĩ ngợi, cho não thực sự được nghỉ.
Đặc biệt, không nên ăn đến khi thấy cảm giác quá no ở các bữa ăn chính, chỉ ăn no khoảng 80%. Nếu bữa nào các em cũng ăn quá no, máu sẽ tập trung về dạ dày và ruột để tiêu hóa lượng thức ăn thừa nên sẽ giảm lượng máu lên não dễ dẫn tới buồn ngủ, do đó khả năng tiếp thu bài vở sẽ giảm.
Cận ngày thi, các em không nên ăn các thức ăn lạ khó tiêu hóa hoặc những loại thức ăn đã từng gây rắc rối đối với bản thân trước đây. Nên tránh ăn thức ăn đường phố đến mức thấp nhất vì rất có thể các em sẽ bị ngộ độc.
Bên cạnh đó, có một thực tế là nhiều học sinh ôn thi trong tình trạng căng mắt đến khi ngủ gục trên bàn học; hoặc luôn trong tình trạng ngáp, mắt lờ đờ. Chuyên gia khuyến nghị không để cơ thể bị “bỏ đói” ngủ; bởi nếu ngủ không đủ, các em sẽ khó tiếp thu bài tốt.
Theo khoa học thì, nếu thiếu ngủ, cơ thể sẽ tiêu hao nhiều năng lượng, giảm bài tiết hormon tăng trưởng, giảm ăn, ăn mất ngon, chậm tiêu, kéo dài sự kích thích vỏ não dẫn tới suy nhược hệ thần kinh và toàn cơ thể, từ đó sẽ giảm năng suất học tập.
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm chia sẻ, khi các em thấy mệt và buồn ngủ, đây là tín hiệu báo bộ não cần nghỉ ngơi ngay lập tức. Lúc này, tốt nhất nên rời bàn học, chợp mắt khoảng 30 phút rồi học tiếp hoặc đi ngủ luôn nếu đã khuya.
Buổi tối nên học bài từ 7 giờ, ngủ trước lúc 23 giờ, sáng dậy sớm lúc 5 giờ học bài (lúc này học rất hiệu quả). Ngủ trưa từ 30 phút – 1 tiếng. Đảm bảo ngủ đủ 6- 8 tiếng/ ngày.
Một tâm lý thoải mái
Là giáo viên gần 20 năm đồng hành cùng các sĩ tử khối 9, cô giáo Nguyễn Thanh Phương, trường THCS Trần Phú (huyện Phú Xuyên) rất chia sẻ với áp lực của kỳ thi này đối với các em.
Thầy cô và cha mẹ hãy luôn đồng hành và trấn an thí sinh khi các em gặp phải căng thẳng, áp lực do kỳ thi |
Theo quan sát của cô Phương, dù đã có sự chuẩn bị kỹ, nhưng thời gian “nước rút” cũng như khi bước vào phòng thi, tình trạng căng thẳng với các hiện tượng như đau bụng, buồn nôn, vã mồ hôi, hay thậm chí các cơn hoảng loạn gây ra bởi lo âu với các mức độ khác nhau từ hồi hộp, tim đập nhanh, khó thở, lạnh tay chân, choáng váng hay thậm chí ngất xỉu,… vẫn xảy ra với các em học sinh.
“Mình luôn dặn các con là hãy hít thở sâu và tự trấn an. Các con có thể uống một ngụm nước, ngồi xuống và nhắm mắt sẽ là điều hỗ trợ tốt cho sự chú tâm vào hơi thở, đồng thời hít thở chậm rãi cùng những lời nói thầm trấn an tích cực như "Tôi sẽ làm được”, “Tôi có thể”,… để vượt qua những áp lực về tâm lý.”, cô Phương chia sẻ.
Ngoài ra, phụ huynh cũng là một nguồn lực rất quan trọng với con. Con sẽ không còn cảm thấy giảm áp lực nếu được cha mẹ đồng hành trong vai trò. Chỉ bằng những cách đơn giản như tạo bầu không khí gia đình ấm áp, động viên con và chăm sóc cho con về dinh dưỡng, giấc ngủ hợp lý,… sẽ giúp tâm lý của con ổn định hơn. Phụ huynh hãy luôn là động lực cho con thay vì tạo áp lực.
Hành trình chinh phục cánh cổng THPT của các em học sinh khối 9 đang đến những ngày về đích. Những hy vọng của các em sẽ được quyết định vào ngày 18,19/6 này. Không ai đánh thuế ước mơ, thế nhưng sức khỏe có tốt thì con đường đến với ước mơ mới thật gần.