Thay mẹ chăm sóc bố, nữ sinh vẫn học tập, rèn luyện xuất sắc
Cặp nữ sinh trường Bưởi tìm giải pháp xử lý rác thải gia đình |
Phương châm sống của Thảo chính là: “Niềm hy vọng tỏa sáng giống như những vì sao. Nó không thể nhìn thấy trong ánh sáng của sự thành công mà chỉ được nhìn thấy trong bóng tối của những nghịch cảnh”.
Thảo là một trong những gương mặt tiêu biểu tham dự Liên hoan “Người con hiếu thảo” do Thành đoàn Hà Nội tổ chức.
Nỗ lực không ngừng
Sinh ra và lớn lên tại thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, Thảo lựa chọn trường Đại học Kiến trúc Hà Nội theo học để thực hiện đam mê và hoài bão của bản thân. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố là lao động chính nhưng sức khỏe yếu không thể làm những việc nặng nhọc, mọi gánh nặng kinh tế dồn lên đôi vai nhỏ bé của mẹ nên cô gái trẻ tự lập từ sớm.
Vừa học, Thảo vừa làm thêm nhiều công việc như: Gia sư, cộng tác viên diễn họa thiết kế, thực tập sinh cho một số ty thiết kế kiến trúc và đào tạo phần mềm về kiến trúc. Những công việc này thu nhập không cao nhưng cô gái trẻ vẫn luôn chăm chỉ, cố gắng nhằm đỡ một phần sinh hoạt phí của bản thân cho bố mẹ và trau dồi thêm kinh nghiệm làm việc khi còn là sinh viên.
Nguyễn Thị Phương Thảo |
Năm 2021 dịch COVID-19 bùng phát, sinh viên chuyển qua hình thức online, Thảo quyết định chuyển về nhà để có thể phụ bố mẹ việc kinh doanh buôn bán của gia đình cũng như có thể ở gần giúp mẹ chăm sóc cho bố. Do luôn chủ động học hỏi và trau dồi kiến thức trong học tập cũng như trong cuộc sống nên trước đó cô gái trẻ đã theo học thiết kế 2D và 3D trên máy tính.
“Những điều này giúp mình có thể tìm được công việc làm thêm phù hợp với ngành học. Mình cũng có cơ hội thực hành kiến thức thầy cô đã dạy”, Thảo chia sẻ.
Thảo những tưởng cuộc sống cứ như thế êm đềm trôi qua. Dù khó khăn nhưng chỉ cần cô gái trẻ nỗ lực là sẽ vượt qua. Tuy nhiên, tháng 7/ 2022 bố Thảo phát hiện thêm căn bệnh rối loạn sinh tủy. Để chữa trị cho bố phải tiến hành làm phẫu thuật ghép tủy với chi phí dự tính rất lớn. Tuy nhiên, gia đình Thảo rất khó khăn lại không tìm được tủy tương thích, sức khỏe của bố không đáp ứng được điều kiện phẫu thuật nên chỉ có thể nằm viện tiếp nhận điều trị bằng hình thức truyền máu.
Hơn một năm qua, việc chăm sóc bố tại bệnh viện Huyết học truyền máu Trung ương đều do Thảo và cô em gái thay phiên nhau đảm nhận. “Mình biết gánh nặng kinh tế mẹ phải lo rất lớn. Vì thế, chị em mình bảo ban nhau chăm sóc bố, đỡ mẹ những lúc khó khăn”, Thảo tâm sự.
Giúp ích cho cộng đồng
Cuộc sống khó khăn, vất vả hơn nhiều người nhưng Thảo luôn khiến bạn bè nể phục, yêu mến không chỉ bởi những thành tích xuất sắc trong học tập, nghiên cứu khoa học mà cả hoạt động tình nguyện vì cộng đồng. Là thành viên Đội sinh viên tình nguyện trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, cô gái trẻ tích cực tham gia các hoạt động trong chiến dịch “Xuân tình nguyện”, “Mùa hè xanh”, “Đông ấm”…
Phương Thảo (giữa) cùng thầy cô tại trường Đại học Kiến trúc Hà Nội |
“Mình vẫn nhớ đầu năm thứ hai đại học được tham gia hoạt động tình nguyện tại Trại phong Quả cảm, Bắc Ninh. Lần đầu tiên, mình được tiếp xúc bệnh nhân mắc bệnh phong. Trước đó, mình nghĩ căn bệnh này là một điều gì đó đã rất xa xưa chẳng mấy ai nhớ nữa và không biết còn có những mảnh đời "sống mòn" tại nơi đây. Rất nhiều cụ có quê hương mà lại chẳng thể về do những hệ quả từ căn bệnh để lại. Từ chuyến đi này, mình quyết định làm đề tài nghiên cứu khoa học về “Tổ chức và cải tạo không gian ở cho người mắc bệnh phong tại làng phong Quả cảm, Bắc Ninh", Thảo cho biết.
Với đề tài này, Thảo mong muốn đưa ra giải pháp thiết kế giúp những bệnh nhân nơi đây có một không gian sống phù hợp, đáp ứng những yêu cầu sử dụng, sinh hoạt hàng ngày. Họ cũng có được không gian kết nối, chăm sóc sức khoẻ đảm bảo chất lượng cũng như giúp cho cộng đồng hiểu và gần gũi hơn với những bệnh nhân phong. Từ đó, họ có thể hoà nhập với cộng động một cách dễ dàng hơn.
Đề tài hướng đến nghiên cứu mô hình “Làng” mới mang thiết kế của sự thấu cảm: “Thấu cảm tự nhiên - Thấu cảm con người “ và sử dụng năng lượng hiểu quả nhằm ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu phức tạp như hiện tại. Đề tài được Thảo nghiên cứu và thực hiện dưới sự hướng dẫn, chỉ bảo vô cùng tâm huyết của thầy cô trong thời gian 1 năm và giành được giải ba cấp trường.
Cũng chính ngôi làng đặc biệt này là tiền đề cho đồ án tốt nghiệp của cô gái trẻ với tên gọi "Trung tâm chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi Bắc Ninh - làng An nhiên" và được TS. KTS Lê Thị Ái Thơ, giảng viên trường Đại học Kiến trúc Hà Nội trực tiếp hướng dẫn. Cô cũng là giáo viên hướng dẫn, đồng hành cùng Thảo đạt nhiều giải thưởng ở các cuộc thi và nghiên cứu khoa học .
“Bản thân mình có cơ hội được đi học đến hiện tại là điều rất tuyệt vời và may mắn hơn khi mình gặp được thầy cô – tấm gương sáng, người truyền lửa vô cùng nhiệt huyết. Thầy cô đã giúp mình có động lực, niềm tin vững vàng với đam mê, ước mơ, hoài bão của bản thân”.
Với những nỗ lực không ngừng, tháng 2/2023, Thảo vinh dự được kết nạp Đảng. Đây chính là động lực để cô gái trẻ nỗ lực nhiều hơn vừa đảm bảo tốt việc học tập, vừa giúp đỡ gia đình. Hiện tại, Thảo chuyển về nhà phụ giúp mẹ công việc gia đình và trau dồi thêm ngoại ngữ, chuẩn bị hồ sơ và đề cương nghiên cứu để tiếp tục theo học thạc sĩ.
“Vào tháng 11 này, mình sẽ trở lại Hà Nội để tiếp tục học tập và tìm kiếm một công việc chính thức phù hợp với chuyên ngành của bản thân. Mình có ước mơ trở thành một giảng viên, kiến trúc sư trong tương lai. Mình thật sự rất tâm đắc một câu nói luôn và là kim chỉ nam vượt lên khó khăn mỗi khi mình nản chí: “Niềm hy vọng tỏa sáng giống như những vì sao. Nó không thể nhìn thấy trong ánh sáng của sự thành công mà chỉ được nhìn thấy trong bóng tối của những nghịch cảnh”.
Mình tin rằng bản thân sẽ vẫn kiên cường vượt qua được nhưng khó khăn, mang đến cuộc sống tốt đẹp hơn cho gia đình và có những đóng góp tích cực cho cộng đồng”, Thảo tâm sự.
Những thành tích xuất sắc Nguyễn Thị Phương Thảo đã đạt được: Giải Ba và Giải Nhì "Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học" cấp trường năm học 2021- 2022, 2022- 2023; Giải Hội đồng cuộc thi thiết kế thư viện số trường Đại học Xây dựng miền Trung; Giải Hội đồng cuộc thi thiết kế kiến trúc cảnh quan quảng trường Trần Đại Nghĩa, Đại học Bách khoa Hà Nộ; Giải khuyến khích cuộc thi sinh viên trường Đại học Kiến Trúc Hà nội với ý tưởng khởi nghiệp năm 2022 – cuộc thi khởi nghiệp Quốc gia . Thảo cũng đạt danh hiệu "Sinh viên 5 tốt" cấp thành phố Hà Nội năm học 2021 – 2022; Học bổng và khen thưởng khuyến khích học tập của trường 3 năm học liên tiếp các loại giỏi, xuất sắc; Được trao một số học bổng khác như: "IB – creation scholarship", “Sharing the dream scholarship"; "Sinh viên tài năng EuroWindows Scholarship" năm 2023... |