Tăng cường khả năng chống chịu với thiên tai và khí hậu tại đô thị
Đô thị - nơi chịu nhiều rủi ro thiên tai và khí hậu
Đô thị và các nơi tập trung đông dân là trung tâm kinh tế phát triển của các địa phương, quốc gia và khu vực, tạo ra tới 80% GDP toàn cầu và đóng góp hơn 70% lượng khí thải carbon toàn cầu. Đô thị là nơi tập trung phần lớn dân số thế giới sinh sống, nơi phát triển đổi mới và là nơi tập trung của cơ quan chính phủ, thương mại, văn hóa và xã hội.
Theo dự báo với tốc độ đô thị hóa gia tăng đến năm 2030, hơn 66% dân số thế giới sẽ sống ở thành thị (tăng từ 55% vào năm 2018). Tốc độ thay đổi nhanh chóng do di cư từ nông thôn ra thành thị và gia tăng dân số, gây căng thẳng cho các dịch vụ và tài nguyên. Xu hướng này đang thúc đẩy những thách thức dai dẳng như bất bình đẳng, ô nhiễm và gia tăng nguy cơ do biến đổi khí hậu vì tập trung cơ sở hạ tầng và người dân ở các khu vực này, đặc biệt là ở các thành phố ven biển.
Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện các đô thị của Việt Nam chịu tác động của biến đổi khí hậu có thể phân thành hai khu vực. Đối với hệ thống đô thị ven biển, ven sông, các khu vực đô thị đồng bằng có nguy cơ ngập lụt, nước biển dâng, triều cường, mất đất và nhiễm mặn nguồn nước. Hệ thống đô thị miền núi, cao nguyên chịu ảnh hưởng của lũ ống, lũ quét và sạt lở đất, suy giảm nước ngầm.
Tốc độ thay đổi nhanh chóng do di cư từ nông thôn ra thành thị và gia tăng dân số, gây căng thẳng cho các dịch vụ và tài nguyên |
Dù là hệ thống đô thị ven biển, ven sông, các khu vực đồng bằng hay hệ thống đô thị miền núi, cao nguyên thì các loại hình thiên tai do biến đổi khí hậu gia tăng sẽ đe dọa cơ sở hạ tầng, nền kinh tế và cư dân đô thị. Đồng thời, nhiệt độ tăng và lượng mưa thay đổi làm gia tăng hiệu ứng đảo nhiệt đô thị, gây khó khăn cho việc cung cấp nước trong khi mực nước biển dâng có nguy cơ khiến một số khu đô thị ven biển sẽ có thể biến mất trong tương lai. Những tác động khí hậu này càng tăng khi kết hợp các yếu tố dễ bị tổn thương hiện có bao gồm cơ sở hạ tầng và dân số tập trung.
Khi đô thị đối mặt với sự tăng trưởng ngày càng nhanh trong tương lai với nguy cơ gia tăng tính dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu, cần có một kế hoạch tổng thể tích hợp đa ngành nhằm tăng cường khả năng chống chịu. Kế hoạch này có thể có tác động trong cả một vùng vì chuỗi giá trị và nền kinh tế nông thôn thường phụ thuộc vào các đô thị.
Như vậy khả năng chống chịu của đô thị không chỉ liên quan đến biến đổi khí hậu, mà còn liên quan chặt chẽ đến các nỗ lực giảm nghèo, tăng cường hiệu quả năng lượng, cơ sở hạ tầng và giao thông, hợp lý hóa quản lý chất thải, sức khỏe cộng đồng và đạt được tất cả các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs).
Tăng cường khả năng chống chịu của các đô thị
Có thể thấy, đô thị trên toàn cầu chịu nhiều rủi ro liên quan đến thiên tai và khí hậu. Việc thúc đẩy tăng trưởng đô thị sẽ góp phần làm gia tăng khả năng rủi ro do biến đổi khí hậu và tính dễ bị tổn thương đa chiều. Vì vậy, các đô thị phải lồng ghép yếu tố rủi ro khí hậu vào kế hoạch phát triển tổng hợp để nâng cao khả năng chống chịu và đạt được mục tiêu phát triển bền vững.
Theo đánh giá của đại diện Cục Phát triển Đô thị (Bộ Xây dựng), công tác ứng phó với biến đổi khí hậu tại hầu hết các đô thị chưa thực sự gắn kết với các chính sách, chiến lược, kế hoạch, quy hoạch. Biến đổi khí hậu là vấn đề rất mới, những ảnh hưởng thời tiết, thiên tai khó dự đoán và gây thiệt hại lớn. Trong khi đó, Việt Nam lại thiếu các công cụ pháp luật, tài liệu hướng dẫn kỹ thuật, hệ thống dữ liệu, các tiêu chuẩn, quy chuẩn quy hoạch đô thị và quản lý phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ở địa phương, khi xây dựng kế hoạch và triển khai các biện pháp thích ứng, người dân và chính quyền rất hạn chế về nguồn dữ liệu, thông tin và nghiên cứu cấp địa phương. Họ gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận hoặc nắm bắt một cách đầy đủ những nội dung mà các cơ quan chuyên môn cung cấp. Nguyên nhân do dữ liệu, thông tin chỉ được công bố trên một số ít kênh, phương tiện thông tin.
Nhiều tuyến đường tại thành phố Đà Nẵng bị phong tỏa vì ngập sâu do ảnh hưởng bão số 5 |
Bên cạnh đó, tuy Chính phủ đã đầu tư nhiều cho hệ thống quan trắc và phân tích số liệu phục vụ ứng phó biến đổi khí hậu nhưng mức độ chi tiết số liệu cả về không gian và thời gian chỉ dừng ở cấp vùng, khó dùng trong công tác ứng phó cấp cộng đồng.
Việc tự đánh giá khả năng chống chịu giúp các đô thị có cái nhìn tổng quan, làm rõ những điểm mạnh, yếu trên từng khía cạnh của hệ thống đô thị dưới tác động của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của các địa phương hiện nay là vấn đề phát triển đô thị chưa được cụ thể trong văn bản pháp luật nào. Vì vậy, dù nhận thức được sự cần thiết của việc tự đánh giá nhưng các đơn vị đều triển khai rất dè dặt.
Theo đại diện Sở Xây dựng tỉnh Sơn La, tỉnh cần có thêm hướng dẫn cụ thể về lồng ghép các yếu tố rủi ro của đô thị trong công tác quy hoạch, kế hoạch. Một số chỉ số, biến số không có sẵn hoặc nằm rải rác sở các Sở, ngành khác nên khó thu thập, xử lý.
Để tạo đà tăng cường sức chống chịu đô thị, hiện, Bộ Xây dựng đã đưa các chính sách cụ thể về phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu, tiết kiệm năng lượng, xanh, sinh thái vào Chương II Dự luật Phát triển đô thị. Theo đó, những chỉ số quan trọng ngoài ngành xây dựng có liên quan đến đô thị ứng phó biến đổi khí hậu cũng sẽ đưa vào các Nghị định, Thông tư hướng dẫn.
Để tăng cường khả năng chống chịu với thiên tai và khí hậu của đô thị, thời gian tới, các địa phương cần điều tra đánh giá mức độ tác động của biến đổi khí hậu đến đô thị, tích hợp nội dung ứng phó biến đổi khí hậu vào chương trình, kế hoạch phát triển của từng địa phương. Đồng thời, các tỉnh, thành phố cần tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo, cán bộ chuyên môn các cấp về quản lý, phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu. Nếu làm tốt được các nhiệm vụ nêu trên sẽ góp phần giảm nhẹ rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu tại các đô thị trên cả nước.