Những nét đẹp văn hóa trong phong tục cúng ông Công, ông Táo
Cách tỉa chân nhang, dọn dẹp bàn thờ ngày 23 tháng Chạp Tiễn ông Táo về trời cùng muôn vàn kiểu cá chép độc, lạ Thả cá chép xuống sông, ni lông ở lại |
Theo tục lệ, đúng ngày 23 tháng chạp, mỗi gia đình Việt Nam đều tất bật chuẩn bị mâm cơm cúng tươm tất, cá chép, hương hoa tiễn ông Công, ông Táo chầu trời để bẩm báo với Ngọc Hoàng những chuyện lớn, chuyện nhỏ trong năm cũ nhằm rút kinh nghiệm, đồng thời đặt ước nguyện cho năm mới.
Trong tác phẩm “Thương nhớ mười hai”, của Vũ Bằng, ở “Chương 12: Tháng chạp - Nhớ ơi chợ Tết” có đoạn nói về ngày ông Công ông Táo: “Từ sáng tinh sương, chưa bước chân xuống giường, tôi đã nghe thấy rao ơi ới ở khắp các nẻo đường: “Ai mua cá ông Táo không?”, “Cá ông Táo không nào”.
Được lưu lại trong nhiều áng văn thơ, “thả cá chép” là một trong những nghi thức quan trọng không thể thiếu trong lễ ông Công, ông Táo. Dân gian thường nói rằng cá chép vượt qua cánh cửa vũ môn, biến hình thành rồng và bay lên trời.
Mâm cỗ cúng ông Công, ông Táo ngày 23 tháng chạp |
Vào ngày này, mỗi mọi gia đình đều tham gia thả cá chép vào những vùng sông nước, hồ lớn, đó vừa là một nghi thức tập thể, vừa là sự trao trả sự sống cho những sinh linh nhỏ bé. Điều này mang lại giá trị tâm linh, kết hợp với hành động bảo vệ môi trường và tạo ra nguồn thức ăn để nuôi dưỡng tự nhiên.
Đặc biệt, không hiếm để bắt gặp hình ảnh ông bà đưa cháu, bố mẹ đưa con tham gia hoạt động phóng sinh cá, từ đó truyền đạt những giá trị truyền thống, văn hóa và phong tục mà thế hệ ông cha để lại cho đến ngày nay. Mục tiêu là giáo dục cho con em biết giữ gìn, nhớ về cội nguồn của mình.
Ngoài việc chuẩn bị "phương tiện" cho ông Công, ông Táo về trời, đồ lễ cúng cũng là một việc đặc biệt quan trọng, thường sẽ có một bộ mã ông Công và ba bộ mã ông Táo. Tuỳ vào điều kiện của từng gia đình, mâm cỗ sẽ được chuẩn bị hương hoa, quả, trầu cau, gà luộc, canh măng, chả giò... miễn thể hiện được tấm lòng thành của gia chủ tri ân những vị thần đã tận tâm cai quản việc bếp núc trong gia đình cả một năm.
Cũng nhờ việc thực hiện lễ cúng ông Công, ông Táo về trời, nhà nhà hân hoan ra bờ sông thả cá chép vàng, mỗi người đều cảm nhận được hương vị Tết Nguyên đán đang tới gần trên khắp mọi nẻo đường, góc phố, len lỏi vào từng mái nhà.
Với những giá trị tốt đẹp, ý nghĩa sâu sắc song hoạt động thờ cúng ông Công, ông Táo đã khắc họa rõ nét đời sống tâm linh phong phú của người Việt, trở thành một truyền thống văn hóa tốt đẹp, mang đầy tính nhân văn, hướng đến chân, thiện, mỹ.