Bán thuốc qua mạng nghe hiện đại nhưng rất nguy hiểm
Đồng bộ quy định về đấu thầu thuốc, thiết bị y tếCấp mới, gia hạn giấy đăng ký lưu hành gần 700 loại thuốcĐề xuất cấm kinh doanh dược trên mạng xã hội |
Thảo luận tại tổ, đại biểu Trần Thị Nhị Hà (đoàn Hà Nội) lo ngại thời gian qua có thực trạng một số mặt hàng như thuốc tránh thai, thuốc kháng sinh được quảng bá, rao bán trên một số sàn thương mại điện tử như Shopee, TikTok. Trong đó, có một số loại thuốc gây nhiều tác dụng phụ như chảy máu, dị ứng.
Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo quản lý chặt chẽ việc quảng cáo, rao bán các loại thuốc trên sàn thương mại điện tử.
ĐBQH Trần Thị Nhị Hà |
Cùng với đó, đại biểu cũng đặt ra câu hỏi tại sao thuốc trên các sàn thương mại điện tử lúc nào cũng rẻ hơn giá bán buôn của các cơ sở kinh doanh thuốc truyền thống.
“Chúng ta phải đặt vấn đề về chất lượng, nguồn gốc của sản phẩm, đề nghị ban soạn thảo đưa ra quy định để quản lý thuốc chặt chẽ” - đại biểu Trần Thị Nhị Hà nêu quan điểm.
Nhất trí với việc thay đổi Luật Dược, đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Hà Nội) cho hay, thực tế thời gian qua có rất nhiều vấn đề phát sinh về mua bán, sử dụng thuốc trong các bệnh viện cũng như bên ngoài. Việc gia hạn số lưu hành thuốc hiện nay là vấn đề rất khó khăn cho các thuốc đã lưu hành, dùng rất nhiều năm nhưng cứ đến hạn là phải gia hạn.
Đại biểu đề nghị dự thảo Luật gia hạn tự động nếu như thời gian sử dụng trước đó không có vấn đề gì.
Ông cũng đề nghị cần ghi rõ trách nhiệm của Bộ Y tế trong việc thuốc bán online gây nguy hại đến sức khoẻ, những sản phẩm quảng cáo là thuốc nhưng không phải là thuốc. Cụ thể, đề nghị ghi rõ trong dự thảo Bộ Y tế có trách nhiệm phát hiện, xử lý quảng cáo thuốc giả mạo trên mạng xã hội; cung cấp cho cơ quan chức năng điều tra và thông tin cho người dân biết để phòng tránh.
Liên quan việc mua thuốc theo đơn của thầy thuốc online, có đơn và nhà thuốc ship đến tận nhà, vừa qua Uỷ ban Xã hội cũng không ủng hộ ý kiến và chỉ đồng ý cho mua tại nhà thực phẩm chức năng. Theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, thực tế rất nhiều nhà thuốc chỉ cần chụp ảnh đơn thuốc là chuyển đến tận nhà, do đó nếu cấm cơ học thì không có giải pháp.
“Vì vậy tôi đề nghị cho triển khai nhưng phải quy định rõ ràng, bắt đầu từ chính nhà thuốc và chính các bệnh viện. Bệnh nhân ra viện, 3 tháng sau mua thuốc thì quy định những nhà thuốc có hồ sơ bệnh án điện tử có thể chuyển thuốc đến tận nhà cho người dân” - đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nêu quan điểm.
Đoàn ĐBQH TP Hà Nội thảo luận tại tổ |
Về nội dung này, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP Hồ Chí Minh) dẫn số liệu của một số quốc gia, theo đó, 75% thuốc phân phối qua mạng là thuốc kém chất lượng và thuốc giả. Tại Việt Nam, việc quản lý chất lượng thuốc đối với các nhà thuốc lớn còn tồn tại nhiều khó khăn, do đó, làm thế nào để quản lý bán thuốc trên mạng không phải là điều dễ dàng.
Theo bà, quy định về vấn đề này trong dự thảo luật còn quá đơn giản, rời rạc, cần phải đầu tư nghiên cứu thêm, nếu không hậu quả sẽ rất... khóc hại. “Nếu không quản lý chặt, chúng ta sẽ thả gà ra đuổi. Mà “gà” ở đây chính là tính mạng của người dân”, đại biểu nhấn mạnh.
Đồng tình với ý kiến thẩm tra của Ủy ban Xã hội, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đề xuất không đưa thuốc kê đơn vào danh mục thuốc được bán qua sàn thương mại. Với thuốc không kê đơn, phải có quy định chặt chẽ, tổ chức trong khuôn khổ an toàn và trật tự hơn.
Đồng quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Tri Thức (đoàn TPHCM) khẳng định “không bao giờ ủng hộ” bán thuốc qua mạng.
Ông nêu câu chuyện thực tế tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Theo đó, do bệnh nhân chờ nhận thuốc Bảo hiểm y tế quá lâu, có khi tới 5 - 6 ngày, Bệnh viện đã có sáng kiến chuyển thuốc tới tận nhà cho bệnh nhân.
“Tuy nhiên, khi triển khai, chưa nói tới chuyện vận chuyển trong thời tiết mưa gió, đã có trường hợp người giao thuốc đổi thuốc của bệnh nhân. Thuốc xịn bị đổi thành loại thuốc cùng hoạt chất nhưng giá thành rẻ hơn. Sau một tuần, Bệnh viện đã phải dừng ngay việc này”, đại biểu chia sẻ và nhấn mạnh: Việc bán thuốc qua mạng “nghe rất hiện đại nhưng cực kỳ nguy hiểm”.