Theo dõi chặt sự xuất hiện biến thể mới của COVID-19
Ca mắc COVID-19 giảm thấp nhất hơn 1 năm qua
Bộ Y tế cho biết, ngày 25/12 có 71 ca mắc COVID-19 mới. Đây là con số thấp nhất trong năm 2022 tính đến thời điểm này, đồng thời cũng là con số thấp nhất kể từ khoảng hơn 1 năm qua. Trong ngày có 41 bệnh nhân khỏi.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.524.273 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 117/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.461 ca nhiễm).
Biểu đồ số ca mắc COVID-19 tại Việt Nam thời gian qua |
Đến nay tổng số người mắc COVID-19 đã khỏi ở nước ta là: 10.610.804 trường hợp. Trong số hơn 850 nghìn trường hợp đang theo dõi, giám sát, số bệnh nhân đang thở oxy là 37 ca, trong đó: Thở oxy qua mặt nạ: 30 ca; Thở oxy dòng cao HFNC: 2 ca; Thở máy xâm lấn: 5 ca.
Ngày 24/12 không ghi nhận ca tử vong. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 1 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.184 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/230 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 139/230 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với Châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 21/49 quốc gia, vùng lãnh thổ Châu Á (xếp thứ 3 ASEAN).
Dự báo tình hình dịch bệnh sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp thời gian tới, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các làn sóng dịch bệnh do biến thể mới. Giai đoạn giao mùa tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các bệnh dịch đường hô hấp, dẫn đến nguy cơ dịch chồng dịch.
Thời gian tới là dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa lễ hội, nhu cầu giao thương du lịch tăng cao, cùng thời tiết chuyển mùa thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm lây lan, có thể gia tăng số mắc, nhất là với nhóm trẻ em có sức đề kháng yếu và người cao tuổi có bệnh lý nền, dễ mắc các bệnh truyền nhiễm.
Bộ Y tế yêu cầu cơ quan chuyên môn tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch, nhất là sự xuất hiện của các biến thể mới của COVID-19, thường xuyên đánh giá, phân tích tình hình và các yếu tố nguy cơ; Chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó và triển khai đáp ứng với mọi tình huống có thể xảy ra của dịch; Kịp thời cập nhật, bổ sung các hướng dẫn chuyên môn và hỗ trợ địa phương trong phòng, chống dịch COVID-19.
Những tỉnh, thành nào tiêm vắc xin COVID-19 mũi 3, tiêm cho trẻ 5 - dưới 12 tuổi chậm?
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy đến nay, tổng số mũi vắc xin COVID-19 đã tiêm trên cả nước là: 265.380.041
Nhóm từ 18 tuổi trở lên, tiêm mũi 3: Tổng số có 51.659.615 mũi tiêm (80%). Trong đó, 5 tỉnh, thành phố có tỷ lệ tiêm thấp: Quảng Nam (62,8%); Bình Định (60,4%); Phú Yên (62,3%); Đồng Nai (53,8%); Đồng Tháp (60%); 6 tỉnh, thành phố có tỷ lệ tiêm cao: Thanh Hóa (96,8%); Bắc Giang (98,1%); Quảng Ninh (96,8%) Nghệ An (100%); Lào Cai (97,1%); Sóc Trăng (100,4%). Tiêm mũi 4: Tổng số có 17.272.779 mũi tiêm (87%) tăng 0,1%.
Ảnh minh họa |
Nhóm từ 12-17 tuổi; số tiêm mũi 3 có 5.778.368 mũi tiêm (68,4%). Tỉnh có tỷ lệ tiêm thấp: Đà Nẵng (43,7%); Phú Yên (48,4%); Bình Thuận (44,1%); TP HCM (36,4%); Đồng Nai (43%). Tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (99,3%); Sóc Trăng (103,5%); Bến Tre (94,9%).
Nhóm từ 5- dưới 12 tuổi, tổng số mũi tiêm đã thực hiện là 18.318.017 mũi tiêm. Mũi 1: 10.225.934 mũi tiêm (92,7%); 5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm thấp: Hà Nội (77,2%); Quảng Trị (78,8%); Thừa Thiên - Huế (83%); Đà Nẵng (68,4%); TP HCM (64,5%).
Mũi 2: 8.092.083 mũi tiêm (73,4%) tăng 0,2%; 5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm thấp: Quảng Bình (54,3%); Đà Nẵng (36,6%); Quảng Nam (48,2%); TP HCM (39,9%), Bà Rịa- Vũng Tàu (55,1%)
Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc, hỗ trợ địa phương đẩy nhanh tiêm vắc xin phòng COVID-19, nhất là mũi 3, mũi 4 cho người từ 12 tuổi trở lên và tăng cường tiêm chủng phòng COVID-19 cho trẻ em theo mục tiêu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả.
Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc triển khai các hoạt động tăng cường tiêm cho trẻ em mầm non, học sinh tại các cơ sở giáo dục.
Tổng số ca mắc trên thế giới hơn 661,6 triệu ca, trên 6,6 triệu ca tử vong. Ấn Độ xét nghiệm COVID-19 bắt buộc với hành khách từ 5 quốc gia. Ngày 24/12, Bộ trưởng Y tế Ấn Độ cho biết xét nghiệm RT-PCR để phát hiện COVID-19 sẽ được thực hiện bắt buộc đối với hành khách từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Thái Lan khi họ đến Ấn Độ. Bất kỳ hành khách nào đến từ các quốc gia nêu trên có triệu chứng hoặc có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 đều sẽ bị cách ly. |