Tập trung phát triển ngành dược, công nghiệp dược
Nâng cao chất lượng hoạt động dược lâm sàng Bán thuốc qua mạng nghe hiện đại nhưng rất nguy hiểm Bán thuốc online sẽ tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ Phạt 19 cơ sở hành nghề y, dược, an toàn thực phẩm |
Kinh doanh thuốc trên thương mại điện tử là phù hợp
Mở đầu phát biểu giải trình, làm rõ ý kiến các ĐBQH nêu, Bộ trưởng Đào Hồng Lan thay mặt cho Ban soạn thảo bày tỏ cảm ơn Quốc hội đã quan tâm tới ngành y tế nói chung cũng như các lĩnh vực ngành dược nói riêng.
Trong thời gian vừa qua, với những chính sách hỗ trợ cho ngành y tế cũng như lĩnh vực dược đã có bước phát triển phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh cho người dân.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu giải trình tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV |
Liên quan tới chính sách phát triển công nghiệp dược, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, Luật Dược 2016 cũng có các chính sách để tăng cường việc tự cung, tự cấp thiết yếu cho công tác phòng bệnh, chữa bệnh.
Bộ trưởng thông tin, lúc đó Việt Nam tập trung các thuốc generic (Thuốc generic là bản sao của thuốc biệt dược với thành phần hoạt chất tương tự nhau). Nước ta nguồn lực còn nhiều khó khăn, vì vây mục tiêu của giai đoạn đó là tập trung sản xuất các thuốc generic.
Theo Bộ trưởng, Luật Dược 2016 về phát triển công nghiệp dược cũng có những bước phát triển. Cụ thể: Nếu 2016 nước ta chỉ có 167 cơ sở sản xuất dược thì tới năm 2023 đã tăng lên 238 cơ sở; giá trị sản xuất thuốc tăng từ 20% lên gần 50% giá trị tiền thuốc sử dụng; sản xuất thuốc trong nước cơ bản đáp ứng được thuốc thiết yếu, thuốc thông thường cho công tác khám, chữa bệnh.
Người đứng đầu ngành y tế cho rằng, với mô hình bệnh tật thay đổi, với mục tiêu cao hơn và để kịp thời giải quyết các vấn đề trong thực tiễn thì việc tập trung cho phát triển ngành dược, công nghiệp dược là nhu cầu rất thiết yếu.
Dự thảo cũng quy định các chính sách ưu đãi để phát triển ngành dược liệu liên quan tới chuyển giao công nghệ; sản xuất thuốc mới, thuốc biệt dược, thuốc sản phẩm công nghệ cao, vaccine, thuốc cổ truyền, nuôi trồng dược liệu… để các cơ quan theo thẩm quyền có những hướng dẫn triển khai cụ thể.
Về loại hình kinh doanh chuỗi nhà thuốc, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho hay, đây không phải quy định mới trong dự án luật lần này mà đã được quy định trong Luật Dược 2016.
Tuy nhiên, trong Luật 2016 chưa có nhiều điều khoản quy định cụ thể loại hình kinh doanh này. Lần sửa đổi Luật Dược này, Ban soạn thảo mong muốn quy định cụ thể về cơ cấu, tổ chức, điều kiện kinh doanh; phát huy tính ưu việt của chuỗi nhà thuốc; kiểm soát chất lượng thuốc, giá thuốc, dịch vụ đi kèm…
“Tiếp thu ý kiến các ĐBQH, Ban soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát, chỉnh lý các quy định liên quan đến điều kiện thẩm quyền, cấp giấy chứng nhận, trách nhiệm nhà thuốc thuộc chuỗi”, Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh.
Đối với phương thức kinh doanh thuốc thương mại điện tử, theo Bộ trưởng, cùng với sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0, trải qua dịch COVID-19… việc kinh doanh, mua sắm trên internet, giao dịch điện tử ngày càng phổ biến.
Để kiểm soát được chất lượng thuốc, dự thảo luật cũng quy định: Chỉ cho phép các cơ sở đủ điều kiện kinh doanh theo phương thức truyền thống thì được phép kinh doanh thêm thương mại điện tử. Trong dự thảo luật cũng chỉ cho phép các thuốc không kê đơn được phép kinh doanh trên thương mại điện tử.
Nội dung quảng cáo phải đúng theo nội dung Bộ Y tế
Về quyền và trách nhiệm của các cơ sở kinh doanh có vốn đầu tư nước ngoài, Bộ trưởng bày tỏ thống nhất với nhiều ý kiến mà ĐBQH đã nêu.
Đồng thời, Bộ trưởng cho rằng, một mặt thu hút được các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nhưng đồng thời phải đảm bảo an ninh về thuốc tại Việt Nam.
Tại dự thảo luật lần này mở ra một bước kinh doanh đối với các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam. Điều này thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam cũng tương tự như các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất trong nước.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan |
Liên quan đến vấn đề quảng cáo, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết: Đối với thuốc kê đơn không được quảng cáo; đối với thuốc không kê đơn thì được quảng cáo và phải đúng với giấy phép đã được Bộ Y tế cấp đối với sản phẩm đó. Vì vậy, chúng ta có thêm một hoạt động nữa là xác nhận nội dung quảng cáo dẫn đến phát sinh thêm 1 thủ tục hành chính.
Trong khi đó, tại Quyết định số 1661/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phải ra soát, cắt bỏ thủ tục hành chính này. Còn nội dung quảng cáo phải đúng theo nội dung Bộ Y tế cấp, bảo đảm theo quy định chứ không phải “muốn đưa nội dung gì lên cũng được”.
Về ôxy y tế, Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói, hiện về quan điểm quản lý ô-xy y tế có 2 luồng ý kiến: Thứ nhất coi là trang thiết bị và đề nghị đưa vào Luật Trang thiết bị để xây dựng trong thời gian tới; thứ hai coi đây là thuốc đưa vào Luật Dược.
“Chúng tôi đã có báo cáo, giải trình gửi cho các ĐBQH. Tuy nhiên, chúng tôi thấy thế này: Chúng ta phải quản lý ôxy y tế phải có sự chỉ định của bác sĩ với liều lượng nhất định. Chúng tôi cũng đề xuất đưa đầu mục ôxy y tế vào luật để mai sau có căn cứ hướng dẫn.
Nếu ĐBQH cho rằng, đưa ôxy y tế vào dự án luật không phù hợp thì trong kết luận của Quốc hội cũng cho phép Chính phủ sẽ ban hành một nghị định riêng về quản lý ôxy y tế. Chúng tôi muốn làm sao để minh bạch trong quản lý cũng như triển khai thực hiện nhiệm vụ ôxy y tế”, Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.
Giải trình về quản lý giá bán buôn toàn chặng, Bộ trưởng thông tin, vấn đề này cũng đã quy định trong Luật Dược 2016.
“Trong thời gian vừa qua thì giá thuốc rất thấp so với CPI hằng năm và được Đông Nam Á đánh giá là Việt Nam có giá thuốc tăng thấp nhất. Tiếp thu ý kiến các ĐBQH, chúng tôi sẽ nghiên cứu thêm và giải trình thêm hoặc bổ sung thêm để làm sao chúng ta đạt được vấn đề quản lý giá theo Luật Giá, tránh việc tăng giá thuốc”, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh.