Tăng cường phòng chống, phát hiện sớm ổ dịch sốt xuất huyết
Số ca mắc mới tiếp tục tăng
Theo báo cáo của CDC Hà Nội, bệnh nhân phân bố tại 30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều ca mắc như: Đan Phượng (46 ca); Thạch Thất (29); Hà Đông (22); Cầu Giấy (20); Chương Mỹ (17); Thanh Oai và Đống Đa mỗi nơi 14 ca; Thanh Xuân (13); Bắc Từ Liêm (11); Phúc Thọ và Hoàng Mai mỗi nơi 10 ca.
Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, toàn thành phố ghi nhận 3.251 ca mắc sốt xuất huyết, không có ca tử vong, giảm 74,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Kiểm tra công tác phòng chống sốt xuất huyết tại nhà dân |
Trong tuần, thành phố ghi nhận 23 ổ dịch sốt xuất huyết tại 19 quận, huyện, thị xã gồm: Bắc Từ Liêm 3 ổ dịch; Phúc Thọ, Thanh Oai mỗi nơi 2 ổ dịch; còn lại mỗi nơi ghi nhận 1 ổ dịch tại Cầu Giấy, Chương Mỹ, Đan Phượng, Đống Đa, Hoài Đức, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Long Biên, Nam Từ Liêm, Quốc Oai, Sơn Tây, Tây Hồ, Thạch Thất, Thanh Trì, Thanh Xuân và Thường Tín. Cộng dồn năm 2024, thành phố ghi nhận 165 ổ dịch, còn 32 ổ dịch đang hoạt động.
Cũng trong thời gian này, thành phố ghi nhận 45 trường hợp mắc tay chân miệng, không có ca tử vong, giảm 7 trường hợp so với tuần trước. Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay ghi nhận 2.006 trường hợp, không có ca tử vong. Trong tuần, TP không ghi nhận ổ dịch; cộng dồn năm 2024 là 41 ổ dịch đã kết thúc hoạt động.
Bệnh sởi ghi nhận 2 ca mắc trong tuần, không có ca tử vong; cộng dồn từ đầu năm đến nay là 6 ca mắc, không có ca tử vong.
Ca mắc sởi trong tuần là bệnh nhân nữ (15 tháng tuổi, địa chỉ quận Đống Đa), tiền sử chưa tiêm vắc xin phòng bệnh sởi, khởi phát bệnh ngày 8/9 với triệu chứng sốt, ho, ngày 11/9 xuất hiện ban từ mặt sau lan ra toàn thân, nhập Bệnh viện Nhi Trung ương, xét nghiệm sởi dương tính.
Bệnh nhân nam (7 tuổi, địa chỉ quận Hoàng Mai), tiền sử tiêm vắc xin chưa đầy đủ, khởi phát bệnh ngày 30/8 với triệu chứng sốt cao, sau đó phát ban ở mặt, thân mình và chân, ngày 9/9 đi khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương, xét nghiệm sởi dương tính.
Bệnh ho gà ghi nhận 4 ca mắc trong tuần, không có ca tử vong; cộng dồn năm 2024 là 232 ca mắc tại 29 quận, huyện, thị xã, không có tử vong.
Bệnh liên cầu lợn ghi nhận 1 trường hợp mắc tại huyện Đan Phượng, không có ca tử vong. Bệnh nhân nam (77 tuổi), tiền sử dịch tễ chưa rõ, khởi phát bệnh ngày 6/9 với triệu chứng sốt cao kèm đau mỏi người, ăn kém, nghe kém. Sau đó, bệnh nhân xuất hiện ý thức lơ mơ, nhập Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương điều trị, xét nghiệm cấy máu cho kết quả dương tính với vi khuẩn liên cầu lợn, hiện tại sức khỏe bệnh nhân ổn định.
Cộng dồn năm 2024 là 9 ca mắc, 1 ca tử vong. Một số dịch bệnh khác như viêm não Nhật Bản, não mô cầu, rubella không ghi nhận trong tuần.
Chủ động phòng dịch sốt xuất huyết sau mưa lũ, ngập lụt
Trong tuần qua, CDC Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện giám sát, điều tra, xử lý dịch tại khu vực có ca bệnh, ổ dịch.
Đồng thời, các địa phương đảm bảo công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh đối với khu vực ngập lụt do mưa lũ tại các quận huyện: Sóc Sơn, Nam Từ Liêm, Ba Đình, Đan Phượng, Thường Tín, Mê Linh, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Thanh Trì.
Đảm bảo công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh đối với khu vực ngập lụt do mưa lũ |
Các đơn vị giám sát hoạt động phòng chống bệnh dại tại huyện Sóc Sơn; thực hiện công tác thống kê, báo cáo theo quy định.
CDC Hà Nội nhận định, hiện tại đã bắt đầu giai đoạn cao điểm của dịch bệnh sốt xuất huyết hàng năm tại Hà Nội (tháng 9 đến 11) với điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường, kết hợp mưa nhiều tạo điều kiện thuận lợi phát sinh muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết.
Theo kết quả giám sát của CDC Hà Nội tại một số ổ dịch vẫn ghi nhận chỉ số côn trùng cao vượt ngưỡng nguy cơ, dự báo số ca mắc sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.
Ngoài ra, bệnh sởi có xu hướng gia tăng tại một số tỉnh, thành phố như TP Hồ Chí Minh, Nghệ An, Thanh Hóa. Tại Hà Nội đã ghi nhận rải rác các trường hợp mắc sởi trên địa bàn, vì vậy dự báo trong thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận thêm các trường hợp mắc sởi, đặc biệt là vào 3 tháng cuối năm.
Trong tuần tới, CDC Hà Nội tiếp tục thực hiện giám sát khu vực ổ dịch sốt xuất huyết đang hoạt động tại: Quất Động (Thường Tín), Phùng Xá (Thạch Thất), Khương Đình (Thanh Xuân), Thượng Cát (Bắc Từ Liêm), Tân Hội (Đan Phượng), Nhật Tân (Tây Hồ), Hàng Bột (Đống Đa), Mỹ Hưng (Thanh Oai), Hợp Đồng (Chương Mỹ). Giám sát hoạt động phòng, chống bệnh dại tại huyện Thạch Thất.
Trung tâm Y tế (TTYT) các quận, huyện, thị xã tổ chức xử lý kịp thời, hiệu quả các ca bệnh, ổ dịch sốt xuất huyết, đặc biệt tại các khu vực ổ dịch có nhiều bệnh nhân.
Các đơn vị tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh môi trường tại các khu vực có nguy cơ cao và các khu vực bị ảnh hưởng do ngập lụt.
Ngoài ra, TTYT phối hợp với ban ngành, đoàn thể hỗ trợ, hướng dẫn người dân thực hiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, nhà cửa ngay sau khi nước rút (nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó); tổ chức phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các khu vực có nguy cơ cao sau khi đã thực hiện vệ sinh môi trường.
Các đơn vị tổ chức giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm ca bệnh, ổ dịch bệnh truyền nhiễm xảy ra trong và sau ngập lụt để xử lý kịp thời như: Sốt xuất huyết, tiêu chảy, đau mắt đỏ, cúm, tả, thương hàn…
Các quận, huyện tổ chức các hoạt động tuyên truyền hưởng ứng ngày Thế giới phòng, chống bệnh dại tại địa phương trong suốt tuần lễ diễn ra hưởng ứng.
Ngoài ra, các địa phương tăng cường công tác truyền thông, thông tin kịp thời, đầy đủ về tình hình dịch bệnh, các biện pháp phòng chống một số dịch bệnh như: Sốt xuất huyết, ho gà, sởi, tay chân miệng…
Với các bệnh có vắc xin, TTYT cần khuyến cáo người dân chủ động tiêm chủng phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của ngành Y tế.