Thể thao Việt Nam năm 2016: Những câu chuyện cảm động…
![]() |
Hoàng Xuân Vinh trở thành vận động viên thể thao Việt Nam đầu tiên và duy nhất tính đến nay giành được huy chương Vàng tại đấu trường Thế giới.
Người truyền cảm hứng…
Với 1 HCV và 1 HCB ở Olympic Rio 2016, Hoàng Xuân Vinh trở thành vận động viên thể thao Việt Nam đầu tiên và duy nhất tính đến nay giành được huy chương Vàng tại đấu trường Thế vận hội. Anh không chỉ mang về vinh quang, niềm tự hào cho dân tộc mà còn truyền cảm hứng cho rất nhiều học trò - những thế hệ trẻ của thể thao Việt Nam.
Hoàng Xuân Vinh sinh năm 1974 nhưng phải đến 25 năm sau anh mới theo sự nghiệp bắn súng chuyên nghiệp. Sau quãng thời gian công tác tại Trường sĩ quan Công binh, anh vào học tập tại Trường sĩ quan Lục quân. Năm 1994 tốt nghiệp, anh về Lữ đoàn 239 công binh tại Thường Tín, Hà Nội. Anh tham gia các giải bắn súng phong trào, đạt nhiều thành tích cao.
Năm 1999, Câu lạc bộ bắn súng quân đội xin Vinh về, cùng năm, anh được gọi vào đội tuyển quốc gia. Ngay năm 2000, Vinh mang về HCV, phá kỷ lục quốc gia súng ngắn hơi 10m nam. Các kỳ SEA Games liên tiếp từ năm 2001 đến năm 2015, mỗi kỳ Vinh trở thành một nỗi khiếp đảm với bất kỳ xạ thủ nào trong khu vực. Mỗi kỳ, luôn có ít nhất 1 HCV được Vinh mang về cho Tổ quốc.
Vào giờ tập luyện là nghiêm túc và kỷ luật thép, ngoài đời Hoàng Xuân Vinh cởi mở, hài hước. Bạn bè Hoàng Xuân Vinh đều quý mến anh bởi cách nói chuyện dí dỏm.
Chia sẻ về cuộc sống, Hoàng Xuân Vinh cho biết: "Cuộc sống của tôi rất giản dị. Đằng sau công việc mình làm là nhiệm vụ Tổ quốc và quân đội giao cho thì tôi cũng tham gia một số bộ môn thể thao khác. Ngoài ra, những lúc rảnh rỗi thì tôi cũng nghe nhạc để xả stress, sự căng thẳng trong lúc tập luyện bắn súng".
Hoàng Xuân Vinh thích san sẻ việc nhà với vợ, dạy các con học bài. Trải qua một tuổi trẻ nhiều niềm vui hơn nỗi buồn, Hoàng Xuân Vinh thấu hiểu được giá trị của những hạnh phúc đời thường. “Tôi hai lần mồ côi mẹ”, anh từng kể như vậy. Năm Hoàng Xuân Vinh 3 tuổi, mẹ anh lâm trọng bệnh, qua đời. Anh cùng một người em mới 1 tuổi được bố đưa về sống trong một căn nhà nhỏ ở phố Thụy Khuê, Hà Nội. Bố anh sau đó đi bước nữa, người mẹ thứ 2 rất yêu thương con chồng nhưng ngay trước ngày cưới Vinh, mẹ cũng qua đời.
Đến với bắn súng bằng cả đam mê và gắn bó với nó suốt 17 năm qua, chưa một lúc nào Hoàng Xuân Vinh than thở về vật chất. Với Vinh, bắn súng cho anh tất cả những gì quý giá nhất đến tận bây giờ, vinh quang cho Tổ quốc, hạnh phúc cho gia đình, những người bạn, người thầy đáng quý nhất trong cuộc đời.
Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh cũng cho biết, sau khi nổi tiếng, mặc dù cuộc sống của anh có nhiều lúc bị gián đoạn, có nhiều người biết đến anh nhiều hơn nhưng anh vẫn cố gắng duy trì cuộc sống bình dị như trước đây. Hằng ngày, ngoài thời gian làm việc và tập luyện môn bắn súng, anh thường đưa đón con đến trường, phụ vợ làm các công việc trong gia đình. Buổi tối hai vợ chồng vẫn thường đi dạo, uống trà đá,...
Chị Phan Hương Giang – vợ của Xuân Vinh, từng nhận xét chưa có ai chiều vợ như chồng mình. Thậm chí ở đơn vị, Hoàng Xuân Vinh còn nổi tiếng là người chiều vợ số một, khiến nhiều đồng nghiệp ghen tị.
Vượt khó thần kỳ
Từng giành nhiều huy chương khu vực, châu Á và thế giới nhưng năm 2016, lần đầu tiên Lê Văn Công có huy chương ở Paralympic. Hành trình chinh phục đỉnh cao của VĐV cử tạ quê Hà Tĩnh là cuộc vượt khó thần kỳ, chiến thắng số phận để ghi tên mình vào trang sử vàng thể thao người khuyết tật Việt Nam.
![]() |
VĐV Lê Văn Công đã chiến thắng số phận để ghi tên mình vào trang sử vàng thể thao người khuyết tật Việt Nam.
Sinh ra trong một gia đình nghèo của vùng quê gian khó Hà Tĩnh có tới 5 anh em trai, Công bị khuyết tật bẩm sinh từ lúc chào đời do mẹ anh bị sốt xuất huyết khi mang thai. Chuỗi ngày cơ cực, đầy mặc cảm của Công tưởng như kéo dài vô tận…
Năm 19 tuổi, Công đã một mình vào TP HCM để học kỹ thuật điện tử tại một trường dạy nghề cho người khuyết tật. Lúc đó, Công luôn nghĩ trong đầu rằng, có yếu chân thì còn tay, làm được gì thì làm, không thể trở thành gánh nặng cho gia đình được. Công vừa học vừa xin làm thêm ở các xưởng mộc gần trường để chi trả cho cuộc sống. Ra trường, Lê Văn Công tiếp tục học thêm khóa chỉnh sửa hình ảnh trên vi tính ở CLB khuyết tật trẻ vừa nhận các văn bản về đánh máy kiếm thêm với mức thu nhập chẳng đáng là bao.
Công tiếp tục tham gia lớp học tại một CLB hướng nghiệp khuyết tật trẻ của thành phố. Từ đây, anh được giới thiệu vào tham gia tập luyện TDTT, rèn luyện sức khỏe của CLB Cử tạ tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao Tân Bình. Từ đó, hằng ngày Công vừa tranh thủ làm thêm, vừa tập tạ. Công may mắn được HLV Nguyễn Hồng Phúc (Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao quận Tân Bình, TP HCM) trực tiếp huấn luyện, giảng dạy. Anh đã tiến bộ rất nhanh. Chỉ sau 1 năm luyện tập, Công đã được chọn tham dự Giải Thể thao người khuyết tật toàn quốc tại Hà Nội và đoạt HCB ở hạng cân 48kg, năm 2005.
Nhờ niềm đam mê, quyết tâm cao độ cùng sự bền bỉ hiếm có, Công đã liên tục có những bước thăng tiến không ngừng trong sự nghiệp. Tại giải đấu quốc tế đầu tiên mà Công tham dự là ASEAN Para Games 2007, anh xuất sắc giành HCV hạng 49kg với mức tạ 152,5kg.
Năm 2013, tại giải Vô địch Cử tạ người khuyết tật châu Á diễn ra tại Malaysia, Lê Văn Công đã lập được thành tích 175kg, đạt HCV, phá kỷ lục châu Á. Tại ASEAN Para Games VII, anh đã làm nên chiến thắng ấn tượng ở hạng 49 kg, với mức tạ 176 kg, đạt HCV, phá luôn kỷ lục châu Á đồng thời san bằng với thành tích kỷ lục thế giới của Yakubu. Thành tích cao nhất của Lê Văn Công là 181,5 kg, lập tại Asian Para Games II năm 2014. Đây đồng thời là kỷ lục thế giới ở cùng hạng cân.
Không dừng lại ở đó, chàng lực sỹ nặng chưa đầy 49kg đã quyết định đăng ký thi vòng đấu dành cho các VĐV vô địch các hạng cân, với quyết tâm phá kỷ lục thế giới. Kết quả, anh đã khiến tất cả phải thán phục khi nâng thành công mức tạ 182kg, phá thành công kỷ lục thế giới do chính anh đang nắm giữ.
Ở kỳ thứ 5 tham dự Paralympic, đoàn thể thao Người khuyết tật Việt Nam đã giải được cơn khát huy chương. Tấm HCV đồng thời phá kỷ lục Paralympic, phá kỷ lục thế giới của Lê Văn Công chính là thành quả xứng đáng sau những ngày tháng tập luyện gian khổ, vượt lên số phận.
Còn Lê Văn Công chia sẻ, anh đã rất xúc động khi lá cờ Việt Nam được kéo lên ở đấu trường Paralympic. Đó là thời khắc mà anh đã mơ từ rất lâu nhưng giờ mới thực hiện được. Trong giây phút tự hào và rất đẹp ấy, Văn Công không quên dành lời cảm ơn tới những người thầy, tới vợ con, tới ngành thể thao và người hâm mộ nước nhà…
Cặp uyên ương làng câu lông
Làng thể thao Việt Nam không thiếu những đôi VĐV yêu nhau rồi nên duyên vợ chồng. Cặp đôi VĐV cầu lông Nguyễn Tiến Minh và Vũ Thị Trang cũng đang trong quá trình trở thành một trong những cặp uyên ương đẹp nhất. Trong trận đấu mà Tiến Minh giành chiến thắng ở Olympic 2016, những câu động viên đầy tình cảm đã được thu vào micro của ban tổ chức và phát trực tiếp cho người hâm mộ toàn thế giới.
Cặp uyên ương làng câu lông Nguyễn Tiến Minh và Vũ Thị Trang.
Trên thế giới, gần nhất có Lin Dan (Trung Quốc) yêu và kết hôn với một tay vợt nữ trong đội cầu lông Trung Quốc. Cựu tay vợt số 1 thế giới Lee Chong Wei (Malaysia) cũng có vợ là VĐV cầu lông.
Người ngoài không mấy tỏ tường nhưng dân trong nghề thì biết, Tiến Minh và Vũ Thị Trang luôn quan tâm “đặc biệt” với nhau. Ngày Trang vẫn phải tập cùng đội nữ ở Đà Nẵng thì từ TP HCM, thi thoảng Tiến Minh đáp máy bay tới cốt chỉ để gặp mặt cô bạn rồi về. Ngược lại, Trang không ít lần tận dụng ngày nghỉ ngắn trong kỳ tập luyện để đi từ Đà Nẵng vào TP HCM thăm Tiến Minh.
Sau khi bất ngờ đoạt tấm HCĐ Olympic Trẻ vào 2010, tưởng như sự nghiệp sẽ thăng hoa, song hot-girl cầu lông Vũ Thị Trang sinh năm 1992 lại trải qua một giai đoạn gian khó trong một vòng luẩn quẩn. Do thiếu kinh phí nên mỗi năm Trang chỉ được thi đấu 2-3 giải quốc tế. Trang cũng không có một HLV giỏi định hướng, dẫn dắt. Chuyện tập luyện mang nặng tính tự phát và tùy hứng. Ở một vài cuộc đấu quốc tế hiếm hoi, cô luôn bị loại ngay từ vòng đầu.
![]() |
Có tới 2 năm, Trang đã gần như mất hút. Bản thân tay vợt trẻ cũng nản tới mức buông xuôi, chỉ xác định cố gắng duy trì thành tích ở tầm quốc nội. Đúng thời điểm bế tắc ấy, các nhà quản lý môn này với sự tư vấn và đồng ý của Tiến Minh đã đưa ra một quyết định quan trọng, giống như cơ hội cuối dành cho Trang: Đưa chị vào tập huấn dài hạn tại TP HCM cùng đàn anh đang ở đỉnh cao phong độ.
Bước ngoặt của Trang bắt đầu từ đó, gắn với sự hỗ trợ trực tiếp, toàn diện từ Tiến Minh. Không chỉ được tập luyện một ngày hai buổi cùng Tiến Minh theo một chương trình chuẩn quốc tế, mà Trang còn nhận được những chỉ dẫn quý như vàng từ tay vợt hàng đầu thế giới xung quanh việc tập luyện, thi đấu, dinh dưỡng, y học...
Thời gian đầu, Trang đã phải luôn gồng mình gắng sức vẫn chưa theo được ông thầy đặc biệt. Rồi mọi chuyện đã dần vào guồng. Trang đẩy được khối lượng vận động lên cao, học được nếp luyện tập, sinh hoạt chuyên nghiệp của đàn anh, lấy lại được sự tự tin và hưng phấn. Chỉ qua nửa năm, trình độ của cô đã nâng lên rõ rệt.
Cuộc giải cứu đặc biệt đã giành được thành quả đầu tiên tại giải Đài Loan mở rộng 2013, khi Trang trở thành tay vợt nữ Việt Nam đầu tiên lọt vào bán kết một cuộc đấu quốc tế chuyên nghiệp. Nó đã giúp cô tạo ra một cuộc vượt ngưỡng thực sự để thăng tiến không ngừng. Qua 3 năm, từ chỗ chỉ quanh quẩn ở sân chơi trong nước, Trang đã lọt vào Top 50 thế giới (cao nhất từng đứng thứ 39), giành HCĐ ở 2 kỳ SEA Games liên tiếp và đoạt suất chính thức tới Olympic.
![]() |
Lúc đầu, Minh chỉ coi Trang như em gái. Tay vợt kỳ cựu chuyên nghiệp đến mức lạnh lùng và khắc khổ ấy dường như quên mất chuyện riêng tư. Còn Trang luôn coi đàn anh như một thần tượng về chuyên môn, với những khoảng cách rõ rệt. Tuy nhiên, qua từng buổi tập, mỗi giải đấu song hành đặc biệt, tình cảm của cặp đôi trời sinh nảy sinh một cách thật tự nhiên. Họ yêu nhau lúc nào chẳng hay, thậm chí không hề trải qua “khâu” tỏ tình như thường thấy, chỉ biết rằng hai trái tim thực sự thuộc về nhau.
Không ai bảo ai, cả Minh và Trang đều duy trì tình trạng “bí mật” nhằm tập trung cao độ cho sự nghiệp. Cuộc sống khi yêu của bộ đôi vàng vẫn xoay quanh trái cầu, chỉ khác mỗi người đã tìm thấy cho mình một động lực tinh thần, một sức bật mới. Minh trở nên trẻ trung hơn hẳn còn Trang không chỉ ngày càng duyên dáng mà còn tràn đầy sự tự tin, mạnh mẽ.
Cũng kể từ đó, mục tiêu cho sự nghiệp của họ được đặt ra rất cao và thực hiện càng quyết liệt. Về mặt chuyên môn, Minh còn nghiêm khắc với Trang hơn trước nhiều. Hai người vẫn có sự tự chủ và tinh thần chịu trách nhiệm cá nhân rất rõ ràng. Đơn cử việc mỗi người có đều có nhà tài trợ của riêng mình, với hai thương hiệu đang là đối thủ cạnh tranh trực tiếp.
Điều đặc biệt, phải mãi gần đây, khi không thể giấu nữa, Minh và Trang mới chịu xuất hiện cùng nhau tại một số sự kiện chính thức. Nhìn vào sự rạng ngời trong vẻ bẽn lẽn của họ, ai cũng hiểu tình yêu của hai người đang nồng nàn, hạnh phúc
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

21 đội tranh tài tại Giải đua thuyền truyền thống Quảng Nam

Lan tỏa tinh thần “Năng động cùng thể thao” tới hơn 7 triệu học sinh tiểu học

Hai chương trình vì cộng đồng của TCP Việt Nam lọt top 10 Chiến dịch CSR có ảnh hưởng trên mạng xã hội nửa cuối năm 2024

Giải bóng đá thanh niên xã Đông Hội tìm được tân vương

Quảng Nam: Hơn 400 vận động viên tranh tài tại Giải Pickleball 2025

Hành trình 5 năm lan tỏa hình ảnh thể thao Việt Nam

Nơi ươm mầm tài năng thể thao Thủ đô

Lan tỏa đam mê cờ vua học đường

Sân chơi bổ ích, góp phần giảm thiểu tai nạn thương tích cho trẻ em dịp hè
