TAND quận Long Biên: Trả hồ sơ, điều tra bổ sung vụ mua bán trẻ em ở chùa Bồ Đề
TTTĐ- TAND quận Long Biên, thành phố Hà Nội vừa trả hồ sơ cho Viện KSND quận Long Biên để làm rõ có hay không hành vi lừa đảo của Phạm Thị Nguyệt (45 tuổi, quê Ninh Bình). Nguyệt là một trong hai người bị truy tố trong vụ mua bán trẻ xảy ra tại chùa Bồ Đề (quận Long Biên).
Trước đó, Viện KSND quận Long Biên đã truy tố Phạm Thị Nguyệt và Nguyễn Thị Thanh Trang (37 tuổi, ngụ tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) về tội “mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em”.
Cáo trạng xác định, ngày 30/7/2014, Công an TP Hà Nội nhận được đơn tố giác của ông Nguyễn Thành Long (40 tuổi) về việc chùa Bồ Đề đã bán cháu Cù Nguyên Công. Cháu Công là con ngoài ý muốn được bố mẹ gửi chùa Bồ Đề nuôi và được ông Long nhận làm cha đỡ đầu.
Quá trình điều tra, cơ quan điều tra xác định Phạm Thị Nguyệt là người đã mua cháu Công từ chùa Bồ Đề vào tháng 1/2014. Kiểm tra nơi ở của Nguyệt, cơ quan điều tra phát hiện Nguyệt đang nuôi hai cháu Phạm Đức Anh (sinh năm 2012) và Phạm Gia Hân (tức Trần Vũ Gia Hân, sinh năm 2013).
Nguyệt trước đó thỉnh thoảng đi lễ tại chùa Bồ Đề nên đã quen Nguyễn Thị Thanh Trang. Biết Trang làm quản lý nhà mở (nơi nuôi các cháu), Nguyệt nhờ Trang tìm cho một cháu trai khỏe mạnh để Nguyệt nhận làm con nuôi và hứa bồi dưỡng tiền và được Trang đồng ý. Sau khi nhận cháu Công, Nguyệt đã đưa cho Trang 35 triệu đồng và mang cháu Công về nuôi dưỡng. Tuy nhiên, cháu Công sau đó bị bệnh sởi nặng, đã chết vào ngày 24/6/2014.
Trong khi chờ ngày ra trước vành móng ngựa thì bị can Phạm Thị Nguyệt, người mua trẻ ở chùa Bồ Đề (Hà Nội) về nuôi, bị tố cáo có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo TAND quận Long Biên, quá trình thụ lý vụ án, tòa này đã nhận được hai đơn tố cáo của anh Nguyễn Văn Vũ và anh Phạm Đức Hữu về việc bị Nguyệt lừa đảo chiếm đoạt hàng chục triệu đồng để lấy tiền mua trẻ em và nuôi các bé. Nguyệt đã nói dối những đứa trẻ Nguyệt nhận nuôi là con của anh Vũ, anh Hữu và yêu cầu hai người này cấp dưỡng tiền nuôi con.
Vụ việc này từng gây xôn xao dư luận, UBND TP Hà Nội đã vào cuộc chỉ đạo quyết liệt và phối hợp với chùa Bồ Đề chuyển phần lớn cháu bé và người già cơ nhỡ vào các trung tâm bảo trợ xã hội trong tháng 8/2014. Trước khi vụ việc xảy ra, theo thống kê, chùa Bồ Đề là nơi nương tựa của nhiều mảnh đời cơ nhỡ và trẻ em không nơi nương tựa gồm: 194 người, trong đó có 92 trẻ em (55 trẻ từ 0-6 tuổi; 37 trẻ từ 6-16 tuổi); 7 người tàn tật trên 16 tuổi và 27 người cao tuổi; 9 người cơ nhỡ.
Văn Việt