Tăng cường thông tin tuyên truyền phòng, chống dịch tại TP HCM và một số tỉnh phía Nam
Nutifood trợ giá sữa 50%, đồng hành cùng TP HCM và Bình Dương vượt dịch |
Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu, bên cạnh việc thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch bệnh Covid-19 đối với công tác truyền thông, các “binh chủng” báo chí, truyền thông và công nghệ cần tuyên truyền nổi bật các giải pháp của Chính phủ, cấp ủy, chính quyền thành phố; Nỗ lực của thành phố chăm lo đời sống của người dân trong thời gian thực hiện giãn cách, đặc biệt ở tầng lớp người nghèo, người lao động tự do...; Nhấn mạnh sự tăng cường tham gia của quân đội, công an, các lực lượng khác là để cùng TP Hồ Chí Minh hỗ trợ, chăm lo, giúp đỡ Nhân dân vượt qua khó khăn của đại dịch (đặc biệt là lo ăn và lo chữa bệnh cho người dân).
Ảnh minh họa |
Trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, kéo dài, nhiều thách thức, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị báo chí thận trọng trước các thông tin, nhất là các sơ xuất không mong muốn trong việc thực hiện biện pháp phòng, chống dịch, về các ca tử vong do hạ tầng y tế chưa đáp ứng kịp; Không đăng tải các dự báo thiếu căn cứ về các nguy cơ, nhất là việc các doanh nghiệp FDI rút vốn đầu tư.
Cơ quan báo chí cần thận trọng khi sử dụng và không bình luận hình ảnh các phương tiện, vũ khí, khí tài của quân đội công an tại thành phố, tránh để bị lợi dụng, kích động, xuyên tạc, chống phá, đấu tranh, phản bác kịp thời các thông tin giả, xấu độc trên không gian mạng. Cơ quan báo chí có sai sót khi đăng tải thông tin thì phải đính chính ngay; Không giật tít tin, bài theo kiểu dạng nghi vấn, lửng lơ dễ gây suy diễn, hiểu theo hướng tiêu cực liên quan đến công tác phòng, chống dịch, tránh thông tin những hiện tượng cá biệt, đơn lẻ, không phản ánh bản chất tình hình chung...
Bên cạnh đó, các đơn vị cần tăng cường thông tin hướng dẫn người dân thực hiện phòng, chống dịch như: Thực hiện giãn cách, đảm bảo phòng, chống dịch trong sinh hoạt hàng ngày, tự theo dõi và bảo vệ sức khỏe, cách ly và điều trị tại nhà; Tập trung thông tin về những nỗ lực trong công tác điều trị và các kết quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào điều trị, các loại thuốc hỗ trợ điều trị đang phát triển và thử nghiệm thành công trong nước, tiến độ nhập, phân phối và tiêm vắc xin gắn với việc thiết lập các vùng an toàn với F0 (được hiểu là các vùng đã được tiêm vắc xin đối với đại bộ phận dân cư).
Đồng thời, các cơ quan báo chí thông tin nhanh, đúng, đủ liều lượng, rõ ràng về các giải pháp mới của ngành Y tế trong việc đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm, tự xét nghiệm, hoạt động của các đội chăm sóc y tế lưu động tại các phường, xã trên địa bàn quận, huyện, thị xã nhằm giúp người dân yên tâm và biết cách huy động sự trợ giúp về y tế trong quá trình theo dõi sức khỏe tại nơi cư trú.
Các mạng xã hội trong nước, trang tin điện tử tổng hợp tham gia tích cực vào việc lan tỏa các thông tin hữu ích, thiết thực giúp các ngành, các cấp và người dân chống dịch hiệu quả, biết cách làm cụ thể để đảm bảo được các nhu cầu thiết yếu về ăn uống, sinh hoạt, giữ gìn sức khỏe, tự bảo vệ bản thân và gia đình; Tổ chức sử dụng các nền tảng Zalo, Viber... thông báo rộng rãi, ngắn gọn các chính sách để giúp người dân yên tâm thực hiện.
Ngoài ra, các đơn vị cần có giải pháp huy động các “KOLs”, đặc biệt là những tài khoản mạng xã hội có ảnh hưởng tốt trong giới báo chí, truyền thông cùng tham gia chia sẻ những quan điểm, góc nhìn, cách làm có tác động tích cực đến hiệu quả chung của công tác phòng, chống dịch; Dùng những cơ chế phối hợp đặc biệt với các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới, bao gồm cả các biện pháp kỹ thuật để xử lý, bóc gỡ triệt để tin giả, tin xuyên tạc, bóp méo các quan điểm, phương pháp chống dịch, gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý Nhân dân và ảnh hưởng đến hiệu quả công tác chống dịch, ổn định xã hội.
Về thông tin cơ sở, các địa phương cần ưu tiên sử dụng hệ thống loa truyền thanh, hệ thống loa di động... để thông báo ngắn gọn các chính sách, đặc biệt là các thông tin, chính sách cụ thể giúp an dân (như lịch chuyển, cách chuyển hàng hóa nhu yếu phẩm, thuốc đến người dân, các biện pháp chăm sóc F0 ở nhà, các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với từng xã, phường...).
Các đơn vị viễn thông tiếp tục thực hiện việc nhắn tin SMS, gửi thông điệp qua nhạc chờ và qua các hình thức khác để gửi các thông tin, khuyến cáo ngắn gọn, quan trọng cần người dân biết và tuân thủ thực hiện.