Tập trung xử lý môi trường, phòng chống dịch bệnh
Các quận, huyện đồng loạt ra quân vệ sinh môi trường
Theo báo cáo nhanh của Sở Y tế về công tác đáp ứng y tế trong mùa mưa lũ năm 2024, do ảnh hưởng của bão số 3 với cường độ rất mạnh, toàn thành phố có 27 quận/huyện, 184 xã/phường, 449 điểm ngập úng.
Với phương châm nước rút đến đâu, xử lý môi trường đến đó, ngành Y tế Hà Nội đã chỉ đạo tập trung nguồn lực cho công tác vệ sinh môi trường.
Hướng dẫn người dân vệ sinh môi trường sau nước rút |
Tính đến chiều ngày 15/9, trên địa bàn thành phố còn 15 quận/huyện, 101 xã/phường, 302 điểm ngập úng. Tổng số hộ gia đình bị ngập là 39.116 hộ, số hộ hiện còn ngập 13.540 hộ, số hộ đã được xử lý môi trường là gần 24.000 hộ.
Bên cạnh đó, thành phố có 52 điểm chân rác bị ngập, trong đó đã xử lý được 36 điểm. Về cấp phát thuốc, hóa chất khử trùng, các trung tâm y tế đã cấp 5.450kg Cloramin B, 620kg vôi bột, 30,4 kg phèn chua phục vụ cho công tác xử lý nước, môi trường.
Phun khử khuẩn tại trường Mầm non Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì |
Trong 2 ngày 14 và 15/9, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Thanh Trì huy động toàn bộ cán bộ viên chức, người lao động tại các khoa, phòng, phòng khám đa khoa khu vực Đông Mỹ, trạm y tế 16 xã, thị trấn tham gia các hoạt động tổng vệ sinh môi trường tại đơn vị mình và phối hợp tổng vệ sinh môi trường chung trên địa bàn.
Đồng thời, huyện cũng kết hợp phát thanh tuyên truyền các biện pháp vệ sinh môi trường và phòng chống dịch bệnh, sử dụng nước sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm trong và sau lũ, úng lụt trên hệ thống đài phát huyện và đài truyền thanh các xã, thị trấn.
Nhằm đảm bảo 100% các trường khối mầm non trên địa bạn huyện Thanh Trì được thực hiện phun khử khuẩn phòng, chống dịch bệnh sau mùa mưa lũ, TTYT huyện Thanh Trì đã xây dựng kế hoạch 2163/KH-TTYT ngày 13/9/2024 về “Tổ chức phun khử khuẩn phòng, chống dịch bệnh mùa mưa lũ tại các trường học khối mầm non trên địa bàn huyện Thanh Trì năm 2024” vào ngày 14-15/9.
Trong 2 ngày Trung tâm Y tế huyện Thanh Trì đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn và 103 điểm trường mầm non trên địa bàn, xử lý phun khử khuẩn ngoài sân trường, trong lớp học…với 1.203 phòng học; 148 bếp ăn, căng tin và 901 nhà vệ sinh được phun.
Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống dịch
Cũng theo báo cáo về tình hình ngập úng tại các cơ sở y tế, tính đến chiều ngày 15/9 có 5 Trạm Y tế là Mỹ Lương và Nam Phương Tiến A (TTYT huyện Chương Mỹ), Trạm Y tế Ngô Quyền (TTYT Sơn Tây), Trạm Y tế Phù Lưu và Hồng Quang (TTYT Ứng Hòa) còn bị ngập.
Các trạm bị ngập được bố trí sang các địa điểm tạm thời để đảm bảo an toàn về nhân lực, tài sản, trang thiết bị, thuốc… tiếp tục thực hiện công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức nhân dân địa phương.
Về tình hình dịch, bệnh trong khu vực ngập lụt, theo báo cáo của Sở Y tế, toàn TP có 508 bệnh nhân mắc bệnh về da, 42 ca mắc bệnh tiêu hóa, 117 trường hợp mắc bệnh về mắt, 1 ca mắc sốt xuất huyết.
Hướng dẫn người dân vệ sinh môi trường sau nước rút tại huyện Ứng Hoà |
Các đơn vị đã chủ động cấp phát thuốc phòng bệnh gồm thuốc kháng sinh đường ruột, thuốc bôi ngoài da, men tiêu hoá, thuốc nhỏ mắt cho người dân tại các điểm ngập úng như tại huyện Quốc Oai phát 21 loại thuốc, huyện Sóc Sơn phát 9 loại thuốc, huyện Chương Mỹ phát 13 loại thuốc.
Tại các cơ sở y tế đảm bảo tốt hoạt động khám, chữa bệnh trên địa bàn; tổ chức thường trực khám chữa bệnh 24/24 giờ, không để gián đoạn công tác khám chữa bệnh.
Nhằm triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh và chủ động xử lý môi trường sau mưa bão, Trung tâm Y tế quận Ba Đinh thành lập các tổ giám sát vệ sinh môi trường phòng chống dịch bệnh sau mưa bão.
Các đơn vị tổ chức đánh giá, đề xuất quận phương án điều hành, phân vùng, thu gom rác thải, tổng vệ sinh môi trường tại các điểm ngập lụt sau khi nước rút.
Ngoài ra, TTYT quận Ba Đình tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường trong mùa bão lụt theo các khuyến cáo của Bộ Y tế.
Quận Ba Đình cũng tiếp cực triển khai các biện pháp bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là nguồn nước sau khi nước rút; giám sát, phát hiện kịp thời và xử lý triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm xảy ra trước, trong và sau mưa lũ, đặc biệt là vùng bị mưa bão, ngập lụt.
Trong thời gian tới, Sở Y tế Hà Nội tiếp tục chỉ đạo các bệnh viện tuyến thành phố, bệnh viện ngoài công lập và các bệnh viện trên địa bàn, hệ thống y tế tư nhân sẵn sàng tham gia cứu nạn, nhận và triển khai nhiệm vụ hỗ trợ khi có yêu cầu của cấp trên.
Các đơn vị tiếp tục triển khai các hoạt động tổng vệ sinh môi trường khi nước rút theo phương châm nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó, tổ chức thu gom xử lý xác động vật phát sinh các bệnh truyền nhiễm, phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các khu vực có nguy cơ.
Ngoài ra, các quận, huyện tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho bệnh nhân và người dân tại cộng đồng về công tác nước sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường phòng, chống dịch bệnh thường xuất hiện sau mùa mưa bão, ngập lụt, phòng chống tai nạn thương tích với nhiều hình thức (truyền thông trực tiếp tại hộ gia đình bị ngập, phát tờ rơi, phát thanh hàng ngày…).