Thanh niên Hà Nội nghiêng mình trước dấu tích lịch sử
Tượng đài Quyết tử để Tố quốc quyết sinh
Hơn 70 năm đã qua kể từ ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến. Kí ức về hơn 60 ngày đêm hào hùng oanh liệt của quân dân Thủ đô lúc bấy giờ chỉ còn lại trong câu chuyện của cụ, của ông bà và trên các phương tiện truyền thông, sách báo. Bằng tình yêu mảnh đất mình đang sống, bằng niềm tự hào về truyền thống của cha ông, thanh niên Hà Nội ngày nay vẫn có đủ hiểu biết, kiến thức về Hà Nội để nghiêng mình trước những dấu tích lịch sử của thành phố.
Từ khi trở thành phố đi bộ vào mỗi cuối tuần, khu vực quanh hồ Gươm, đường Lý Thái Tổ càng thu hút lượng người đổ về thưởng thức cảnh quan quanh “viên ngọc xanh” của Hà Nội và tận hưởng cuộc sống chậm rãi với Hà Nội. Gần đền Bà Kiệu, nơi có tượng đài “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” được khá nhiều bạn trẻ chú ý.
Sinh viên trường CĐ Xây dựng Công trình đô thị chụp ảnh lưu niệm tại Khu Di tích Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) |
Thật bất ngờ khi nhiều bạn nói lại với bạn bè mình rất rõ ràng đây là đài tưởng niệm quân và dân Thủ đô kiên cường chiến đấu bảo vệ Hà Nội trong Toàn quốc kháng chiến (tháng 12/1946). Có bạn còn chỉ rõ vật anh bộ đội mặc áo trấn thủ cầm chính là bom ba càng, một vũ khí đặc trưng của thời kì bấy giờ vì để đánh bom ba càng, người sử dụng phải là những chiến sĩ mưu trí, quả cảm, sẵn sàng hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ. Bom nổ gây áp lực cháy nổ rất lớn (nhiên liệu và đạn trên xe cùng bị kích nổ), sức ép một phần dội ngược lại phía sau hất người đánh bom bật ngửa xuống đường, tổ cứu hộ phải sẵn sàng ngay lập tức xông ra dìu chiến sĩ đánh bom vào nơi an toàn. Thông thường người chiến sĩ sẽ hi sinh sau khi bom nổ vì bị sức ép và hơi nóng táp vào người, nhưng cũng có trường hợp cá biệt đánh được nhiều lần. Thông tin đó càng khiến những bạn trẻ càng cảm phục sự quả cảm, quyết liệt của cha anh mình ngày xưa, đặc biệt khi đó hầu hết họ còn rất trẻ.
Khi được biết do tính sát thương cao như vậy nên theo chỉ thị từ Chính phủ, Việt Minh không khuyến khích lối đánh tự sát trừ trường hợp bất khả kháng nên Việt Minh không sản xuất thêm bom ba càng theo mẫu của người Nhật thì có những bạn trẻ đã rưng rưng xúc động. Chính vì thế, dù bên cạnh là hồ Gươm xanh đẹp lung linh, rất nhiều bạn trẻ đã chọn chụp ảnh cùng đài tưởng niệm với thái độ rất nghiêm trang và tôn kính. Chứng kiến cảnh ấy, không ít người Hà Nội vô cùng xúc động và cảm thấy yên tâm về thế hệ những người trẻ tuổi của thành phố.
Khu vực tượng đài “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh” ở vườn hoa Hàng Đậu cũng là một dấu ấn khiến các bạn trẻ phải tìm hiểu. Hàng ngày, có rất nhiều bạn ra vui chơi, đá cầu, trượt patin ở đây nhưng không có hiện tượng trèo leo nghịch ngợm vì có em thì được cha mẹ giảng giải cho ý nghĩa của tượng đài, có em thì chủ động lên mạng tìm kiếm thông tin và chú ý trân trọng, giữ gìn cảnh quan xung quanh tượng đài hơn.
Ở quanh phố Pháo đài Láng, nơi tập trung rất nhiều sinh viên các trường đại học của Thủ đô có một di tích cách mạng khiến các bạn trẻ rất thích thú. Dù chỉ còn lại một khẩu pháo lớn giương nòng lên trời cao luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Thủ đô trong khu di tích nhưng rất nhiều bạn sinh viên biết rằng đó là dấu tích của Pháo đài Láng xưa kia. Nơi đây vào hồi 20h ngày 19/12/1946, sau khi Bác Hồ ra lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, Pháo đài Láng đã nổ những phát đạn đầu tiên vào các trại lính Pháp ở nội thành, mở màn cuộc kháng chiến của quân dân Việt Nam. Tiếp đó, vào ngày 22/12/1946, Pháo đài Láng đã bắn cháy một máy bay của quân Pháp. Đây là lần đầu tiên một máy bay Pháp bị bắn trên bầu trời Hà Nội, xác rơi xuống phố Hàng Bột (nay là phố Tôn Đức Thắng). Chiến công này đã góp phần cổ vũ tinh thần chiến đấu của quân dân Thủ đô lên cao, giam chân địch trong nội thành. Chính vì thế bộ đội ở Pháo đài Láng đã được bộ trưởng Bộ Quốc phòng gửi thư khen.
Pháo đài Láng đã trở thành tên phố, tên đường từ những chiến công oanh liệt đó. Bên trong khu di tích còn có nhà trưng bày lưu giữ nhiều hiện vật quý như mô hình Hà Nội xưa, danh sách cán bộ, chiến sỹ Đại đội Pháo binh Thủ đô tham gia chiến đấu bảo vệ Hà Nội trong những ngày đầu kháng chiến, bằng công nhận Pháo đài là di tích lịch sử-văn hóa và nhiều kỷ vật, tranh ảnh, tư liệu lịch sử của quân và dân pháo đài. Nơi đây còn lưu giữ quả bom ba càng và năm đạn pháo cao xạ 75mm, một mã tấu là vũ khí của tự vệ và bộ đội pháo đài sử dụng trong những ngày toàn quốc kháng chiến bảo vệ Thủ đô. Sau những giờ học miệt mài, các bạn sinh viên đến với khu di tích này như được tìm hiểu thêm về lịch sử nơi mình đang sống, tiếp thêm niềm tự hào về chiến công của cha ông xưa kia đồng thời có những kiến thức bổ ích để giới thiệu cho bạn bè khi được hỏi về xuất xứ của cái tên phố Pháo đài Láng.
Còn rất nhiều những di tích của Thủ đô có thể những bạn trẻ đã hoặc chưa kịp tìm hiểu nhưng khi đã biết, đã nắm được ý nghĩa, tinh thần của những di tích ấy thì chắc chắn các bạn sẽ luôn nghiêng mình trước những dấu tích cha ông để lại. Điều đó càng khiến các bạn trưởng thành hơn, để sống có trách nhiệm hơn với bản thân, với Hà Nội và với đất nước mình mà cha ông đã đổi bằng bao xương máu để giữ gìn, phát triển.