Tết đặc biệt của cặp đôi "diệt Covid-19" ở tâm dịch Chí Linh
Chúng tôi là "cặp đôi diệt Covid-19"
Từ những ngày Chí Linh có ca lây nhiễm Covid-19 đầu tiên đến nay, anh Bắc và chị Ánh đã cùng nhau tham gia vào cuộc chiến chung chống Covid-19 tại TTYT TP Chí Linh.
Ra chiến trường, mọi tình cảm riêng tư đều phải gác lại để trở thành đồng đội chung một chiến hào chống Covid-19. Các y, bác sĩ tại đây gọi họ là “cặp đôi diệt Covid-19”.
Chị Ánh (phải) đang làm việc cùng đồng nghiệp trong phòng làm việc |
Anh Bắc là bác sĩ của Khoa Khám bệnh trực tiếp tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19. Còn chị Ánh lại là một trong 5 thành viên của tổ thực hiện xét nghiệm cho các bệnh nhân Covid-19. Nhận được nhiệm vụ từ cấp trên, anh chị chỉ kịp gọi về cho ông bà để dặn dò và gửi gắm con nhỏ.
Bằng sự dạn dày của một người đàn ông từng trải, một bác sĩ có nhiều kinh nghiệm anh Bắc chắc hẳn cũng chưa từng nghĩ mình và vợ sẽ phải đối đầu với một cuộc chiến đặc biệt đến vậy.
Anh Bắc tâm sự: “Mọi thứ diễn ra trong một khoảng thời gian quá gấp gáp. Chúng tôi phải làm việc với một cường độ gần như quá tải so với ngày thường. Số lượng bệnh nhân đông mà lại là bệnh nhân Covid-19 nên khoảng thời gian đầu cũng khá căng thẳng”.
Những ngày làm nhiệm vụ tại TTYT Chí Linh, điều khiến anh chị lo lắng nhất chính là hai con nhỏ ở nhà. Cháu lớn học lớp 7, cháu nhỏ học lớp 3 đều là F2 nên phải tự cách ly ở nhà. Trong những ngày bố mẹ đi vắng, hai đứa phải ở với bà. Trong suy nghĩ ngây thơ của những đứa trẻ, ngày bố mẹ đi vắng thì “sẽ được xem tivi nhiều hơn” và “thích làm gì thì làm”.
Anh Bắc kể: “Có hôm đang làm thấy con gái út nhắn tin coi bộ gấp gáp lắm. Anh tưởng con ốm hay ở nhà có chuyện gì. Mở máy ra thấy con thông báo: “Bố ơi, con được gọi bằng “bà” đấy. Thông báo bảo “bà” Vũ Hải Vân Trang (sinh ngày 20/2/2012) là đối tượng F2 sẽ phải cách ly tại nhà bố ạ”. Khoảnh khắc đó mình vừa buồn cười mà lại vừa thấy thương con”.
Hai vợ chồng chị Ánh trong màu áo blouse trắng những ngày chưa có "Covid-19" |
Vượt qua nỗi nhớ gia đình ngày Tết để hoàn thành nhiệm vụ
Lấy nhau từ năm 2007, trong 14 năm qua thì có lẽ đây là khoảng thời gian thử thách nhất với chị Ánh. Chị tâm sự: “Chưa bao giờ mình thấy buồn đến thế. 10 ngày trước khi dịch bùng vừa mới nhận tin anh rể qua đời. 25 Tết, đang trong ca làm việc thì lại bủn rủn hết cả người khi nhận tin cháu ruột qua đời. Ngồi trong labo xét nghiệm, tôi sững đi mấy chục phút mới có thể định thần lại. Khoảnh khắc đó tôi nghĩ nghề Y thật lắm gian lao”.
Đang giữa những ngày căng thẳng với Covid-19, anh chị hiểu rằng nếu mình buồn chán thì sẽ ảnh hưởng đến công việc chung của mọi người nên chị Ánh và chồng chỉ biết nhắn tin động viên nhau và gia đình ở hậu phương cố gắng vượt qua mất mát. Thế mới thấy, trong chiến hào của cuộc chiến, “những niềm thương” buộc phải gác lại.
Gọi là đồng đội cùng chung chiến hào nhưng 20 ngày qua tuy làm việc chung trong một bệnh viện họ lại không được gặp mặt trực tiếp. Chúng tôi hỏi: “Thế nhớ nhau phải làm thế nào?”. Chị Ánh đáp, trong nhịp trầm của lời kể gói ghém sự sâu thẳm của một nữ lính ngành Y: “Hai vợ chồng phải “nhịn nhớ”, “nhịn thương”, tất cả đều gửi gắm qua Zalo. Dù chồng có mặc bộ quần áo bảo hộ kín mít đi nữa thì tôi cũng nhận ra. Nhiều lúc, phải quay vào trong thật nhanh để không chạy ào tới ôm chồng. Giây phút đó mình bỗng “ghét” Covid-19 đến lạ lùng”.
Đêm 30 Tết, chị Ánh nhận được tin nhắn của chồng: “Làm sao cùng nhau đón Giao thừa được nhỉ?”. Chị Ánh nhắn lại: “Em có cách rồi. Chồng ra ngoài đi!”. Từ tầng 2 của khu xét nghiệm, vẫn mặc nguyên bộ đồ bảo hộ, chị Ánh gọi chồng bằng cách mà như chị nói “từ hồi lấy nhau giờ mới gọi lại”: “Người yêu ơi! Quay lại đây, em nhìn một tý!”. Anh Bắc quay lại, chị Ánh và chồng trao đổi ánh mắt trong phút chốc rồi vội vàng trở về với nhiệm vụ quen thuộc.
Họ mang trong mình duyên nghiệp với nghề Y và cả sự trân trọng dành cho nhau. Anh Bắc đã từng tuyên bố: “Không bao giờ lấy vợ cùng ngành Y mà “ghét của nào trời trao của đấy!”. Còn chị Ánh thì dõng dạc: “Mình thần tượng chồng từ hồi học cấp 3 nên quyết tâm hết mình để theo đuổi nghề Y và tán bằng được anh”.
Chưa bao giờ trong cuộc đời làm nghề họ lại nhận được nhiều sự yêu thương đến vậy. Chị Ánh chia sẻ: “Chúng tôi thiếu cái gì báo cáo là hôm sau chính quyền và người dân tiếp ứng, ủng hộ đầy đủ. Chúng tôi được tiếp lửa và biết rằng mình đang làm những điều tử tế, thiện lương”.
Cuộc chiến với Covid-19 tuy không có bom đạn, nhưng sự hy sinh lại là điều không tránh khỏi. Họ cống hiến hết mình vì trách nhiệm và vì sứ mệnh thiêng liêng của những người mang trên mình chiếc áo blouse trắng.