Tết đoàn tụ, mang ấm áp về nhà
Hành trình lan tỏa Tết ấm áp, yêu thương Những nét đẹp văn hóa trong phong tục cúng ông Công, ông Táo Tết nghĩa là hy vọng |
Sum họp đầm ấm
Mỗi khi xuân về, người Việt Nam thường có thói quen trở về quê nhà để sum họp, ôn lại kỷ niệm và chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn cùng nhau.
Tết của người Việt không thể thiếu mai đào khoe sắc, quất vàng mọng trĩu quả, nhuộm màu rực rỡ cho ngôi nhà, mang không khí gia đình sum vầy. Bởi đây là dịp mọi người cùng nhau đi chợ chọn từng cây đào, cây quất để trang hoàng nhà cửa, sắm những đồ dùng thiết yếu và tham gia vào những hoạt động truyền thống.
Việc cùng nhau tụ họp, chuẩn bị Tết không chỉ tạo ra những sản phẩm tinh thần như bánh chưng, mâm cỗ ngày Tết mà còn kết nối từng thành viên, giúp gia tăng sự đoàn kết trong mỗi gia đình nhỏ, lưu trữ những giá trị cổ truyền của dân tộc. Những buổi tụ tập trong căn bếp luôn nổi lửa, những câu chuyện rôm rả trong bữa cơm thân mật, phát ra tiếng cười nói vui vẻ, tạo nên những kí ức đẹp đẽ không thể nào quên.
Tranh thủ những ngày giáp Tết, Diệp rủ mẹ chụp ảnh áo dài lưu giữ kỷ niệm |
Cũng vì lý do này mà bạn Ngọc Diệp (24 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội), hiện đang là du học sinh Trung Quốc luôn cố gắng hoàn thành các học phần thật nhanh để có thể trở về Việt Nam để ăn Tết cổ truyền. Đối với Diệp, khoảnh khắc được đón Tết cùng người thân rất trân quý.
Cô chia sẻ: “Cả năm ở nơi đất khách quê người, phải xa bố mẹ mình, ông bà mình nhớ lắm, nên phải tranh thủ sắp xếp đúng dịp Tết để về Việt Nam. Mình nghĩ, Tết cổ truyền mang nét rất riêng của người Việt, bởi nó chứa đựng nhiều phong tục kéo dài cả tuần là từ 23 là đưa ông Táo về trời, rồi tất bật dọn dẹp nhà cửa, sắm sửa tới 30 đón giao thừa...
Đây đều là những hoạt động cần huy động tất cả các thành viên gia đình mỗi người một tay để chuẩn bị cho những ngày đặc biệt này. Hoạt động thích nhất là cùng ông bà tỉ mẩn gói bánh chưng, đi chợ hoa cùng mẹ, kiểu ra đường thấy mọi người sắm sửa bản thân cũng cảm thấy vui lây, háo hức. Mỗi năm chỉ có 1 dịp như này nên mình trân trọng lắm".
Tiếp thêm năng lượng tích cực
Đón Tết bên gia đình cũng là dịp để mọi người nhìn lại những khoảnh khắc thăng trầm trong cuộc sống, cùng nhau chia sẻ những thành công, những khó khăn trong năm cũ. Đối với nhiều người, những giây phút được đoàn tụ, ở bên cạnh người thân chính là thang thuốc bổ tốt nhất để củng cố tinh thần, tiếp năng lượng tích cực, thúc đẩy động lực để vượt qua mọi khó khăn phía trước.
Hơn hết, việc trở về bên gia đình để đón Tết là thời điểm hiếm hoi để các thế hệ giao lưu, gặp gỡ, tìm hiểu về truyền thống và giá trị của gia đình. Những câu chuyện lâu dài được kể lại, những bí quyết gia truyền được chia sẻ giúp các thế hệ trẻ học hỏi và hiểu rõ hơn về nguồn gốc của mình.
Những giá trị văn hóa đong đầy trong ngày Tết |
Bạn Duy Anh (25 tuổi, Đống Đa, Hà Nội) hiện đang công tác trong thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ: “Làm xa nhà nên mình ít khi có cơ hội được gặp anh em họ hàng trực tiếp, đến bố mẹ cũng 4,5 tháng mới có dịp về thăm một lần, hầu như chỉ gọi qua video.
Vì vậy, Tết là kỳ nghỉ lễ dài ngày mình được trở về nhà, thăm gia đình, gặp trực tiếp những người anh người chị, cô dì chú bác và được thưởng thức những món ăn Hà Nội đặc trưng chỉ có trong Tết do mẹ nấu. Tết cổ truyền luôn là gì đó rất đặc biệt, giúp mình cảm nhận được rõ hơn hương vị sum vầy".
Tết dù có chuẩn bị cầu kỳ hay đơn giản, trọn vẹn nhất vẫn là được sum vầy bên gia đình, tận hưởng không khí lễ hội, ôn lại chuyện cũ và tạo ra những kỉ niệm mới đáng nhớ.
Mang theo những giá trị, ý nghĩa nhân văn cao đẹp, Tết Nguyên đán theo năm tháng trở thành nét đẹp văn hoá trường tồn, có ý nghĩa đặc biệt đối với mỗi người dân Việt Nam, được thế hệ cha ông sáng tạo, giữ gìn, truyền lại qua bao thế hệ.