Thời trang giảng đường của sinh viên: Trường học hay là cái chợ?
Môi trường đại học tương đối “thoáng” trong vấn đề đồng phục tới giảng đường, vì thế, các bạn sinh viên thoải mái lựa chọn thời trang đi học sao cho phù hợp. Tuy nhiên, đâu đó vẫn xuất hiện hình ảnh sinh viên đi dép lê, mặc quần đùi, quần sooc, thậm chí là áo croptop, đầu tóc không gọn gàng, hay những bộ đồ ngủ ở nhà thản nhiên “diện” đến lớp học.
Thể hiện cá tính hay phản cảm?
Nếu ở bậc THPT, hầu hết học sinh đều phải mặc đồng phục khi đến trường thì lên đại học như một sự giải phóng khỏi khuân khổ, sinh viên có thể thoải mái mặc những gì mình thích. Hiện nay, đa số các trường đều không có quy chế cụ thể về trang phục học đường mà chỉ có quy định chung như "trang phục nghiêm túc, lịch sự", bởi vậy mà nhiều bạn tha hồ ăn mặc “thoáng” đến giảng đường.
Nhiều bạn sinh viên ăn mặc khá thoải mái khi đi học |
Dạo một vòng quanh khuân viên của vài trường đại học, không khó để chúng ta bắt gặp nhiều bạn sinh viên ăn mặc quá “mát mẻ”: áo croptop, quần soóc, hay váy ngắn,... với suy nghĩ rằng mặc những gì mình thích là thể hiện cá tính của bản thân. Một số lại quá xuề xòa trong cách phục sức như mặc đồ ngủ đến trường, đi dép tông. Những điều này vô hình chung làm trang phục trong các trường đại học trở nên lộn xộn thậm chí nhiều khi trở thành phản cảm, nhố nhăng.
Là một người khá quan tâm đến vẻ ngoài của mình, bạn Chi Mai, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết: “Mình nghĩ sinh viên là phải năng động nên việc ăn mặc lên giảng đường chỉ cần mình thích, phù hợp cá tính là được bởi môi trường đại học cũng khá là thoải mái, không nhất thiết phải mặc quá nghiêm túc mới thể hiện được mình là sinh viên”.
Thời trang giàng đường của không ít bạn sinh viên như là đi chơi |
Vẫn biết là không nhất thiết phải ăn mặc quá nghiêm túc khi đi học nhưng không phải vì thế mà các bạn trẻ chỉ quan tâm đến cá tính trong ăn mặc của mình mà bỏ quên các giá trị về thẩm mỹ, lịch sự nơi giảng đường. Sự thiếu đứng đắn trong cách ăn mặc của sinh viên không chỉ ảnh hưởng tới hình ảnh của trường mà còn tác động đến tâm lý những người giảng dạy.
Cô Phạm Thu Giang, giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ, “Cách ăn mặc của các bạn sinh viên tác động tới cảm nhận giảng viên rất nhiều. Khi lên giảng đường, nhiều bạn sinh viên chưa chú ý trang phục và văn hoá học đường cũng khiến giảng viên cảm thấy không được tôn trọng. Một số sinh viên chưa nhận thức được rằng phong cách ăn mặc của mình có thật sự phù hợp với hoàn cảnh, môi trường xung quanh hay không”.
Mặc sao cho phù hợp?
Phong cách ăn mặc xuất phát từ mục đích muốn bản thân đẹp hơn, thu hút và nổi bật giữa đám đông, tuy nhiên không phải cứ chạy theo xu hướng thì mới là đẹp. Có rất nhiều bạn sinh viên có lối ăn mặc giản dị, gọn gàng cũng đã làm các bạn đó trở nên lịch sự, bắt mắt, vẫn đẹp mà không hề lỗi thời.
Nhiều bạn sinh viên không ngại ngần mang cả dép ở nhà đến giảng đường |
Bạn Phương Linh, sinh viên Học viện Tài chính cho rằng “Theo mình, môi trường đại học cũng không bắt ép mình quá nhiều nhưng mình cũng nên giữ sự tôn trọng đối với thầy cô cũng như các bạn bởi vậy trang phục lên giảng đường chỉ cần đảm bảo nó lịch sự, phù hợp là đẹp rồi”.
Cũng chính từ vấn đề nên mặc thế nào để phù hợp khi lên giảng đường, một số trường thậm chí đã ra nội quy yêu cầu sinh viên phải mặc đồng phục hay mặc áo có cổ, quần tây khi lên lớp vào một số ngày nhất định trong tuần hay Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng có quy định sinh viên phải mặc đồng phục áo Đoàn vào các ngày thứ hai đầu tháng.
Cũng theo cô Phạm Thu Giang, “Nhà trường có thể truyền đạt yêu cầu về trang phục và văn hoá học đường thông qua các buổi trao đổi đối với sinh viên, thay vì đưa vào quy định cứng nhắc và có thể gây ra các phản ứng trái chiều”.
Trong xu thế toàn cầu hóa, giới trẻ tiếp thu nhanh chóng các xu hướng, văn hóa mới về thời trang, nhiều trường cũng đã thoải mái hơn về trang phục nhưng để không làm mất đi nét đẹp văn hóa, thuần phong mỹ tục truyền thống lâu đời, thì sinh viên phải tự ý thức ăn mặc sao cho phù hợp với môi trường sư phạm. Bên cạnh đó, mỗi nhà trường cũng cần quan tâm hơn về vấn đề này, tránh có những hình ảnh phản cảm ở môi trường sư phạm.