Tăng cường các biện pháp phòng, chống nhiễm liên cầu lợn trên người
Theo đó, để chủ động phòng, chống bệnh liên cầu lợn trên người, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu CDC Hà Nội phối hợp với Chi cục Thú y TP nắm bắt kịp thời tình hình dịch bệnh trên đàn lợn để chủ động áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch trên người.
CDC Hà Nội hướng dẫn và hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho Trung tâm y tế (TTYT) các quận, huyện, thị xã trong giám sát, xử lý dịch bệnh liên cầu lợn.
Ảnh minh hoạ |
Các đơn vị tổ chức giám sát, điều tra dịch tễ đối với những ca bệnh nghi do nhiễm liên cầu lợn tại các bệnh viện trung ương, TP để kịp thời xử lý ổ dịch tại cộng đồng.
Cùng với đó, CDC Hà Nội phối hợp với các cơ quan báo, đài tuyên truyền các biện pháp phòng, chống bệnh liên cầu lợn. Bên cạnh đó, đảm bảo trang thiết bị, hóa chất cho công tác xử lý dịch.
Đối với TTYT quận, huyện, thị xã, Sở Y tế đề nghị các đơn vị phối hợp chặt chẽ với cơ quan thú y các quận, huyện, thị xã nắm bắt kịp thời tình hình dịch trên đàn lợn. Áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch, ngăn chặn không để dịch lây lan sang người.
TTYT quận, huyện, thị xã giám sát phát hiện sớm trường hợp mắc bệnh tại các bệnh viện được phân cấp và cộng đồng, tổ chức xử lý triệt để ổ dịch.
Đơn vị tăng cường tuyên truyền cho Nhân dân các biện pháp phòng bệnh, nội dung tập trung khuyến cáo thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm, không ăn tiết canh và các loại thịt, sản phẩm tái, sống được chế biến từ lợn.
Người dân chú ý đảm bảo vệ sinh cá nhân, thực hiện bảo hộ lao động cần thiết khi tiếp xúc, chăm sóc, giết mổ, chế biến thịt lợn; thực hiện thường xuyên rửa tay bằng xà phòng.
Các cơ sở khám, chữa bệnh tăng cường khám sàng lọc để phát hiện sớm ca bệnh, thông báo cho CDC Hà Nội hoặc TTYT các quận, huyện, thị xã để điều tra, xử lý ổ dịch tại cộng đồng theo quy định.
Đồng thời, các cơ sở đáp ứng đầy đủ nhân lực, trang thiết bị, thuốc, tổ chức tốt việc thu dung, cách ly, điều trị cho bệnh nhân nhằm hạn chế thấp nhất tử vong.
Ảnh minh hoạ |
Vi khuẩn liên cầu khuẩn lợn tấn công người sẽ gây biểu hiện ban đầu là sốt rất cao (lạnh, tay chân run rồi lên cơn sốt cao, trên 39 độ C), đầu đau dữ dội, đau cứng cổ gáy, tri giác lơ mơ, li bì, hôn mê sau đó sốc và tụt huyết áp, suy hô hấp; xuất hiện các ban hoại tử trên da (xuất huyết rất to màu xám đen, bong tróc, hay lốm đốm). Một số bệnh nhân có dấu hiệu phát ban trên da, sau 5 ngày ban không những không lặn mà càng ngày càng rõ, kèm theo mệt mỏi.
Tiếp đó, bệnh nhân có thể bị viêm màng não như nhức đầu, buồn nôn, nôn vọt, cứng cổ, đau khớp, liệt nửa mặt và nửa người, viêm phổi, suy gan, suy đa phủ tạng.
Nếu ở thể nhiễm trùng huyết, người bệnh sốt cao, da xanh, mệt mỏi phờ phạc, lưỡi bẩn, hơi thở hôi, sốc do nhiễm độc, xuất huyết dưới da, tăng huyết áp, tăng nhịp tim, rối loạn chức năng gan, đông máu nội mạc rải rác, thiểu năng thận cấp và hội chứng suy hô hấp cấp. Bệnh nhân bị sốc nhiễm khuẩn, nguy cơ tử vong rất cao.
Đáng lo ngại là bệnh liên cầu khuẩn lợndiễn biến nhanh, chỉ trong vòng 10 - 20 giờ đã có thể rất nguy hiểm, bệnh nhân rơi vào sốc do nhiễm khuẩn huyết, có thể dẫn đến tử vong nếu điều trị muộn.
Trong khi đó, các biểu hiện ban đầu thường không có dấu hiệu điển hình ngoài việc sốt cao, đau đầu, ớn lạnh, vì thế dễ chẩn đoán nhầm với các bệnh khác như sốt xuất huyết, nhiễm khuẩn tụ cầu, viêm màng não do não mô cầu...
Với bệnh nhân viêm màng não, nếu phát hiện sớm thì điều trị sẽ có kết quả tốt nhưng nếu điều trị muộn, người bệnh có thể bị phù não, nếu không tử vong thì cũng dễ để lại di chứng nặng như động kinh, hoại tử tay, chân. Những bệnh nhân hồi phục sau viêm màng não mủ thì mất chức năng nghe là biến chứng phổ biến nhất.
Hiện nay chưa có vắc-xin phòng bệnh nhiễm liên cầu lợn cho người. Do đó, phòng bệnh tốt nhất phụ thuộc vào ý thức mỗi người. Để phòng bệnh liên cầu khuẩn, người dân cần tẩy trùng, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ; Tránh tiếp xúc trực tiếp với lợn bị bệnh hoặc lợn mang vi khuẩn gây bệnh; Cách ly lợn ốm để điều trị.
Lợn chết phải chôn, đổ thuốc sát khuẩn xung quanh hố chôn hoặc tiêu huỷ. Chuồng trại chăn nuôi phải phun thuốc sát khuẩn để trống chuồng 2 tuần mới nuôi lợn trở lại.
Không chỉ lợn ốm mà ngay trong lợn lành cũng có một số con có liên cầu khuẩn lưu trú ở vùng hầu họng (lợn lành mang vi trùng) nên nếu ăn các sản phẩm chưa nấu chín thì dù là thịt lợn lành vẫn có thể bị bệnh.
Khi giết mổ, người chế biến thịt lợn cần đảm bảo vệ sinh và đeo găng tay để tránh tiếp xúc trực tiếp với thịt lợn bệnh; Không ăn thức ăn từ thịt lợn chưa được nấu chín, đặc biệt là tiết canh sống.
Thịt lợn cần được nấu chín, không mua thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết; Chỉ mua thịt đã qua kiểm định của cơ quan thú y; Không ăn thịt lợn tái, nhất là tiết canh lợn.
Đặc biệt, người dân chú ý không mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn bệnh, lợn chết; Tiêu huỷ lợn bệnh, lợn chết theo đúng quy định.
Người khi có các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh như sốt cao đột ngột và có tiền sử chăn nuôi, giết mổ lợn ốm, chết hoặc sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.