Tháng 12 nhớ “cha đẻ” của “Em bé Hà Nội”
Lan Hương vào vai Ngọc Hà trong phim "Em bé Hà Nội"
Bài liên quan
Vì Hà Nội không rác thải nhựa – Hành động của cả cộng đồng!
Hà Nội tuyển dụng bổ sung 463 viên chức vào cơ sở giáo dục công lập
Hành trình “Tôi yêu Tổ quốc tôi” năm 2019 dừng chân tại Hà Nội
Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội gặp mặt các chức sắc nhân dịp Giáng sinh
Người “cống hiến trọn đời” cho điện ảnh
NSND Nguyễn Hải Ninh là một trong những người đầu tiên xây dựng nền móng cho điện ảnh cách mạng Việt Nam. Ông sinh năm 1931 tại Hoằng Hóa, Thanh Hóa, tốt nghiệp lớp quay phim- đạo diễn đầu tiên của trường Điện ảnh Việt Nam.
Trong suốt cuộc đời mình, ông đã đóng góp những tác phẩm vô giá, ghi đậm những dấu ấn trong lịch sử điện ảnh nước nhà như “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, “Thành phố lúc rạng đông”, “Mối tình đầu”, “Đêm hội Long Trì”…
NSND Hải Ninh nhận giải Cống hiến trọn đời tại Cánh diều vàng 2008 |
Trong suốt cuộc đời làm điện ảnh của mình, NSND Hải Ninh đã ghi dấu tên tuổi của mình trong nhiều tác phẩm quan trọng của điện ảnh nước nhà. Vì thế, ông đã đoạt nhiều giải thưởng cao quý.
Có thể kể đến các tác phẩm “Người chiến sĩ trẻ” giải Bông sen vàng tại LHPVN lần I; Bằng khen của Hội Điện ảnh và của Đoàn Thanh niên Komxomon Liên Xô tại LHP quốc tế Matxcơva; “Rừng o Thắm” giải Bông sen bạc LHPVN lần I, 1970; “Vĩ tuyến 17, ngày và đêm” giải Bông sen bạc LHPVN lần II, giải thưởng Hòa bình thế giới của Liên bang Xô Viết tại LHP quốc tế Matxcơva 1973.
NSND Hải Ninh- "cha đẻ" của bộ phim "Em bé Hà Nội" |
Bên cạnh đó là các bộ phim “Thành phố lúc rạng đông” Giải thưởng Lớn (Grand Prix) của Nhà nước Đức trao tặng, 1975; “Mối tình đầu” giải Bông sen bạc LHPVN lần V, 1980; giải Đạo diễn xuất sắc, giải nhất chính thức tổ chức Unesco tại Cacslôvy Vary, 1978; giải bạc LHPQT phim Tân hiện thực lần thứ 21 ở Ý, 1981; “Kiếp phù du” giải Bông sen bạc LHPVN lần IX, 1990…
“Em bé Hà Nội” là một trong 4 phim truyện nhựa (cùng “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, “Người chiến sĩ trẻ”, “Mối tình đầu”) đã đem lại cho NSND Hải Ninh Giải thưởng Hồ Chí Minh. Năm 1984, ông được phong tặng danh hiệu NSND. Ông cũng là người duy nhất được vinh danh trong giải “Cống hiến trọn đời” trong Cánh diều vàng 2008.
Ông mất năm 2013, hưởng thọ 82 tuổi. Con trai ông là đạo diễn Nguyễn Thanh Vân cùng con dâu là đạo diễn Phạm Nhuệ Giang tiếp tục nối gót cha, trở thành những người đóng góp nhiều công sức cho điện ảnh nước nhà.
“Em bé Hà Nội”- dấu ấn đặc biệt trong cuộc đời đạo diễn
Riêng với phim “Em bé Hà Nội”, đây là một dấu ấn đặc biệt trong cuộc đời đạo diễn của ông, như ông tâm sự: “Với bộ phim nhiều chất thơ như “Em bé Hà Nội”, tôi làm theo cảm xúc khi “gặp” được chất liệu là cô bé Lan Hương.
Tôi coi bộ phim này như một nén nhang thắp trước linh hồn những người đã khuất”.
Vì vậy, “Em bé Hà Nội” đã vẽ nên một chân dung Hà Nội đau thương khốc liệt vì bom hủy diệt của Mỹ nhưng cũng đầy sức sống, đầy chất thơ trong từng số phận, từng con người Hà Nội.
NSND Hải Ninh từng kể: “Trong những ngày làm phim “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, đúng vào lúc cần gấp rút hoàn thành thì Mỹ ném bom Hà Nội 12 ngày đêm. Cả hãng đi sơ tán, chỉ có đoàn làm phim là ở lại.
Chúng tôi đào hầm ven Hồ Tây, khi có báo động thì xuống đó trú ẩn. Cũng thời điểm này, tôi phát hiện ra, trước kia, mình phải vào tận Vĩnh Linh mới có mặt trận thì bây giờ, Hà Nội cũng đang là một mặt trận khốc liệt. Ý tưởng về bộ phim “Em bé Hà Nội” ra đời trong những giây phút ấy”.
Lan Hương vào vai Ngọc Hà trong phim "Em bé Hà Nội" |
Như có một cái “duyên” trời định, bộ phim còn gắn với hình ảnh một em bé Hà Nội với đôi mắt trong veo, ngây thơ ám ảnh người xem đến kì lạ. Đó là vai diễn đầu tiên của NSND Lan Hương, một trong những diễn viên gạo cội của điện ảnh Việt Nam.
Nhiều người nhận xét, nếu không phải là Lan Hương thì chắc chắn bộ phim không thể thành công và có sức lay động bền bỉ trong lòng người đến như vậy. Có lẽ, chính vì thế mà bộ phim được lấy cảm hứng từ chính chị và được “đo ni đóng giày” cho chỉ mình chị mà thôi.
Tác phẩm chạm đến trái tim đồng cảm của nhân loại
Riêng việc chọn diễn viên, NSND Hải Ninh đã vô cùng kì công. Ông từng tiết lộ về việc này: “Một lần đến nhà anh Thư, bên Hãng phim tài liệu thì thấy em bé độ 3 - 4 tuổi đang lết trên sân gạch, tôi mới bế lên, nựng nựng và bảo con bé có đôi mắt huyền. Đôi mắt nó đẹp quá! Bẵng đi một thời gian gần chục năm”…
Đến khi làm phim “Em bé Hà Nội”, ông cầu kì đến mức tự mình đứng giữa chợ hoa Tết Hà Nội chỗ Hàng Mã, đến các trường học, các câu lạc bộ, thậm chí tìm đến tận nhà các em bé mà ông thấy hợp, đến nỗi nhiều người tưởng ông là kẻ xấu.
Rốt cuộc, vẫn chưa có diễn viên thật ưng ý. Không ngờ, hình ảnh cô bé mắt huyền ngày nào trở lại trong tâm trí ông, dù 6, 7 năm qua không một lần gặp lại.
Một cảnh trong phim “Em bé Hà Nội” |
Tính ra thì cô bé ấy vừa bằng tuổi của Ngọc Hà trong phim. Chắc mẩm mình và cô bé đó có “duyên nợ” với nhau, sáng hôm sau, ông hỏi ông Thư - bác của Lan Hương địa chỉ và tìm đến nhà cô bé ngay.
Lan Hương lúc đó sống cùng bố mẹ trong ngôi nhà cấp bốn, be bé ở Kim Liên, ngay lập tức khi gặp lại, đạo diễn Hải Ninh thấy rằng đây chính là người mình cần tìm.
Tuy vậy, ông vấp phải sự phản đối gay gắt của gia đình Lan Hương vì không muốn cô bé làm diễn viên, đến mức mẹ cô bé cắt phéng… hai bím tóc lúc lắc của Lan Hương mà ông rất thích.
Một cảnh trong phim “Em bé Hà Nội” |
“Mất hai bím tóc, tóc Lan Hương ngắn, không còn cái vẻ lí lắc nhưng tôi vẫn không nguôi mong cô bé sẽ vào vai em bé Hà Nội của mình. Về sau thuyết phục mãi, cũng may là Lan Hương rất thích đóng phim nên mẹ Lan Hương mới đồng ý. Lan Hương đã vào vai xuất sắc đến nỗi tôi không mong gì hơn nữa”, đạo diễn Hải Ninh tâm sự.
“Em đi giữa phố phường, chan chứa tình yêu thương. Em yêu những phố phường, của thành phố quê hương. Nơi đây em đã sống, những tháng ngày vinh quang, của Hà Nội anh dũng, của Tổ quốc vinh quang”…
Tiếng hát trong trẻo ấy đối lập với mưa bom bão đạn khốc liệt của những ngày “Hà Nội- Điện Biên Phủ trên không” của tháng 12/1972 khiến người ta có niềm tin bất diệt vào sức mạnh của lương tri, phẩm giá con người, sức mạnh của chính nghĩa, của dân tộc Việt Nam ta.
Thời gian qua đi, chiến tranh đã lùi xa mãi nhưng trong kí ức người Hà Nội, hình ảnh về một người Hà Nội “đất rung ngói tan gạch nát” vẫn còn vang vọng mãi.
Mỗi lần xem lại bộ phim “Em bé Hà Nội” là những kỉ niệm đau thương ấy lại tràn về, nhắc nhở người Hà Nội hôm nay phải sống có trách nhiệm hơn với quá khứ và tương lai.
Một cảnh trong phim “Em bé Hà Nội” |
Với những thành tựu ấy, “Em bé Hà Nội” đã từng đoạt giải thưởng Liên hoan phim Việt Nam lần III năm 1975, giải đặc biệt của BGK LHP Quốc tế Moscow 1975, giải thưởng của Mặt trận giải phóng Palestine tại LHPQT Xyry…
Khi "Em bé Hà Nội" được công chiếu tại các nước Nhật, Mỹ và nhiều nơi trên thế giới, khán giả đều bật khóc đầy xúc động.
Đó là phần thưởng vô cùng quý giá với ông, vì tác phẩm của mình đã chạm được tới trái tim đồng cảm của nhân loại, để họ thêm hiểu về cuộc chiến tranh chính nghĩa của đất nước ta, thêm khâm phục ý chí kiên cường của nhân dân Việt Nam.